Nguyên lãnh đạo Đà Nẵng: 'Không thể đổ hết cho ông Xuân Anh'

Ngày đăng: 07:57 07/10/2017 Lượt xem: 466



 Nguyên lãnh đạo Đà Nẵng: 'Không thể đổ hết cho ông Xuân Anh'



                                                            Nguồn:Báo Điện tử VnExpress


Nhận xét mức kỷ luật với Bí thư Đà Nẵng là nghiêm minh, nguyên Phó chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng "lãnh đạo trước đây có gì sai cũng phải nói rõ".

Chiều 6/10, ông Võ Duy Khương, người viết đơn xin thôi chức Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng trước tuổi nghỉ hưu, nhận xét việc Trung ương kỷ luật tập thể và cá nhân có sai phạm ở Đà Nẵng là "nghiêm minh".

"Mức kỷ luật buộc thôi chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Trung ương với ông Nguyễn Xuân Anh trong lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng chưa từng có tiền lệ. Đây là bài học xương máu cho Đảng bộ thành phố trong việc chọn lựa người giữ cương vị chủ chốt", ông Khương đánh giá.

Ông Khương cho rằng tập thể Đảng bộ thành phố và Ban thường vụ Thành ủy đã thiếu tinh thần đấu tranh xây dựng, thiếu tập trung dân chủ. Những gì thể hiện thời gian qua cho thấy "có tập trung nhưng không dân chủ", không phát huy trí tuệ, trách nhiệm của tập thể.

Tham gia hai nhiệm kỳ Ban Thường vụ Thành ủy, ông Khương nhận thấy trước đây các ủy viên rất nghiêm túc, tập trung dân chủ. Mỗi cá nhân có thể không nhất trí với nhau việc này, việc kia, nhưng việc chung của thành phố thì sáp vào bàn, bàn cho ra việc để làm. Những kinh nghiệm quý báu đó không được lãnh đạo mới học hỏi.

 

nguyen-lanh-dao-da-nang-khong-the-do-het-cho-ong-xuan-anh

Ông Nguyễn Xuân Anh từng gây ấn tượng khi buổi thực tế đầu tiên trên cương vị Bí thư Đà Nẵng là kiểm tra bãi rác ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Mong muốn nhân sự thay thế đủ tài đức giúp bức tranh Đà Nẵng tươi sáng hơn, ông Khương cho rằng người lãnh đạo chủ chốt trong giai đoạn này phải tập trung khắc phục cho được những hạn chế mà Trung ương chỉ ra. Đó là phải làm rõ những sai phạm trong các lĩnh vực mới mong lấy lại được lòng dân.

Theo ông, Đảng bộ đến chính quyền thành phố cũng phải xử lý dứt điểm tất cả yếu kém, không thể để kéo dài thêm. Tập thể, cá nhân nào sai phạm trong việc gì thì phải làm rõ, kể cả những lãnh đạo trước đây, "không thể đổ hết cho ông Xuân Anh".

"Chúng ta không nên giậu đổ bìm leo. Cá nhân ông Xuân Anh sai thì phải chịu trách nhiệm rồi. Nhưng còn lãnh đạo trước đây quyết định những việc sai thì cũng phải nói cho rõ", ông Khương nêu quan điểm.  

 

nguyen-lanh-dao-da-nang-khong-the-do-het-cho-ong-xuan-anh-1

Ông Xuân Anh dẫn đầu đoàn thị sát bãi biển sạt lở và ô nhiễm tháng 3/2017. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, chia sẻ không muốn bàn luận về mức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, vì đây là "chuyện buồn của nhiều người". 

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, mức kỷ luật ông Xuân Anh đã được "báo trước" khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu các vi phạm, khuyết điểm của ông này. Đối chiếu theo quy định trong Đảng thì những vấn đề như vậy sẽ phải xử lý cách chức và đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương.

"Đây là điều đáng tiếc với một Uỷ viên Trung ương, cán bộ đứng đầu Đảng bộ thành phố quan trọng. Nhưng đã là kỷ luật thì phải mang tính công bằng, ai bị phát hiện sai phạm cũng đều phải được xử lý như nhau", ông Nhưỡng nói.

 

dai-bieu-luu-binh-nhuong-nguoi-ke-nhiem-xuan-anh-phai-lam-viec-gap-doi

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh thể hiện quyết tâm của cấp có thẩm quyền về xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm. Ảnh: Quochoi

Hai ngày qua đi tiếp xúc cử tri, ông Nhưỡng nhận được nhiều ý kiến mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong xử lý cán bộ có vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao.

Việc ông Nguyễn Xuân Anh có bố từng là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nhưỡng nói việc phát huy truyền thống gia đình là điều đáng quý và bình thường "nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn, thực sự là người có tâm, có tài".

"Chúng ta hay nói câu chuyện người tài và người nhà. Sợ nhất là người nhà đặt trong ngoặc kép, có nghĩa là anh chỉ có mỗi cái tiêu chí đó là vào hàng ngũ lãnh đạo thì không thể chấp nhận; còn thực hiện quy trình nhân sự đúng rồi, đã được rèn luyện và chứng minh được bản thân rồi thì không có vấn đề gì", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, tuy nhiên vừa qua cả Bí thư và Chủ tịch đã nhận kỷ luật và hiện còn nhiều việc cần giải quyết như tổ chức APEC, phát triển bền vững khu vực Sơn Trà... Do đó, Tân Bí thư Thành uỷ phải vừa giải quyết những khó khăn đang có, vừa phải lo cho sự phát triển, "làm việc gấp đôi, gấp ba người thường". 

"Cán bộ kế nhiệm ông Xuân Anh phải là người có độ chín chắn để trở thành cây đại thụ trong quản lý, điều hành thành phố. Nếu người về đây mà thiếu năng lực thì sẽ làm cho Đà Nẵng chìm dưới đáy sông Hàn, không thể phát triển được nữa", ông Nhưỡng nói.

10h sáng 7/10, quyết định cách chức ông Nguyễn Xuân Anh và kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được công bố tại trụ sở Thành ủy Đà Nẵng.

Ngày 6/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Cá nhân ông Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.

Trước đó ngày 2/10, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, do vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và quy chế làm việc.

tin tức liên quan