Công khai tài sản lãnh đạo, chấm dứt đồn đoán biệt phủ đứng tên ai?

Ngày đăng: 08:31 20/10/2017 Lượt xem: 638



Công khai tài sản lãnh đạo, chấm dứt đồn đoán biệt phủ đứng tên ai?

 

                                                      Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


“Tôi tin rằng, nếu công khai tài sản cán bộ cho nhân dân giám sát, chắc chắn những ai có tài sản khủng, gia tăng bất ngờ sẽ bị phát hiện sớm”, ông Nguyễn Túc nói.


Xã hội - Công khai tài sản lãnh đạo, chấm dứt đồn đoán biệt phủ đứng tên ai?

Ông Nguyễn Túc: "Công khai là một bước để minh bạch hóa tài sản của lãnh đạo". (Ảnh: Internet).

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước Quyết định 99 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, nhiều nội dung sẽ phải công khai để nhân dân biết và giám sát.

Ông Nguyễn Túc cho rằng: “Quyết định 99 của Ban Bí thư quy định về những nội dung, hình thức công khai để người dân biết, giám sát cán bộ. Đặc biệt, việc công khai tài sản của cán bộ là vấn đề nhiều người quan tâm. Quyết định này cũng đề cập đến việc có thêm kênh công khai thông tin như phương tiện truyền thông đại chúng, cổng thông tin điện tử...

Theo tôi, đây là một bước phát triển mới trong việc phát huy vai trò và quyền của nhân dân trong thực hiện giám sát cán bộ, Đảng viên có chức, có quyền trong Đảng, bộ máy chính quyền Nhà nước; tiếp tục làm trong sạch hóa bộ máy của Đảng, Nhà nước. Điều này đã cụ thể hóa Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền".

Ông Túc nêu quan điểm: “Tôi từng nhiều lần phát biểu, việc kê khai tài sản cán bộ phải công khai mới có thể giám sát được, còn kê khai xong để đút vào ngăn kéo thì chỉ mang tính hình thức. Tôi rất mừng vì hướng dẫn của Ban Bí thư có nói đến các kênh công khai tài sản cán bộ như cổng thông tin điện tử, phương tiện truyền thông đại chúng. Các hình thức công khai này sẽ phát huy vai trò giám sát của nhân dân”.

Nhiều ý kiến băn khoăn, việc yêu cầu công khai tài sản cán bộ lãnh đạo có giúp minh bạch được tài sản của họ, ông Nguyễn Túc cho rằng: “Thực tế, thời gian qua, dư luận có nhiều đồn đoán về tài sản một số cán bộ có chức, có quyền. Những câu hỏi như "biệt phủ cán bộ đứng tên ai" gây nhiều bức xúc. Tôi tin rằng, nếu công khai tài sản cán bộ cho nhân dân giám sát, chắc chắn những ai giấu giếm hoặc có tài sản khủng gia tăng bất ngờ sẽ sớm được phát hiện.

Việc thực hiện quy định trên là một bước để minh bạch hóa tài sản, còn minh bạch đến mức nào lại tùy thuộc vào trách nhiệm, tính trung thực của người kê khai. Có thể nhiều người kê khai chưa đầy đủ hoặc cố tình giấu giếm. Nhưng nếu chúng ta tổ chức tốt giám sát ở địa bàn dân cư, ở cơ quan họ công tác… chắc chắn việc giám sát sẽ ngày càng có kết quả tốt hơn”.

tin tức liên quan