Tổ chức đảng phải có trách nhiệm trước vi phạm của đảng viên
Liên quan tới những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức đảng trong vụ việc này.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược với nhận định trên.
Về việc này, hôm 25/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phan Xuân Xiểm – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cũng không thể thoái thác trách nhiệm trước những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý.
|
Luật sư Phan Xuân Xiểm. Ảnh: Trinh Phúc/giaoduc.net.vn. |
Luật sư Xiểm thẳng thắn:"Nói thẳng ra đó là sự buông lỏng quản lý cán bộ đảng viên của tổ chức đảng ở Yên Bái trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.
Đáng lẽ, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm về việc sở hữu tài sản lớn (kê khai tài sản có dấu hiệu không trung thực - PV) có dấu hiệu bất thường, thì cơ quan quả lý đảng viên (cơ quan kiểm tra của Tỉnh ủy - pv) phải chủ động kiểm tra, chấn chỉnh, nhưng thực tế thì họ không không phát hiện được.
Trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về cấp ủy đảng, nơi đảng viên sinh hoạt; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái...", Luật sư Phan Xuân Xiểm nhận định.
Vị Luật sư cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ không đề nghị kiểm điểm tổ chức đảng trước những vi phạm của ông Quý là có phần thiếu sót.
"Bên cạnh đó, tổ chức đảng cần vào cuộc để nắm rõ vi phạm của đảng viên về kinh tế, về pháp luật trong vụ việc nói trên để xử lý trách nhiệm tương ứng.
Tóm lại, đảng viên vi phạm thì tổ chức đảng phải có trách nhiệm", ông Xiểm khẳng định.
Cần điều tra dấu hiệu hình sự làm thất thu ngân sách
Một trong những nội dung đáng chú ý trong kết luận thanh tra này là việc chính quyền thành phố Yên Bái cho phép bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) chuyển hơn 13.581 m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, là không đúng quy định.
Năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở vượt hơn 3.854 m2 đất so với kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Yên Bái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Cơ quan này còn cho phép bà Huệ chuyển mục đích sử dụng hơn 1.012 m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở không có trong kế hoạch phê duyệt.
|
Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Ảnh của Báo Tài nguyên và Môi trường. |
Để xảy ra vi phạm này trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái phụ trách lĩnh vực, Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố, Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất thành phố Yên Bái, các cơ quan, cá nhân có liên quan.
Chi cục Thuế thành phố Yên Bái không thông báo, không xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ.
Điều này là không thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về Chi cục Thuế thành phố Yên Bái, các cá nhân có liên quan.
Khi chưa xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ là không đúng với quy định của Luật Đất đai.
Đáng chú ý là khoản chi phí đào, đắp mặt bằng hơn 2 tỷ đồng đã giảm trừ cho bà Huệ khi xác định tiền sử dụng đất là thiếu căn cứ, cơ sở thực tế.
Về việc này, hôm 24/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trong Đạt cho rằng, cần phải xem xét rõ hành vi vi phạm nói trên. Trong trường hợp có dấu hiệu hình sự phải điều tra làm rõ.
"Cá nhân người ta mua nhiều vậy thì chính quyền phải thẩm định mua để làm gì? Nếu mua để ở sao mua nhiều vậy? Nếu mua để kinh doanh thì phải lập dự án cụ thể chứ", ông Đạt nói.
Về khoản chi phí đào, đắp mặt bằng hơn 2 tỷ đồng đã giảm trừ cho bà Huệ khi xác định tiền sử dụng đất là thiếu căn cứ, cơ sở thực tế, ông Đạt cho rằng, nếu sai cần phải thu hồi và xử lý nghiêm vi phạm.
"Tính toán tiền giảm trừ không hợp lý thì cấp có thẩm quyền phải thu hồi lại. Cái này có dấu hiệu (hình sự-pv) thôi. Cần có thêm căn cứ để làm rõ dấu hiệu hình sự trong vụ việc này.
Chúng tôi chỉ mới phát hiện vi phạm, nên chưa thể kết luận ngay được (vi phạm hình sự hay không có dấu hiệu hình sự).
Trong khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng trái phép của gia đình ông Quý.
"Đây là vấn đề có dấu hiệu hình sự.
Thông thường khi điều tra một người mà người đó có người thân làm lãnh đạo, quản lý, thì cơ quan có thẩm quyền phải tách người đó ra khỏi địa bàn để quá trình điều tra được khách quan hơn", ông Thuận nói.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý. Những nội dung báo phản ánh hoàn toàn đúng với kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ công bố.