Đổi mới tổ chức bộ máy: Bí thư kiêm Chủ tịch: Tiết kiệm trăm tỷ mỗi năm

Ngày đăng: 07:10 31/10/2017 Lượt xem: 516


Đổi mới tổ chức bộ máy:

              Bí thư kiêm Chủ tịch: Tiết kiệm trăm tỷ mỗi năm

 

                                                               Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong


Trong khi nhiều địa phương còn lấn cấn với mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch UBND thì từ năm 2014 Quảng Ninh đã mạnh mẽ thực hiện chủ trương này. Nhờ đó mỗi năm tỉnh tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi cho bộ máy.



 

Việc nhất thể hóa ở phường Quang Hanh đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.


Việc nhất thể hóa ở phường Quang Hanh đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 

Giảm 368 cán bộ thôn

Với hơn 40 cán bộ cấp xã và 500 cán bộ không chuyên trách ở cấp thôn, phường Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả) là một trong những địa phương có số cán bộ hưởng lương, trợ cấp một phần từ ngân sách thuộc loại lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Trước tình trạng này, năm 2014, phường xây dựng Đề án đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND. Đồng thời, áp dụng việc kiêm nhiệm các chức danh như: Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND; Phó Chủ tịch HĐND kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy; Phó Chủ tịch MTTQ kiêm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, phường thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu; Phó bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận; các chức danh hoạt động không chuyên trách khác kiêm trưởng các đoàn thể hoặc tổ trưởng tổ nhân dân… Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Hanh Trương Văn Pha cho hay, nhờ thực hiện mô hình này, đến nay ở cấp xã giảm được 4 cán bộ, còn ở cấp thôn giảm đến 368 người.

Theo ghi nhận của PV, cách phường Quang Hanh khoảng vài chục cây số, xã Cộng Hòa (Cẩm Phả) chỉ có 863 hộ dân, với gần 3,5 nghìn nhân khẩu nhưng bộ máy cũng được duy trì đầy đủ “ban bệ” từ Đảng, chính quyền đến các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, mặt trận… Bên cạnh đó, số cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn cũng lên đến hàng chục người.

Trách nhiệm cụ thể

Trao đổi với PV, ông Hà Văn Công, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho hay, do số lượng người đông, phân định trách nhiệm không rõ dẫn đến hoạt động trùng lắp, cùng một nội dung công việc nhưng nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng vào cuộc. “Chỉ một đàn gà, một con gà ốm, nhưng thanh niên, cựu chiến binh, khuyến nông, trưởng thôn, cán bộ MTTQ… cùng vào cuộc, cùng báo cáo. Thành thử, số lượng báo cáo trong xã, rồi từ xã lên huyện về con gà rất nhiều”, ông Công kể.

Tuy nhiên, ông Công cho biết từ năm 2015 thực hiện Đề án 25 của tỉnh, với việc nhất thể hóa một số chức danh, 1 cán bộ đảm nhiệm 2 - 3 chức danh nên đã giảm được hơn 10 cán bộ cả cấp xã và cấp thôn. Trung bình mỗi năm xã tiết kiệm được 160 triệu đồng từ việc nhất thể hoá, kiêm nhiệm chức danh. “Việc báo cáo đàn gà từ thôn lên xã chỉ còn 1 tổ chức thực hiện. Tương tự, từ xã báo lên huyện cũng chỉ còn 1 tổ chức thôi, rất phù hợp”, ông Công cho hay.

Cũng là chuyện con gà, nhưng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) từng chần chừ, không biết quyết sao với việc phát triển gà Tiên Yên. Đây là giống gà quý, tuy nhiên do chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, gà Tiên Yên có nguy cơ lai tạp. Trước tình trạng này, ông Lý Văn Diểng  - người địa phương đã tìm ra phương pháp thụ tinh nhân tạo để giữ gìn giống gà quý vào năm 2013. Tuy nhiên, khi ông Diểng đề xuất lãnh đạo huyện hỗ trợ để mở rộng quy mô đàn gà thì UBND huyện đồng ý nhưng Huyện ủy không thống nhất được chủ trương về phương án hỗ trợ. Phải đến năm 2015, khi Tiên Yên thực hiện nhất thể hoá, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện thì việc hỗ trợ này mới được thông qua. Đến nay gà Tiên Yên ngày càng có thương hiệu trên thị trường, cho thấy chủ trưởng trên là hoàn toàn hợp lý. 

Giảm hội họp, dân được lợi

Đề cập đến tính hiệu quả trong việc khi triển khai mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch, ông Trương Văn Pha, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Hanh cho biết “dù sức ép công việc nặng hơn, vất vả hơn nhưng ngược lại bộ máy và người dân lại được lợi”. Theo ông Pha, khi bí thư kiêm chủ tịch sẽ tạo ra được sự thống nhất giữa chủ trương của cấp ủy với chương trình hành động của UBND. Đồng thời khắc phục được tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm, mất đoàn kết giữa bí thư với chủ tịch.

Theo Bí thư kiêm Chủ tịch phường Quang Hanh Trương Văn Pha, việc đứng đầu cả cấp ủy lẫn chính quyền, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu được rõ hơn. Điều này giúp cho việc ban hành các quyết định, nghị quyết của Đảng sát với thực tế hơn. Việc triển khai các Nghị quyết của Đảng ở phía chính quyền cũng thuận lợi và nhanh hơn. Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh, mỗi năm phường tiết kiệm được 462 triệu đồng chi trả nuôi bộ máy.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND hiệu quả không chỉ tính ra bằng tiền mà còn ở chất lượng và hiệu quả làm việc. Theo đó, nếu như trước đây, xã thường phải tổ chức nhiều cuộc họp của Đảng ủy, UBND, của các tổ chức - chính trị xã hội thì sau khi thực hiện nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh, số lượng các cuộc họp đã giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, việc triển khai các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội cũng nhanh và thuận tiện hơn. Hiện trung bình mỗi năm xã tiết kiệm được khoảng 160 triệu đồng từ việc đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy.



Cán bộ phải có năng lực, phẩm chất

Bà Đỗ Thị Bính, Phó Bí thư Thành ủy Cẩm Phả cho biết: Khó khăn nhất trong quá trình nhất thể hóa là công tác cán bộ, phải tìm được người có năng lực và phẩm chất chính trị. Bởi không phải ai cũng làm việc kiêm nhiệm được. Đã có trường hợp bí thư kiêm chủ tịch UBND phường, nhưng sau một thời gian công tác, lãnh đạo thành phố Cẩm Phả buộc phải dừng, điều chỉnh không để trường hợp đó kiêm nhiệm nữa do không đáp ứng được yêu cầu công tác.


Tiết kiệm 300 tỷ đồng mỗi năm nhờ tinh giản bộ máy

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, đến nay,  tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Trong đó, thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên); Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã.  Đồng thời, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện như: Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Trưởng (Phó) Ban tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị… Nhờ đó, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh tiết kiệm khoảng 300 tỷ đồng.

Cũng vì tính hiệu quả trên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua khi các đại biểu tranh luận “tìm đâu ra tiền để giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành”, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - người từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề xuất tiết kiệm chi, tinh giản bộ máy. “Năm 2017 ta tiết kiệm chi 1% thôi là có trên 10.000 tỷ, năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ nữa. Như vậy chúng ta có trên 20.000 tỷ. Muốn làm vậy chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là có thể giải quyết được việc này”, ông Phạm Minh Chính nêu.

Theo nhiều chuyên gia, việc Trung ương đồng ý cho thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã sẽ mở ra cánh cửa rất lớn để các địa phương chủ động đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và mô hình, thực tiễn mà Quảng Ninh đã thực hiện trong việc nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch là những gợi mở để các địa phương tham khảo, làm theo.

tin tức liên quan