Chân dung vị ‘quốc sư’ đắc lực cho 3 đời lãnh đạo TQ
Nguồn:Báo Điện tử
Vương Hộ Ninh, người dệt nên giấc mơ tự do, sẽ trở thành “ông vua” về lý luận của Trung Quốc. Vị cựu giáo sư Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) này từng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các đời Chủ tịch Trung Quốc từ sau cánh gà trong suốt 30 năm qua, nhưng giờ dây, ông đã bước lên sân khấu chính
|
Ông Vương Hộ Ninh. Ảnh: Bloomberg/ Straitstimes |
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCS Trung Quốc vừa qua, ông Vương Hộ Ninh đã trở thành một trong các thành viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng. Con đường dẫn ông tới chức vị cao này dường như không mấy gập ghềnh.
Dù ông Vương từng là “quốc sư” đắc lực cho 3 đời lãnh đạo Trung Quốc (gồm các Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình). Tuy nhiên, người ta vẫn ít biết về đời tư của ông, một vị quan chức cấp cao phụ trách ban tuyên giáo và lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây trở thành một trong những chính khách quyền lực nhất đất nước.
Dù công chúng vẫn chưa quen với khuôn mặt ông, nhưng có lẽ đã quá thuộc những lời ông nói. Ông Vương được cho là một trong các “kiến trúc sư” của khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa”, tầm nhìn mà Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ nhằm trẻ hóa đất nước Trung Quốc.
Trong 15 năm qua, vị học giả - chính khách 62 tuổi này đã đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương Đảng, đảm nhận vai trò cố vấn chính sách quốc gia, chấp bút cho các phát biểu và lý luận chính của các lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Ông Vương từng đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo “Thuyết ba đại diện” cho cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và “Lý luật Phát triển, Khoa học, Hài hòa” của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Cả hai học thuyết này đều đã được đưa vào Điều lệ Đảng.
Năm 2007, ông Vương được bổ nhiệm vào Ban Bí thư của Đảng và khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, ông đã được bầu vào Bộ Chính trị. Là một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, vị cố vấn này sẽ trở thành một trong những nhân vật chính trong nhiệm kỳ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Các thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Chính giữa là ông Tập Cận Bình; Bên phải từ trên xuống: ông Lý Khắc Cường, ông Uông Dương, ông Triệu Lạc Tế; Bên trái từ trên xuống: ông Lật Chiến Thư, ông Vương Hộ Ninh, ông Hàn Chính. Ảnh: Sbs.com.au
|
Trước khi bước vào chính trị, ông Vương từng nổi tiếng là giáo sư trẻ nhất, chuyên ngành quan hệ quốc tế, tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, vị trí mà ông đảm nhận khi mới 30 tuổi.
Vợ cũ Chu Kỳ của ông (ly dị năm 1996) là một chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ và đứng đầu Viện nghiên cứu an ninh quốc gia ở Đại học Thanh Hoa. Hai người không có con. Sau đó, ông đã lấy vợ hai là cựu sinh viên của mình, bà Tiêu Giai Linh, và có một người con.
Trong cuốn hồi ký Cuộc đời Chính trị, xuất bản năm 1994 trước khi ông chuyển sang làm chính trị, ông Vương cho biết mục đích trong cuộc sống của ông là viết sách và giảng dạy cho sinh viên.
Ông Vương nổi tiếng với các tư tưởng chính trị của mình, mà “hạt giống” của nó có thể được tìm thấy chính trong các ấn phẩm trước đó của ông. Những năm 1980, ông Vương khẳng định một chính phủ tập trung có thể duy trì ổn định và định hướng tăng trưởng, trong khi dần dần mở rộng các nguyên tắc dân chủ của mình từ bên trong.
Bài viết đăng báo với tiêu đề “Phân tích về các con đường của người lãnh đạo chính trị trong thời kỳ hiện đại hóa”, lần đầu tiên xuất bản năm 1986, được cho là khiến ông Vương lọt vào “tầm ngắm” của Giang Trạch Dân, người trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 1989 sau sự kiện Thiên An Môn.
Trong bài viết này, ông phân tích: “Cùng với thời gian, quyền lực tập trung hoạch định chính sách và hiện đại hóa sẽ hiệu quả hơn về chính trị. Mô hình này đã đạt được nhiều kết quả kinh tế đáng kinh ngạc, nhưng cũng bị chỉ trích vì mức độ dân chủ thấp”.
Ông đã kết thúc bài viết dài 7 trang này bằng việc khẳng định rằng một xã hội chứng kiến tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nhanh chóng sẽ phải đối mặt với các cuộc xung đột ngày một nhiều và nhu cầu dân chủ ngày một lớn. Ông khẳng định: “Khi xã hội đạt đến giai đoạn này, cải cách chính trị là không thể tránh khỏi”.
Dù ông Vương không nói rõ khi nào các cuộc cải cách chính trị này sẽ diễn ra, song ông đã bày tỏ ủng hộ về tư tưởng đối với các chương trình cải cách đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong báo cáo làm việc của mình tại phiên khai mạc Đại hội 19, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cần “trang bị tốt cho mình lý luận chính trị” và “nhanh chóng phát triển học thuyết và khoa học xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Các bài viết khác của ông Vương thể hiện quan điểm tự do của mình cũng lần đầu tiên được xuất bản từ năm 1986. Cuốn “Ngẫm về cuộc Cách mạng văn hóa và cải cách hệ thống chính trị Trung Quốc” đã được tái bản lần thứ 5 vào năm 2012, đúng năm ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Trong tài liệu trên, ông viết: “Điều quan trọng là hành động phù hợp với Hiến pháp. Nếu việc công dân có thể bị bắt bớ không theo pháp luật và hiến pháp, và các hành động xâm phạm quyền tự do cá nhân của người dân, hoặc thậm chí sử dụng đe dọa vũ lực và tấn công các hoạt động của học giả… có thể được miễn truy cứu trách nhiệm, thì cuộc Cách mạng Văn hóa sẽ tái diễn”.
Trong năm 2017, người ta đã thấy ông Vương xuất hiện bên cạnh ông Tập nhiều lần – tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, và ở Hong Kong nhân kỷ niệm 20 năm ngày hòn đảo này trở lại Trung Quốc – trong vai trò một quan chức chính về lý luận và tuyên giáo, dự báo thời gian tới, ông sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều trên trường quốc tế. Ông thậm chí có thể trở thành một gương mặt mới của quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.