Cơn bão 20 năm trước khiến 3.000 người chết và mất tích khủng khiếp thế nào?

Ngày đăng: 08:32 02/11/2017 Lượt xem: 580



Cơn bão 20 năm trước khiến 3.000 người chết và mất tích khủng khiếp thế nào?



                                                 Nguồn:Báo Điện tử VTC News


Sau 20 năm, người dân Nam Bộ vẫn chưa hết nguôi ngoai mỗi khi nhớ đến cơn ác mộng mang tên Linda khiến 3.000 chết và mất tích.



Chính quyền và người dân Nam Bộ đang căng mình ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới cùng lúc hoành hành Biển Đông và đang tiến nhanh về đất liền theo hướng Tây Nam.  

Sự xuất hiện cùng lúc của 2 áp thấp nhiệt đới khiến nhiều người nhớ lại siêu bão Linda làm 3.000 người chết và mất tích cách đây tròn 20 năm.


Cơn bão mạnh nhất trong 100 năm


Cơn bão số 5 (mang tến quốc tế Linda) là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong 100 năm trở lại đây. 

Ngày 26/10/1997, một vùng mây đối lưu trên vùng biển phía Đông Philippines bắt đầu được trung tâm khí tượng thủy văn các nước trong khu vực chú ý. Khi đó, một áp cao cận nhiệt tồn tại ở phía Bắc đã buộc vùng nhiễu động di chuyển chủ yếu về phía Tây, trở thành áp thấp. 

Đến 29/10/1997, vùng áp thấp này đã vượt qua lãnh thổ Philippines và tiến vào Biển Đông. 

Con bao 20 nam truoc khien 3.000 nguoi chet va mat tich khung khiep the nao? hinh anh 1


Thiệt hại sau bão Linda tại Cà Mau. (Ảnh Tư liệu Báo Ảnh Đất Mũi)


Vào đêm 31/10/1997, vùng áp thấp ở khu vực nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây Nam, tiến về vùng Nam Bộ Việt Nam. Lúc này, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo 600km về phía Đông và có dấu hiệu mạnh lên.

Chỉ sau vài giờ di chuyển, áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành bão nhiệt đới và được đặt tên là Linda. Cơn bão di chuyển theo hướng Tây tiếp cận miền Nam Việt Nam. Cơn bão tiếp tục tăng cường, đạt đến vận tốc gió 100 km/giờ.

Vào trưa 2/11/1997, tâm bão Linda đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió đạt cấp 10, giật cấp 12.

Tối 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9 và duy trì cường độ khi ở trên đất liền.

Sáng 3/11/1997, bão Linda đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, nó cũng nhanh chóng đạt tới cấp độ bão cuồng phong và tiến dần về phía Tây vịnh Thái Lan. Tại đây, bão chuyển hướng.

Sau khi chuyển hướng Tây Bắc, bão Linda đã suy yếu thành bão nhiệt đới trước khi tấn công vịnh Thái Lan với tốc độ gió giảm còn 85km/giờ. Tuy nhiên, nhờ nhiệt độ nước biển ấm, Linda dần tăng cường trở lại, khi nó giảm tốc độ di chuyển do sự suy yếu của áp cao cận nhiệt.
 

Con bao 20 nam truoc khien 3.000 nguoi chet va mat tich khung khiep the nao? hinh anh 2


 Thuyền bị chìm ngoài cửa biển Cà Mau năm 1997. (Ảnh tư liệu)


Vào ngày 6/11/1997, cơn bão một lần nữa đạt cấp độ bão cuồng phong tại địa điểm ngoài khơi phía Tây Nam bờ biển Myanmar. Nhưng bão Linda cũng chỉ duy trì được cường độ tối đa trong khoảng 18 tiếng. Sau đó, Linda ít di chuyển và suy yếu dần trong những ngày tiếp theo.

Đến 9/11/1997, cơn bão Linda chính thức tan biến trên biển do độ đứt gió tăng lên và dòng dẫn suy yếu, không vượt vịnh Bengal và đổ bộ vào biên giới Ấn Độ - Bangladesh như dự kiến.

 

Ác mộng mang tên Linda

Việt Nam là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão cuồng phong Linda với khoảng 3.000 người chết và mất tích, 1.232 người bị thương, khoảng 200.000 ngôi nhà bị tàn phá.

Trong đó riêng tỉnh Cà Mau đã có tới 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác. 

Tại cửa biển thuộc xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có trên 500 người tử nạn, nhiều nhất là khu vực kinh Xáng Mới với khoảng 140 gia đình có phụ nữ mất chồng, mất cha. Nơi đây sau này được nhắc đến với cái tên ''làng góa phụ''. Tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó do bão Linda gây ra lên đến hơn 385 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng).

Trước khi bão tới, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã ban hành những cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, do bão Linda di chuyển nhanh hơn dự kiến, các tỉnh miền Nam cũng là khu vực hiếm khi phải chịu sự tàn phá của bão lớn nên người dân ít có kinh nghiệm đối phó và có tâm lý chủ quan.

Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng do bão Linda gây ra là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đặc biệt, bão Linda đã trút xuống một lượng mưa lớn trên khắp các tỉnh miền Nam, tối đa đạt 23,3 cm tại Cần Thơ. 

Bão Linda đã gây tổn thất nghiêm trọng về người ở nước ta, rất nhiều thủy thủ, ngư dân đã phải bỏ mạng ngoài khơi do không kịp tìm nơi trú ẩn khi cơn bão có diễn biến nhanh và bất thường. 8 ngày sau khi cơn bão Linda đi qua, thống kê có đến 778 người chết và hơn 2.000 người mất tích.

Hàng trăm thi thể được phát hiện do bị sóng cuốn vào bờ ở Việt Nam và Thái Lan trong vòng vài tuần sau cơn bão đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Không chỉ tổn thất về con người, các tỉnh bị ảnh hưởng của bão còn phải chịu tổn thất nặng nề về mùa màng trên diện rộng. Cùng với đó, hệ thống giao thông bị hư hại nghiêm trọng đã gây cản trở không nhỏ cho những nỗ lực cứu trợ của Chính phủ.
 

Con bao 20 nam truoc khien 3.000 nguoi chet va mat tich khung khiep the nao? hinh anh 3


 Hình ảnh tang tóc sau cơn bão Linda. (Ảnh tư liệu)


Phát biểu trong Hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm” diễn ra ngày 25/10/2017, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ đã ngậm ngùi chia sẻ: Bão Linda bất ngờ và “dị thường” đến mức, đổ bộ vào Cà Mau – “vùng đất hàng trăm năm không có bão”.

Người dân vùng đất này, thậm chí cả cán bộ, chính quyền địa phương cũng không thể tin rằng, chỉ không lâu sau đó, cơn bão lịch sử này đã gây nên một thảm họa kinh hoàng làm hàng nghìn người chết và mất tích. Sự chủ quan đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt.

tin tức liên quan