Cả thế giới ăn tôm

Ngày đăng: 09:33 02/11/2017 Lượt xem: 524


              
                                                Cả thế giới ăn tôm



                                                                Nguồn:Báo Điện tử  VnExpress


 Mỗi người trên thế giới ăn một cân tôm mỗi năm, thì Việt Nam có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn. 



Hôm qua, tại Quốc hội, dù chỉ được cho 10 phút, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường dùng 18 phút để nói về triển vọng của nông nghiệp Việt Nam. Ông đưa ra một phép nhân đơn giản về con tôm: 7 tỷ người nhân với một cân thì ra 7 triệu tấn.

Phép nhân ấy làm tôi nhớ đến ông Hồng ở Cà Mau.

Mắt ông Hồng sũng nước khi nhắc đến con trai. Thằng Phúc học đại học trên thành phố Cà Mau. Mỗi tuần, nó ghé nhà một lần. Ông Hồng chỉ cho con được hai trăm nghìn. Trừ tiền thuê trọ, mỗi ngày trung bình thằng Phúc được tiêu mười mấy nghìn, cả tiền ăn, tiền sách vở. Ông không biết làm thế nào hơn. Nhà ông đã mất hết vì con tôm.

Ông Hồng thua tới bốn vụ liên tiếp. Hai vụ đầu thì tôm chết vì bệnh. Hai vụ sau, ông nói do thời tiết. Ông cạn vốn, đất đai đã thế chấp ngân hàng, vẫn còn nợ đại lý thức ăn hơn trăm triệu. Nhà cửa ly tán: vợ và con gái đi vào Đồng Nai làm công nhân, còn ông đi chạy xe ôm ráng nuôi thằng út đi học đại học.

Một ngày thằng Phúc về, không cầm hai trăm nghìn của cha nữa. Nó nói, để con đi làm tự kiếm tiền đi học. Ông kể đến đó, rồi nước mắt chảy ra.

Mơ ước của ông bây giờ, là ai cho vay tiền, để ông lại nuôi tôm. Gieo tôm giống xuống như gieo tiếng bạc, thua rồi, không có cách nào gỡ được nợ nần, chỉ còn cách gieo tiếp.

Ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp những tấm gương làm giàu nhờ tôm. “Siêu lợi nhuận” là cách người nông dân miền Tây tả về nuôi tôm. Nhưng cạnh đấy, những gương mặt như ông Hồng không hiếm. Có một số nguyên nhân mang tính quy luật: biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết thất thường, những “cơn mưa chìm quạt” trên đầm (lời ông Hồng) kéo dài đến cả những tháng mà trước đây là mùa khô. Những loại bệnh mới xuất hiện. Đợt tôm đầu tiên của ông Hồng, mắc bệnh EMS - một loại bệnh mới được phát hiện trên thế giới từ năm 2010, và bùng nổ ở Việt Nam năm 2012 khiến nhiều nông hộ điêu đứng.

Viễn cảnh Bộ trưởng Cường vẽ ra không hề viển vông. Nhưng nó cần nhiều điều kiện. Nếu không có ngay-lập-tức những nghiên cứu, hỗ trợ, liên kết, công cụ cho người nông dân, thì xu hướng hiện tại của ngành thủy sản đang là phép trừ chứ không phải phép nhân: thu nhập của người nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 và các hộ nuôi tôm sẽ giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hội nghề cá Việt Nam. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu.

Quy luật quan trọng nhất của bi kịch, là việc người nông dân sẽ nuôi và đối phó với các thách thức khủng khiếp ấy bằng kinh nghiệm. Từ lúc mua tôm giống đến khi tôm bị bệnh, những người như ông Hồng sẽ chỉ được trợ giúp bởi các đại lý bán giống, bán thức ăn, theo cái cách mà các cô dược tá đứng sau các hiệu thuốc tư nhân “kê đơn” cho bệnh nhân. Tôm của ông vẫn chết.

Như rất nhiều phần của nền nông nghiệp, chuỗi giá trị của con tôm cũng đang thiếu bền vững. Hên thì hưởng, xui ráng chịu. Từ trước tới nay, có rất ít nỗ lực gắn kết các thành tố của chuỗi giá trị này. Cho đến tận giờ, việc các nhà máy chế biến, vốn có trình độ và hiểu thị trường, liên kết trực tiếp với người nông dân vẫn chưa phổ biến. Cho đến tận bây giờ, nước ta vẫn không tự chủ về giống tôm bố mẹ: phần lớn giống được nhập về từ Thái Lan và Hawaii. Cho đến tận giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về cách ứng phó với biến đổi khí hậu, hay ít nhất, là người nông dân trực tiếp làm ra con tôm “cho cả thế giới ăn” chưa được phổ biến cách ứng phó ấy.

Nếu chuỗi giá trị tôm vẫn không bền vững, thì khi mà cả thế giới ăn tôm, cả miền Tây sẽ cùng đánh bạc.

Nếu cả thế giới ăn tôm Việt Nam, 7 tỷ nhân với một cân sẽ là 7 triệu tấn, rất giản dị. Nhưng nếu cả thế giới ăn tôm Việt Nam, thì sự thiếu kiến thức và thiếu hỗ trợ của người nông dân Việt Nam sẽ nhân lên bao nhiêu lần và tạo ra những gì?

Phải nhấn mạnh rằng xác suất của ông Hồng, là một xác suất mang tính quy luật, nếu nhìn vào bức tranh nông nghiệp thời gian qua: những nỗ lực giúp nền nông nghiệp và người nông dân tự chủ về khoa học công nghệ rất khó thấy.

Tôi lên thành phố Cà Mau tìm Phúc. Thằng bé đang đi làm phụ bàn trong quán cà phê, ráng kiếm tấm bằng luật. Nó xin quản lý nghỉ một chút, ngồi kể chuyện sầu thảm những ngày con tôm chết, mẹ đứng ngoài đầm khóc, ba thẫn thờ. Nó kể chị gái bỏ xứ đi làm thuê cơ cực ra sao. Nó nói học xong sẽ làm cán bộ, không muốn nuôi tôm nữa.

Tôi đem dự định vay tiền nuôi lại tôm của ông Hồng hỏi thằng Phúc. Nó bảo, nếu cha muốn vậy thì cha cứ vay, nó không góp ý gì. Bây giờ không nuôi lại thì cũng đâu có cách nào trả nợ. Một trăm triệu là quá lớn.

Bộ trưởng Cường, ngoài con tôm, nói tới triển vọng của toàn bộ nền nông nghiệp. Nhưng ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp một người nông dân khác, bi kịch khác, giọt nước mắt khác kể cho bạn câu chuyện nông nghiệp không chuyện phải hôm nay gieo giống xuống đất mai thu hoạch rồi bán cho cả thế giới ăn.

Nếu ngay bây giờ cả thế giới ăn tôm, thì ba con thằng Phúc cũng không cảm nhận được. Họ sẽ vẫn ăn uống tằn tiện, và tin rằng việc mình mất tất cả là do số trời.

tin tức liên quan