Con quan sở hữu tài sản khủng: Nguồn gốc từ đâu?
Nguồn:Báo Điện tử Đất Việt
Vấn đề là phải xác minh được nguồn gốc tài sản của cá nhân đó. Xác định được những tài sản này là “ sạch” hay “ bẩn”.
LTS: Trước những xôn xao của dư luận về câu chuyện con nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở hữu khối tài sản khủng…TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPPL (Bộ Tư pháp) đã có những quan điểm cá nhân về vấn đề này. Báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn những quan điểm của ông!
Lỗ hổng trong thể chế phòng, chống tham nhũng
“Dư lụận xôn xao, thắc mắc là rất đúng. Con quan, chưa làm ăn, chưa lao động, kinh doanh gì nên hồn mà đã có được khối tài sản khủng. Người dân có quyền nghi ngờ tài sản này có nguồn gốc tham nhũng, là tài sản tham nhũng được Bố, Mẹ chuyển cho con cái. Đây là một dạng tẩu tán tài sản tham nhũng khá phổ biến lâu nay.
Không chỉ tẩu tán cho con cái, mà người ta còn chuyển sang cho cả Bố, Mẹ, Vợ hoặc Chồng. Vừa qua,công luận đã điểm mặt khá nhiều trường hợp điển hình.
Đáng tiếc là nhiều khi cơ quan có trách nhiệm xử lý thiếu kiên quyết, xử lý nửa vời như một sự dung túng vô lối, như là một sự thách đố, vô cảm trước công luận, trước sự bức xúc của người dân, của xã hội.
Vấn đề là phải xác minh được nguồn gốc tài sản của cá nhân đó. Xác định được những tài sản này là “sạch” hay “ bẩn”. Nếu đây là tài sản được Bố, Mẹ đương sự chuyển cho như một dạng tẩu tán tài sản tham nhũng, tẩu tán tài sản do phạm pháp mà có thì phải xử lý nghiêm, phải thu hồi chứ không thể xử lý kiểu nửa vời, buông trôi, thách thức dư luận như vừa qua.
|
Biệt phủ của con nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
|
Ở đây có vấn đề liên quan đến quan chức có chức, quyền, đến đối tượng có khả năng tham nhũng trong xã hội. Nếu khối tài sản khổng lồ này thuộc người dân bình thường, không liên quan đến quan chức thì nó thuộc quyền sở hữu của cá nhân công dân trong xã hội.
Nhà nước không thể buộc người dân phải tự chứng minh tài sản của mình là tài sản sạch hay không sạch? là hợp pháp hay không hợp pháp? Nếu nghi ngờ tài sản này của công dân là tài sản có được do phạm pháp mà có thì Nhà nước có trách nhiệm phải chứng minh.
Ở các nước tiên tiến, quản lý tốt thì người ta nắm khá chắc nguồn gốc tài sản của từng cá nhân. Nếu tự dưng, một người đột nhiên có khối tài sản lớn thì họ vào cuộc ngay để xác định và có thái độ cần thiết theo quy định của pháp luật, kể cả việc buộc chủ sở hữu phải chứng minh nguồn gốc nhằm chống tội phạm, tham nhũng và rửa tiền.
Ở Việt Nam hiện nay, theo tôi, nếu một người là con cái, Bố, Mẹ, Vợ hoặc Chồng của quan chức có chức, quyền, có điều kiện và khả năng tham nhũng, đột nhiên có khối tài sản lớn, thì đây cũng là lý do để buộc cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, xem xét thấu đáo.
Không thể bỏ qua như lâu nay ở nhiều nơi. Khi vào cuộc, quan trọng nhất là phải tìm hiểu, kiểm tra được nguồn gốc của tài sản. phải minh bạch được nguồn gốc tài sản của các đối tượng này.
Hiện nay, việc quản lý tài sản người dân của chúng ta rất kém, nên hầu như không xác định được nguồn. Đây là điều khó. Tuy nhiên, nếu là con quan, người nhà quan thì phải làm đến nơi, đến chốn, làm có trách nhiệm.
Còn việc bố mẹ chuyển nhượng tài sản cho con cái, có liên quan gì hay không thì cũng phải làm rõ, phải làm theo Luật, phải minh bạch.
Mới 19-20 tuổi mà đã sở hữu một khối tài sản lớn thì cơ quan nhà nước có quyền và có trách nhiệm đặt vấn đề kiểm tra nguồn gốc. Việc con gái của nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước có biệt phủ khủng tại TP.HCM thì đã có thông tin của chính gia đình nói với công luận là của Bố, Mẹ cho con gái như của hồi môn.
Vậy thì nguồn gốc tài sản là của bố mẹ cho. Tài sản này của bố mẹ có nguồn gốc từ đâu? có được kê khai hay không? Cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc một cách có trách nhiệm để làm rõ.
Nếu chỉ quy định kiểm tra kê khai tài sản của riêng bản thân một cá nhân quan chức, còn không buộc kê khai tài sản của bố, mẹ, vợ hoặc chồng và con cái. Tôi cho rằng đây là lỗ hổng rất lớn trong thể chế phòng, chống tham nhũng.
Quan chức đều né tránh kê khai tài sản
Tôi còn biết có nhân vật lãnh đạo cao cấp sở hữu hơn chục cái bất động sản ở Hà Nội, ở đô thị lớn đến mức phải gọi cả con cháu trong dòng họ đến trông coi hộ.
|
Căn biệt phủ được xây hàng rào khá cao
|
Còn đô thị lớn, khu chung cư, chính quyền bao giờ cũng có yêu cầu buộc chủ đầu tư phải giao cho chính quyền một số căn hộ, một số diện tích theo cơ chế nội bộ. Đây cũng là biểu hiện của tham nhũng mà lâu nay không có ai vào kiểm tra được.
Không chỉ riêng nhà, đất, mà còn hàng loạt loại tài sản tham nhũng khác nữa dưới các hình thức, vỏ bọc tinh vi khác nhau vượt khỏi tầm kiểm soát.
Một vấn đề cần làm rõ thêm, đó là việc kê khai, kiểm tra tài sản của Bố, Mẹ, Vợ hoặc chồng, con của quan chức để phòng, chống tham nhũng liệu có vi hiến hay không?.
Tôi cho rằng nếu coi là vi hiến như nhiều người nói là không chính xác, là một lỗ hổng rất lớn của thể chế về quản lý quan chức, của việc phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Cần phải làm rõ mấy điểm: Theo quy định của Hiến pháp thì Bí mật đời tư là thế nào? Thế nào thì vi phạm Bí mật đời tư? Có được phép buộc quan chức phải kê khai tài sản của Bố, Mẹ, Vợ hoặc chồng, con như một biện pháp ngăn ngừa và chống tham nhũng của quan chức đó hay không?.
Giữa Người dân bình thường và Công chức, Quan chức có phải lúc nào cũng theo một chuẩn chung hay không?.
Là người dân bình thường thì không buộc họ phải kê khai tài sản là đương nhiên, còn đây lại là người có liên quan đến quan chức có chức, có quyền, vậy liệu có cần buộc họ phải kê khai tài sản hoặc chí ít, buộc họ phải kê khai khi nhận tài sản của quan chức cho, tặng?.
Muốn làm quan chức, muốn có chức, có quyền thì có buộc phải tuân theo yêu cầu chịu để Bố, Mẹ, Vợ hoặc Chồng, Con vào vòng quản lý nào đó hay không?.
Đặc biệc là kê khai tài sản của họ với một mức độ và cách thức hợp lý nào đó hay không? Xã hội và dân thì muốn mà ngược lại, rất nhiều quan chức lại không muốn, tìm cách ngụy biện, né tránh trách nhiệm kê khai này.