"Việc xử lý tham nhũng vặt không thể coi thường"
Nguồn:Báo Điện tử VOV.VN
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tham nhũng vặt rất phản cảm đối với xã hội, tạo ra một hình ảnh không đẹp về một nhà nước pháp quyền.
Gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng lớn bị phanh phui, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; xử lý kỷ luật nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cả cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu.
Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước có quyết tâm cao, không có “vùng cấm”, không có chuyện “hạ cánh an toàn” trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, số liệu trong 3 năm qua cho thấy mức độ tham nhũng liên quan đến các thủ tục hành chính, các dịch vụ y tế và giáo dục công vẫn không giảm.
Những hành vi nhũng nhiễu, vụ lợi, hay còn gọi là tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày len lỏi vào mọi ngõ ngách, ở các địa phương, lĩnh vực với nhiều hình thức rất đa dạng.
Thật không khó để bắt gặp những hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm được thông cảm bỏ qua khi thỏa thuận nộp tiền phạt không lấy hóa đơn; ở bệnh viện nếu muốn được điều trị tốt cho người nhà thì phải lo lót tay hay thủ tục hành chính muốn được giải quyết nhanh thì phải có bồi dưỡng; thậm chí đến khai tử cũng phải có phong bì…
|
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tham nhũng vặt rất phản cảm đối với xã hội, tạo ra một hình ảnh không đẹp về một nhà nước pháp quyền. Từ tham nhũng vặt có thể dẫn tới những đại án tham nhũng. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống, tạo ra thói quen thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Cho nên việc xử lý tham nhũng vặt không thể coi thường.
“Đừng nghĩ tham nhũng vặt thì xử lý thế nào cũng được, chỉ tập trung xử lý những vụ đại án nghìn tỷ mà bỏ tham nhũng vặt. Suy nghĩ như vậy là không đúng đắn, mà cần có sự công bằng trong xử lý. Cán bộ vi phạm đến đâu cần phải xử lý đến đó” - ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Cùng bày tỏ về vấn nạn này, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, “tham nhũng vặt” gây nhiều bức xúc, làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân lớn làm cho cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn, làm mất dần niềm tin trong nhân dân.
Dù lợi ích vật chất của tham nhũng vặt là nhỏ nhưng sau nhiều lần thì cái lợi vật chất thu được cũng sẽ trở thành lớn, nên đây vẫn là hành vi sai trái cần phải loại bỏ.
|
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII. |
Theo nguyên đại biểu Quốc hội, hành vi tham nhũng xảy ra chung quy vẫn là do con người. Khi con người vẫn còn giữ suy nghĩ lợi dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi, thì khó có thể đẩy lùi tham nhũng.
“Gốc của vấn đề là do con người. Do khâu tuyển chọn cán bộ không chuẩn, “chạy” vị trí làm việc nên khi được vào làm thì những cá nhân này tìm mọi cách để “thu hồi vốn” từ dân, những người phải cần đến họ thông qua các thủ tục hành chính” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thông điệp: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình tượng rất hay và rất thực tế, thể hiện sự kiên quyết không có gì lay chuyển được của người đứng đầu Đảng ta trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Theo nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, để quyết tâm này của Tổng Bí thư lan tỏa, có hiệu ứng trong đời sống xã hội, nhân dân và mọi tổ chức thì cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, công khai minh bạch, xóa bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời vừa giáo dục, vừa tiếp tục tuyên truyền theo hướng nhìn thẳng vào sự thật, công khai sự thật, quyết tâm xử lý đến tận cùng những chuyện bê bối, tiêu cực; xử lý nghiêm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, sách nhiễu để tiếp tục lấy lại niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chế độ trách nhiệm, đòi hỏi kỷ luật trong Đảng phải nghiêm minh, luật pháp nhà nước phải công bằng chính đáng, không nương nhẹ với một ai, không có vùng cấm, không đứng ngoài pháp luật./.