Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Khó khăn cho cả người thực thi

Ngày đăng: 07:48 26/11/2017 Lượt xem: 536


  
    Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Khó khăn cho cả người thực thi

 
                                         
                                               Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


“Cần phải có hướng dẫn cụ thể hóa hơn Thông tư. Chứ không sẽ dẫn đến tình trạng bất cập, người dân thắc mắc, loay hoay không hiểu”, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nói.

 

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Thông tư 33 có những vấn đề chưa được rõ ràng. Ví dụ, quy định sổ đỏ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình. Nếu đất giao cho hộ gia đình để sản xuất thì những người nào được ghi tên, còn những người nào không được ghi?

Nếu như mà hướng dẫn ghi chung tên tất cả các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ như đề cập thì dẫn đến sự hiểu không thống nhất. Tức là người mới sinh ra hay người già không còn tuổi lao động cũng phải ghi vào trong sổ đỏ của gia đình đó hay như thế nào?

Tôi cho rằng, cái này cần phải có hướng dẫn cụ thể hóa hơn Thông tư. Chứ không có thì sẽ dẫn đến tình trạng bất cập, người dân sẽ thắc mắc, loay hoay không hiểu ai sẽ được ghi tên, quyền lợi của ai sẽ liên quan. Nó còn có mối tương quan đến cả vấn đề thực hiện quyền dân sự là chuyển nhượng đất được giao như thế nào”.

Góc nhìn luật gia - Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Khó khăn cho cả người thực thi

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Ảnh: Chí Công).

Luật sư Chiến cũng chỉ ra: “Bên cạnh đó, về phía cán bộ địa chính, tức là người thực thi công vụ cấp GCNQSDĐ thì vấn đề họ phải xác định những ai trong hộ gia đình đó, thực hiện Thông tư như thế nào để đảm bảo đúng tinh thần.

Phải ghi tên những người ở trong hộ khẩu, cùng một nhà, cùng thời điểm hay là những người cùng một gia đình nhưng họ đã không còn ở đấy nữa cũng không sao. Hoặc là những người còn tuổi lao động, hết tuổi lao động và những người chưa đến tuổi lao động thì ghi như thế nào.

Cái này cũng đặt ra vấn đề sẽ phức tạp hóa cách quản lý cũng như là bấp cập để các địa phương ghi một cách thống nhất trên toàn quốc”.

Liên quan đến việc người dân lo lắng về vấn đề khi ghi tên tất cả những người trong hộ gia đình vào một sổ đỏ, sau đó có sự biến động về các thành viên, sẽ gây khó khăn trong việc chuyển nhượng nhà đất, luật sư Chiến cho biết: “Người dân băn khoăn điều này rất là đúng. Bởi vì đó là thực tế, trong một gia đình có những người họ tách ra ở riêng hoặc có những người đi làm ăn xa, lại có người dựng vợ gả chồng phát triển thêm thành viên mới…

Do vậy mà việc thành viên hộ gia đình thường xuyên biến động theo thời gian và theo quy luật thực tiễn thì nó sẽ phát sinh vấn đề quản lý và ghi tên trong GCNQSDĐ này như thế nào?

Đề nghị bộ Tài nguyên và Môi trường phải giải thích rõ những vướng mắc cho người dân hiểu. Nếu không sẽ khó cho người dân mà lại khó cho cả người thực thi nhiệm vụ”.

tin tức liên quan