Thu hồi tài sản bất minh: Nếu kẻ tham nhũng vẫn 'lời'
Nguồn:Báo Điện tử Đất Việt
Phải cho người tham nhũng thấy được, họ đã tham nhũng là sẽ bị phạt, bị lỗ. Phải tịch thu, kê biên hết toàn bộ tài sản mới đủ sức răn đe.
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), vấn đề thu hồi tài sản bất minh, tài sản tham nhũng vẫn là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Báo Đất Việt đã trao đổi thêm với các chuyên gia về dự thảo luật này.
|
Phải truy cho được nguồn gốc, tịch thu toàn bộ tài sản có được từ tham nhũng. Ảnh minh họa |
Kê khai kiểu liệt kê là hợp thức hóa tài sản bất minh
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn cho rằng, tài sản bất minh, đặc biệt là những khối tài sản của những người đã phạm tội tham nhũng mà không chứng minh được nguồn gốc bắt buộc phải thu hồi.
Ông Thuận giải thích, thu hồi tài sản tham nhũng là để cho người tham nhũng tự ý thức được rằng họ sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, phải trả giá cho hậu quả mà họ đã gây ra.
Tức là, khi đã xác định người đó phạm tội tham nhũng thì toàn bộ tài sản của người đó đều bị kê khai, tịch thu hết. Tịch thu phần tài sản tham nhũng là việc hiển nhiên phải làm, còn tịch thu phần tài sản tự có chính là một hình thức xử phạt, buộc người tham nhũng phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình.
Theo ông, chỉ có làm như vậy, những người tham nhũng mới biết sợ. Như hiện nay, nếu chỉ thu hồi phần tài sản không rõ nguồn gốc là chưa triệt để. Nhiều người tham nhũng vẫn đang thấy "có lợi" do cơ chế kê khai còn nhiều lỗ hổng, do pháp luật chưa nghiêm.
"Vì vẫn thấy có lợi, nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận đánh đổi, chấp nhận "hy sinh đời bố để củng cố đời con", tranh thủ vơ vét, gom góp tiền của trong lúc còn đương chức, đương quyền để làm giàu cho cá nhân, cho gia đình. Nhiều kẻ phạm tội tham nhũng có khi chỉ cần vào tù một vài năm sau đó ra tù vẫn sống ung dung, đàng hoàng, hưởng thụ khối tài sản khổng lồ.
Làm gì có việc kiếm tiền, làm giàu nào nhanh hơn, dễ hơn là tham nhũng?", ông Thuận nói.
Về cơ chế kê khai tài sản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hiện kê khai tài sản mới chỉ dừng ở việc liệt kê, thống kê mà chưa truy được tận cùng nguồn gốc hình thành lên khối tài sản khổng lồ đó thì vô tình, kê khai lại là hình thức giúp những kẻ tham nhũng hợp thức hóa khối tài sản bất minh, trong đó có cả tài sản có thể có được từ tham nhũng mà có.
"Ở Việt Nam, lâu nay kê khai tài sản vẫn không biết là ai kê khai ai, ai kiểm tra ai? Quy định kê khai tài sản chỉ có nghĩa là anh liệt kê mình có bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhà, bao nhiêu bất động sản, như vậy là xong, là hoàn thành trách nhiệm kê khai, như vậy là rất dở, là hời hợt, không hiệu quả.
Thực tế đã chứng minh, những người phạm tội tham nhũng không bao giờ đứng tên sở hữu toàn bộ khối tài sản có được mà thường đã được tính toán, tẩu tán, sang tên, đổi họ cho những người thân thích, ruột thịt hết rồi. Nếu cứ thực hiện theo cơ chế cũ thì làm sao thu hồi được?
Vì vậy, bây giờ cơ chế thu hồi phải cho người tham nhũng thấy được, họ đã tham nhũng là sẽ bị phạt, bị lỗ. Phải tịch thu, kê biên hết toàn bộ tài sản mới đủ sức răn đe", ông Thuận nhấn mạnh.
Theo đó, ông Thuận kiến nghị, cần yêu cầu giải trình đối với cán bộ có khối tài sản từ 2 tỷ trở lên. Trong trường hợp không giải trình được phải buộc từ chức, cách chức để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
"Tôi thấy hiện nay, rất nhiều lãnh đạo, cán bộ nhà to lắm, hoành tráng lắm mà không biết từ đâu mà có? Trong khi lý lịch kê khai đều nói cha mẹ, thành phần gia đình đều là cố nông thì tiền đâu để xây nhà to thế?
Tôi lại thấy có cán bộ giải trình là do đi buôn chổi chít, nuôi lợn, gà... nếu tài giỏi thế thì dân chúng ta đã giàu", ông Thuận nói.
Thu hồi tài sản tham nhũng còn là... nhân đạo
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) nhấn mạnh, "cái gì lấy của dân phải trả cho dân". Ông nói rõ, tài sản bất minh là tài sản không rõ nguồn gốc, hay là tài sản kiếm được từ những việc không rõ ràng thì phải bị thu hồi.
Theo ông Hùng, trên thế giới người ta nhìn tội tham nhũng giống như hành vi của một kẻ ăn cắp, rất xấu xa, rất đáng bị lên án, tẩy chay.
Do đó, khi thu hồi lại tài sản tham nhũng hoặc yêu cầu những người tham nhũng trả lại tài sản cũng là một cách hành xử nhân đạo, là chúng ta đang cho họ cơ hội giảm bớt nỗi nhục trước người dân.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông, việc kê khai tài sản lâu nay vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) yêu cầu, trong thời gian tới cần phải xem lại toàn bộ hệ thống pháp luật, các quy định cụ thể để việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể thực hiện một cách triệt để.