Hàng loạt sếp lớn phải từ chức: Thời khắc quyết định của đại gia Việt

Ngày đăng: 07:27 28/11/2017 Lượt xem: 580

Hàng loạt sếp lớn phải từ chức: Thời khắc quyết định của đại gia Việt

Hàng loạt chủ tịch ngân hàng sẽ phải từ chức hoặc phải từ bỏ chức vụ chủ chốt tại các tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam vào đầu năm tới. Đây là lựa chọn không dễ dàng của các đại gia Việt như: bà Nguyễn Thị Nga, Thái Hương, ông Dương Công Minh, Đỗ Minh Phú, Đặng Khắc Vỹ, Vũ Văn Tiền, Võ Quốc Thắng,...

Sẽ đồng loạt từ chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc Hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018, quy định: các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp.

Đây là một quy định nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, được 88,8% đại biểu đồng thuận.

Điều đó có nghĩa, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi nữa, hàng loạt đại gia Việt đang nắm giữ cùng lúc các chức vụ hàng đầu tại các tập đoàn, doanh nghiệp và 1 ngân hàng sẽ buộc phải từ chức một hoặc hàng loạt vị trí quan trọng.


Nhiều đại gia sẽ phải lựa chọn giữa việc giữ và bỏ chức vụ nào

Nhiều đại gia sẽ phải lựa chọn giữa việc giữ và bỏ chức vụ nào

Những đại gia Việt sẽ buộc phải từ bỏ hoặc vị trí chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch các tập đoàn lớn có thể nhắc tới như: ông Dương Công Minh (hiện là chủ tịch Sacombank , chủ tịch Tập đoàn Him Lam), ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Ngân hàng SHB, chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS,... ), ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch TPBank, chủ tịch DOJI Group), ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank, chủ tịch Masan), ông Đặng Khắc Vũ (chủ tịch VIB Bank, chủ tịch Mareven Food Holdings), ông Vũ Văn Tiền (chủ tịch AnBank, chủ tịch Geleximco), ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch KienLongBank, chủ tịch Đồng Tâm Group),...

Nhiều nữ chủ tịch cũng sẽ phải từ chức, như: bà Thái Hương TGĐ BacABank đang là chủ tịch của CTCP Sữa TH, Chủ tịch HDBank là bà Lê Thị Băng Tâm đang là chủ tịch của Vinamilk.

Thậm chí, một số người còn là lãnh đạo của rất nhiều DN, điển hình như bà Nguyễn Thị Nga: chủ tịch SeABank, chủ tịch của BRG Group, chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam,...

Luật TCTD được bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34. Trong đó, khoản 4 ghi khá rõ ràng: chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, TGĐ (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Điều đó có nghĩa, trong vòng chưa đầy 2 tháng tới, giới đầu tư sẽ chứng kiến sự biến động đáng kể - một làn sóng thay đổi - đối với chức danh lãnh đạo chủ chốt của hàng loạt ngân hàng và các tập đoàn tư nhân lớn trên cả nước.


Một số nữ doanh nhân còn là lãnh đạo của rất nhiều DN

Một số nữ doanh nhân còn là lãnh đạo của rất nhiều DN

Rút khỏi ngân hàng, hay từ bỏ tất cả?

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, với những quy định mới này, làn sóng thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại một số ngân hàng và tập đoàn tư nhân lớn sẽ diễn ra rất mạnh và nhanh.

Bởi, theo vị chuyên gia, nếu một doanh nhân hoạt động ở trên nhiều lĩnh vực, tập đoàn lớn và gồm rất nhiều mảng kinh doanh thì quyết định tốt nhất có lẽ là rút khỏi vị trí chủ tịch HĐQT, TGĐ của TCTD.

Nếu không không rút 2 vị trí chủ chốt trên, họ sẽ không được giữ chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp và tập đoàn - đã và đang làm nên thương hiệu cũng như chỗ đứng của họ hàng chục năm qua.

Nếu còn nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, TGĐ (Giám đốc) của TCTD thì không được nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, trước đây và cho tới cả thời điểm hiện tại, nhiều đại gia Việt không trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ tịch hoặc TGĐ ngân hàng nhưng giới tài chính đều biết đến vai trò chủ đạo của họ tại các TCTD này, như trường hợp: ông trùm ngân hàng Trầm Mộng Hùng trước có ông Trần Xuân Giá làm chủ tịch, hay hiện con trai Trần Hùng Huy làm chủ tịch Ngân hàng ACB.

Trước đó, giai đoạn khủng khoảng và bắt đầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hàng loạt đại gia bí ẩn đã góp ngàn tỷ làm ông chủ. Nhưng, họ không lộ diện, không nắm giữ chức vụ chủ tịch hay TGĐ, mãi sau này mới lộ diện như trường hợp ông Ngô Chí Dũng tại VPBank, Nguyễn Tiến Dũng tại NCB,...

 

Tại NamABank, trong thời gian dài xử lý vấn đề tỷ lệ sở hữu, quyền lực đã chuyển vòng quanh trong nhà chồng á hậu Thiên Lý, nhưng vị thế thống trị ngân hàng vẫn không thay đổi. Tại ngân hàng, chủ tịch HĐQT và phó chủ tịch lần lượt là con gái (bà Nguyễn Thị Xuân Loan) và con rể (ông Nguyễn Quốc Toàn, chồng á hậu Dương Trương Thiên Lý) của cụ bà doanh nhân quá cố Trần Thị Hường - nguyên cố vấn HĐQT ngân hàng.

Đến giữa năm 2015, ông Phan Đình Tân, một nhân vật có mối quan hệ rất gần với gia đình bà Tư Hường, đã trở thành chủ tịch NamABank. Các con bà Hường chỉ còn là thành viên HĐQT. Ông Toàn hiện đang nắm một loạt chức vụ quan trọng trong hệ thống DN thuộc “đế chế” BĐS Hoàn Cầu.

Thực tế cho thấy, hầu hết các đại gia Việt trên đều nổi tiếng từ những tập đoàn do họ gây dựng nên như “Minh Him Lam”, “Phú DOJI”, “Thắng Đồng Tâm”, “Tiền Geleximco”,... Nhưng, nhiều người lại khá say sưa với lĩnh vực ngân hàng như trường hợp ông Hiển SHB, ông Phú TPBank, bà Nga SeABank, hay ông Minh Sacombank. Thông tin từ nội bộ Sacombank cho biết, ông Dương Công Minh tiết lộ sẽ từ bỏ các chức vụ tại Him Lam để tập trung vào Sacombank. 

Quy định vừa được thông qua không có gì mới so với thông lệ trên thế giới. Đây là cách thức để quản lý ngân hàng chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ sự an toàn cho hệ thống tài chính trong nước. Nó giúp chống sở hữu chéo, chống thao túng và hoạt động sân sau. Tuy nhiên, quy định có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách quản lý, cách thức xử lý sai phạm và trên hết là cái tâm kinh doanh của các đại gia Việt.

Theo M. Hà
PS st Theo Dân trí

 


tin tức liên quan