Nguyên Phó Chủ tịch nước: Lương lãnh đạo cao nhất có đủ sống không?
Nguyên Phó Chủ tịch nước:
Lương lãnh đạo cao nhất có đủ sống không?
Nguồn:Báo Điện tử
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan băn khoăn: Với chính sách tiền lương hiện nay, lương của lãnh đạo cao nhất trong Nhà nước có đủ sống không?
Tại hội thảo Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay - vấn đề và giải pháp do Hội đồng lý luận TƯ và Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu, nguồn lực đất nước đang lãng phí rất nhiều.
Bà cho rằng nguyên nhân lãng phí là do chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường nhưng chưa có chuẩn bị cần thiết để vận hành. Cùng với đó là động lực phát triển nền kinh tế cả động lực vật chất và tinh thần chưa được khơi dậy.
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi với ĐB tại hội thảo. Ảnh: T.Hằng |
"Tại sao có quy hoạch rồi phá vỡ quy hoạch, tại sao có cơ chế xin - cho, tham ô tham nhũng, tại sao có nguồn lực nhiều mà không huy động được? Một yếu tố căn cơ cần phân tích, đó là Nhà nước chưa tạo được động lực cho phát triển”, nguyên Phó chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh động lực phát triển xoay quanh con người, bà lưu ý cần nghiên cứu kỹ tư tưởng cốt lõi trong con người Việt Nam, đó là tính tư hữu rất cao, tự tư tự lợi, từ đó chi phối tất cả quá trình vận hành nền kinh tế. Khi giải quyết thoả đáng tính tư hữu bằng lợi ích kinh tế, tinh thần thì vận hành sẽ khác.
“Ví dụ như sự ra đời Nghị quyết TƯ 5 cho đảng viên làm kinh tế, sự ra đời của những nghị quyết kích thích thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Từ đó lực lượng sản xuất từ 2 khu vực này được giải phóng”, bà dẫn chứng và nhấn mạnh muốn giải phóng lực lượng sản xuất, tạo động lực cho phát triển kinh tế cần chú ý yếu tố con người
Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị phải xem lại việc tạo động lực cho cá nhân từ nhà khoa học đến DN, công chức nhà nước thông qua chính sách tiền lương đã có động lực phát triển chưa.
"Như tiền lương của giáo viên có đủ sống không? Lương của nhà khoa học, các khu vực, kể cả lương của lãnh đạo cao nhất của Nhà nước có đủ sống không?”, bà đặt vấn đề và cho rằng với chính sách tiền lương như hiện nay làm sao có động lực phát triển được.
Thủ trưởng mà yêu người này, ghét người kia sẽ kìm phát triển
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến việc tạo môi trường làm việc thật tốt. Bởi theo bà: "Một môi trường mà thủ trưởng cơ quan yêu người này, ghét người kia, tuyển dụng thì người xứng đáng không được đề bạt, đi đề bạt những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn. Chính điều này kìm hãm động lực phát triển”.
Bà cũng lưu ý, trong xử lý công việc của nhiều cơ quan hành chính nhà nước mất dân chủ với dân, làm cho dân thiếu niềm tin vào Nhà nước cũng làm mất động lực phát triển.
“Động lực tinh thần nếu kích thích sẽ tạo ra sức mạnh mềm. Tại sao Bác Hồ huy động được nhiều vàng trong dân và có người sẵn sàng hiến 5.000 lạng vàng cho đất nước mà sau này tôi không thấy có trường hợp nào như thế nữa”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phân tích.
Nguồn lực trong dân vô cùng dồi dào, tiền, vàng rất nhiều nhưng chúng ta không huy động được trong khi huy động xây chùa, đúc chuông lại rất nhanh. “Câu hỏi đặt ra cho các lãnh đạo, quản lý là: Tại sao không huy động được nguồn lực để làm đường, làm trường mà huy động xây chùa, đúc chuông lại rất nhanh?”, bà nói.
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, dù gần đây cơ chế chính sách rất cởi mở nhưng vẫn thiếu sự công bằng, nhân tố sâu xa liên quan đến con người.
“Mỗi dự án trích 10-20% cho người kéo được dự án về, vậy dự án bao nhiêu nghìn tỉ thì biết bao nhiêu tiền”, bà băn khoăn về tình trạng thiếu cân bằng và nhấn mạnh, phải tạo môi trường dân chủ tốt hơn, tạo bình đẳng trong xã hội.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng kiến nghị phải tập trung giải phóng sức sản xuất thông qua chính sách tiền lương, thu hút nhân tài, nhân lực, tạo môi trường dân chủ thật sự chứ không phải dân chủ trong nghị quyết.
Huy động tốt nguồn lực, đất nước sẽ phát triển nhanh
PGS.TS Nguyễn Thế Trung, nguyên Phó Ban Dân vận TƯ cho rằng việc khuyến khích, huy động nguồn nhân lực cho phát triển còn rất hạn chế. Lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nhưng hoạt động kém hiệu quả, thiếu say sưa nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, ít quan tâm phát minh, sáng chế.
Theo ông, chúng ta chưa có chính sách khuyến khích tốt để người dân tham gia vào các lĩnh vực cho đầu tư phát triển xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, phát minh sáng chế.
Vốn của doanh nhân, của người dân vẫn đổ vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm. Một bộ phận người dân giàu có đã chuyển ngoại tệ ra đầu tư ở nước ngoài hoặc gửi vào ngân hàng ngoại.
Ông khẳng định: “Vấn đề quan trọng là chọn cán bộ lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành. Nếu đội ngũ này giỏi thì đất nước phát triển nhanh”.