Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Cử tri Trịnh Thanh Phi nói, Tập đoàn Mường Thanh có 4 cái sai: Xây dựng không phép, xây dựng quá chiều cao quy định, xây cả vào khu không được phép xây như khu quy hoạch dải cây xanh. Các khu này xây xong thì người dân đã vào ở và bán hết. Tiếp nữa là các tiêu chuẩn về PCCC cũng không đủ, dân chưa thể được cấp sổ đỏ. Chủ tịch UBND TP cho hay vụ việc đã chuyển hồ sơ cho CA TP thụ lý, điều tra.
"Họp HĐND TP vừa rồi, Giám đốc Công an TP nói Tập đoàn Mường Thanh có 20.000 lao động làm ăn ở 40 tỉnh thành, do đó cần huy động lực lượng điều tra viên khá đông, vào cuộc xác minh. Sở Tài chính cũng chưa trả lời về kết quả giám định, đánh giá thiệt hại nên chưa có căn cứ khởi tố vụ án. Tôi thấy rằng trả lời của Giám đốc Công an TP chưa thuyết phục, liệu có dấu hiệu "bảo kê" nào đó, cản trở công tác điều tra, mong Chủ tịch UBND TP nói rõ về vấn đề này?".
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giải thích, đầu năm 2016, sau khi Thanh tra TP có kết luận, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã chủ động báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội, chuyển toàn bộ hồ sơ kết luận của Thanh tra TP về vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh sang Công an TP Hà Nội để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ cấp phường, cấp quận, huyện Thanh Trì và Hoàng Mai để xử lý trên 20 cán bộ có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự đô thị, liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh.
Tuy nhiên, đây mới chỉ xử lý về mặt trách nhiệm. Trong thời gian tới, Công an TP điều tra, xử lý, phát hiện có những dấu hiệu vi phạm, tiếp tục xử lý theo pháp luật.
"Chúng ta cũng phải tôn trọng quá trình điều tra của cơ quan điều tra, các điều tra viên. Sau khi chuyển hồ sơ, Thành ủy, Ủy ban kiểm tra TP cũng thường xuyên đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với liên ngành đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của đơn vị này trước pháp luật", Chủ tịch Chung nói.