Với tư cách là nhà thiết kế luôn trung thành với các chất liệu dân gian. Bà nhìn nhận như thế nào khi người ta ví “lụa Việt Nam như một nàng công chúa bị ngủ quên trong rừng”?
Đúng như thế, nhưng nàng công chúa này lại không có bạch mã hoàng tử đánh thức mà tự phải thức dậy bằng những cơn khủng hoảng. Với tôi, điều này là sự tích cực cho thấy người Việt Nam luôn có sự trân trọng và có chút thiên vị với chất liệu truyền thống.
Vậy theo bà, vì sao lụa Việt vẫn âm ỉ trong đời sống nhưng hoàn toàn chưa đánh bật được mình và vẫn chưa thể đến được nhiều với bạn bè quốc tế?
Trong thực tế, lụa Việt Nam đã được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa và thậm chí được những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đặt hàng. Nhưng vẫn là chữ “nhưng” rất “oan nghiệt”, lụa Việt được xuất khẩu bằng tên của những thương hiệu lụa nổi tiếng nhất thế giới, không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy được những tấm lụa óng ả với dòng chữ “Made in Vietnam”.
Đời sống tơ lụa thế giới sôi động cũng như vàng và Đô la... Trên bảng đồ tơ lụa thế giới không có tên của Việt Nam. Chính vì thế, chúng ta vẫn vòng vo mãi trong một phạm vi hẹp và chưa thể xuất hiện với chân dung của một “chính nhân quân tử” mặc dù về chất lượng lụa Việt Nam đã đạt chuẩn.
Bà nhìn nhận như thế nào về “vị thế” của lụa trong các loại chất liệu dân gian? Và những loại lụa nào của Việt Nam đã từng biến mất, đang cần phải được khôi phục?
Lụa luôn đứng đầu bảng của chất liệu, đó là một loại sợi protein nên thích nghi tối đa với những thay đổi về khí hậu. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Việt Nam đã có từ rất lâu và được phát triển mạnh vào cuối thập niên 80. Sau đó người Việt hình như quên mất “nàng lụa”, thay vào đó là những chất liệu sợi tổng hợp.
Khi chúng ta quên thì những nước tiên tiến lại có nhu cầu ngày càng cao và vì thế lụa Việt được người nước ngoài yêu quý hơn. Chúng ta mất cơ hội để chứng minh vẻ đẹp của lụa Việt và mất một nguồn thu đáng kể. Cũng đã có một số nghệ nhân và những người luôn say đắm lụa, họ vẫn kiên trì đi cùng với lụa qua nhiều năm tháng, qua nhiều thế hệ, họ đã có nhiều trải nghiệm và trả giá cho tình yêu với lụa. Họ cũng có những thành công nhất định nhưng điều đó không có nghĩa là lụa được hiểu đúng với giá trị của mình.
Một thiết kế của NTK Công Huân sẽ được trình diễn trong đêm Lụa Bảo Lộc.
Phải chăng vì thế mà bà cùng một số nhà thiết kế Việt Nam tổ chức chương trình “Lụa Bảo Lộc”. Nội dung và ý nghĩa của chương trình này là gì?
Đêm Lụa Bảo Lộc là một sự kiện nằm trong chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh Lâm Đồng. Nếu Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của hoa thì Bảo Lộc được xem là thành phố của tơ lụa. Thực tế, Bảo Lộc nằm trong chiến lược phát triển của chính phủ từ những năm 1985, Nghị định của Chính phủ về việc xây dựng TP. Bảo Lộc trở thành Thành phố Tơ lụa Việt Nam là có cơ sở về thổ nhưỡng.
Thật vô tình mà những hoạt động về tơ lụa lại rơi đúng vào đỉnh điểm của cơn khủng hoảng lụa vừa qua. Trong đêm Lụa Bảo Lộc sẽ có 12 nhà sản xuất lụa và 15 Nhà thiết kế trong cả nước, những BST trên nền Lụa Việt Nam sẽ được giới thiệu vào đúng đêm Noel. Sự kết hợp này với mong muốn đem lại giá trị đích thực cho lụa Việt.
Bà nhìn nhận gì về các bộ sưu tập được thiết kế từ lụa Bảo Lộc trong chương trình này?
Nằm trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt, vì thế chủ đề cũng sẽ là hoa. Nhìn sơ qua những mẫu đầu tiên của các nhà thiết kế, tôi hy vọng rằng các nhà thiết kế và nhà sản xuất sẽ cho công chúng một đêm “bung lụa” đáng nhớ và đáng tự hào về chất liệu lụa truyền thống Việt Nam.
Theo bà, một trong những yêu cầu khắt khe và chuẩn mực khi thiết kế trang phục với chất liệu lụa là gì?
Lụa là một cô gái đỏng đảnh khó tính. Khi nói đến lụa (100%) thì cũng đồng nghĩa với sự cao cấp. Vì thế, từ ý tưởng đến đường cắt và những hoa văn họa tiết trên Lụa phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Các nhà thiết kế và nhà sản xuất phải xóa dần sự đỏng đảnh mà cần cho cô gái ấy có nhiều sự thân thiện và đáng mến hơn.
Hoa hậu Ngọc Hân và các người mẫu đến từ Hà Nội sẽ tham gia trình diễn các bộ sưu tập trong sự kiện này.
Những kỷ niệm nào của bà khi đưa các bộ sưu tập thiết kế từ lụa qua các sự kiện thời trang ở nước ngoài?
Vừa qua, trong bộ sưu tập của tôi giới thiệu tại Thụy Sĩ, chất liệu chính là thổ cẩm và lụa Việt Nam. Tôi nhận được nhiều phản hồi rất xúc động, nhiều người Thụy Sĩ đã so sánh chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam ngang tầm với những thương hiệu thời trang bậc nhất trên thế giới.
Bà có kế hoạch nào cho việc thổi hồn văn hoá Việt vào lụa trong các bộ sưu tập hoặc các sự kiện thời trang lớn trong tương lai?
Từ lâu tôi đã đưa lụa Việt vào trong những bộ sưu tập của mình và tôi mong rằng những nhà thiết kế Việt Nam cũng nên bắt đầu “chạm” đến những kho báu này. Sẽ thật tuyệt vời với sự kết hợp giữa nhà thiết kế, nhà sản xuất và Lễ hội Áo dài.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Đêm Lụa Bảo Lộc sẽ diễn ra tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) vào tối 24/12 với sự tham gia của 14 nhà thiết kế như: Hà Duy, Xuân Hảo, Trần Thiện Khánh, Silky Vietnam, Công Huân, Phương Thanh, Cao Duy, Nguyễn Thúy, Nhi Hoàng, Hữu Lala, Thanh Thúy, Minh Hạnh... giới thiệu 30 bộ sưu tập trên chất liệu lụa Việt Nam.
Xuất hiện tại sự kiện này sẽ là 60 người mẫu từ Hà Nội và TP.HCM cùng 100 học sinh TP. Bảo Lộc, sẽ dệt nên một chân dung mới cho lụa và biến TP. Bảo Lộc trở thành “thủ phủ” của tơ lụa Việt Nam.
Đây sẽ là một đêm khắc ghi đậm nét chân dung của lụa Bảo Lộc với sự tham gia của hai ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương hứa hẹn sẽ mang lại một không gian mang đậm chất truyền thống, dân gian nhưng cũng vô cùng phá cách và ấn tượng.
Hà Tùng Long