Vũ “nhôm” tẩu tán tài sản trước khi “mất tích”; ông Trầm Bê lộ tài sản “khủng”

Ngày đăng: 08:22 24/12/2017 Lượt xem: 597



Vũ “nhôm” tẩu tán tài sản trước khi “mất tích”; ông Trầm Bê lộ tài sản “khủng”

 

                                                           Nguồn:Báo Điện tử Dân trí


Sự kiện nóng nhất tuần qua là việc đại gia Vũ “nhôm” bị khởi tố. Nhưng trước khi bị truy nã, ông này đã kịp thời tẩu tán tài sản tại các công ty góp vốn. Bên cạnh đó là vụ tài sản nghìn tỷ của ông Trầm Bê được chào bán

 

 

Đại gia “nhôm” tẩu tán tài sản trước khi “mất tích”

Như Dân trí đã đưa tin, ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm") vừa bị khởi tố về hành vi “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, đồng thời bị truy nã do trốn khỏi nơi cư trú. Đáng lưu ý, trước khi bỏ trốn, ông Vũ “nhôm” đã sớm thoái vốn khỏi hàng loạt công ty và thu lại số vốn khủng…

Một trong số các dự án này có Khu đô thị Đa Phước (tại quận Hải Châu) do Công ty TNHH The Sunrise Bay, đầu tư với tổng mức trong giai đoạn 1 là hơn 4.465 tỷ đồng. The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ông Vũ nhôm (bên phải) trong một lần đi cùng ông Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Pháp luật TPHCM


Ông Vũ "nhôm" (bên phải) trong một lần đi cùng ông Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Pháp luật TPHCM


Trước đó, Vũ “nhôm” cũng đã đồng loạt thoái vốn tại những công ty do ông làm chủ sở hữu. Nhiều trong số này được biết đến là đơn vị nắm giữ hàng loạt bất động sản có giá trị, nằm ở vị trí đắc địa của TP Đà Nẵng.

Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.

Tại Công ty TNHH Phú Gia Compound (tên cũ là Công ty TNHH Minh Hưng Phát) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên. Công ty này trước đó từng khá “nổi tiếng” sau lùm xùm tặng xe cho cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Một DN khác đó là Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của Vũ “nhôm” và đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong. Công ty Chấn Phong là cổ đông lớn thứ hai tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã CK: SEA) sau Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ 63,38% vốn điều lệ, sau đó là Chấn Phong, sở hữu 20,1% vốn.).

Ông Trầm Bê lộ tài sản “khủng”

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố tổ chức bán đấu giá 3 tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An.

Do một phần quyền sử dụng đất của 3 cụm tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An hiện đã được Sacombank bán nợ cho VAMC xen kẽ các cụm cho chung từng lần bán nên một trong các tài sản trên chỉ được chào giá thành công khi hai tài sản còn lại đều phải được chào giá thành công tại cùng thời điểm chào giá nêu trên.
 


Khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng này phải được thanh lý trong cùng một lần đấu giá. Đây có thể coi là khó khăn lớn nhất trong phương án xử lý nợ của Sacombank lần này.


Cựu CEO Lý Xuân Hải về "đầu quân" cho Hoàng Anh Gia Lai

Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) vừa công bố chiều ngày hôm nay (17/12/2017) đã thống nhất việc thành lập Ban chiến lược trực thuộc HĐQT kể từ ngày 18/12.

HĐQT của HAGL cũng bổ nhiệm ông Lý Xuân Hải làm Trưởng Ban chiến lược. Trên cương vị này, ông Hải được giao trách nhiệm tuyển chọn nhân sự và điều hành hoạt động của Ban chiến lược và báo cáo trực tiếp cho HĐQT.
 

Ông Lý Xuân Hải, cựu CEO của ACB đã mãn hạn tù từ đầu năm nay, được đánh giá là một lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (ảnh: CAND)

Ông Lý Xuân Hải, cựu CEO của ACB đã mãn hạn tù từ đầu năm nay, được đánh giá là một lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (ảnh: CAND)


Việc ông Lý Xuân Hải "đầu quân" về HAGL từng gây xôn xao trên thị trường cách đây không lâu. Đúng 1 tháng trước, ban lãnh đạo HAGL từng phát thông tin cải chính cho biết, việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức chính thức gửi lời mời ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB về làm Phó Chủ tịch HAGL phụ trách tài chính là không chính xác.

Ông Đỗ Minh Phú sẽ chọn "ghế" Chủ tịch TPBank thay vì DOJI

Lý do được ông Phú đưa ra là mình cần chèo lái con thuyền TPBank hơn DOJI và TPBank cũng cần mình hơn. Còn đối với DOJI, dù là người sáng lập và đứng đầu tập đoàn vàng bạc lớn này nhưng ông Phú cho rằng đã có những đội ngũ kế cận đủ để gánh vác và phát triển công ty này.
 



Thông tin này được ông Đỗ Minh Phú công khai chia sẻ với cán bộ công nhân viên và truyền thông tại buổi Toạ đàm Top Leader Talk vừa diễn ra sáng nay (23/12).


Qua thời hoành tráng tung hoa: Sếp lớn tập đoàn không thể "hạ cánh an toàn"

Năm 2017 có thể được coi là năm đầy ám ảnh của các sếp lớn tập đoàn nhà nước trong những dự án nghìn tỷ đầy tai tiếng. Không chỉ dừng lại ở 12 dự án của ngành Công Thương, những dự án, những tập đoàn lớn khác cũng vào tầm ngắm.

Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm vị trí “đầu bảng” với 5 dự án, 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tính đến nay, 3 đời lãnh đạo cao nhất của PVN qua các thời kỳ đã bị khởi tố, bắt giam. Đó là ông Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh La Thăng.
 

Cựu Chủ tịch Tập đoàn cao su mới đây đã bị khởi tố sau nhiều năm nghỉ hưu.


Cựu Chủ tịch Tập đoàn cao su mới đây đã bị khởi tố sau nhiều năm nghỉ hưu.


Trong đó, đặc biệt nhất là ông Đinh La Thăng khi ông này sau khi rời ghế Chủ tịch PVN đã kinh qua nhiều trọng trách như Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, rồi Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương.

Còn tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), các cựu sếp to nhất của “công ty mẹ” PVC đều đã bị khởi tố và tạm giam, đặc biệt nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đối với các cá nhân thuộc Vinachem, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.

Cựu lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Cao su cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Ngày 7/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can, trong đó có ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam.

tin tức liên quan