Vũ 'nhôm' ôm tiền trốn chạy, Đinh La Thăng cúi xin khoan hồng
Nguồn:Báo Điện tử
Loạt sếp mới được bổ nhiệm, lộ diện những tỷ phú giàu nhất Việt Nam 2017; diễn biến tiếp theo của vụ Đinh La Thăng, Vũ "nhôm" là điểm nóng tuần qua.
Tỷ phú Việt kiếm ngàn tỷ
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức lộ diện 100 người giàu nhất. Nếu như cách đây 1 năm, chỉ cần sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng là đã có thể đứng trong danh sách này thì hiện tại, tiêu chuẩn đã tăng gấp đôi, lên 450 tỷ đồng. Khối tài sản cần thiết để gia nhập Top10 cũng tăng gấp đôi, từ 2.500 tỷ lên 5.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng,... là những người có khối tài sản tăng thêm đáng kể khi được cộng thêm lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp thông qua công ty đầu tư riêng.
Top 100 năm nay đón nhận thêm rất nhiều doanh nhân nổi tiếng, nắm giữ khối tài sản lớn như Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc VCSC Tô Hải, chủ tịch Sacombank Dương Công Minh, Tổng giám đốc Bắc Á Bank Thái Hương, chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ...
Sếp mới Tập đoàn Dầu khí
Sau nhiều sóng gió, Tập đoàn Dầu khí đã có “thuyền trưởng” mới. Như vậy, sau 9 tháng kể từ khi ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch PVN bị cho thôi chức hồi tháng 3/2017, Tập đoàn Dầu khí đã có tân Chủ tịch Hội đồng thành viên.
|
Sếp mới của Dầu Khí |
Ông Trần Sỹ Thanh (sinh năm 1971 tại Nghệ An) đã rời ghế Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn để làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Trần Sỹ Thanh về “ghế nóng” PVN trong bối cảnh tập đoàn này đang trong tâm điểm chú ý của dư luận khi hàng loạt cựu lãnh đạo cao nhất cùng hàng chục cán bộ ngành dầu khí bị khởi tố, bắt giam.
Tân chủ tịch Bưu điện Việt Nam
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên chính thức giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Ông Phạm Anh Tuấn, sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân và là Tiến sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng. Ông từng trải qua các vị trí Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện; Phó Tổng Giám đốc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
TGĐ đề xuất mua tàu cũ Trung Quốc về lại vị trí cũ
CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, Hội đồng quản trị đơn vị vừa có quyết định bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Viết Hiệp làm tổng giám đốc công ty kể từ ngày 1/1/2018.
Ông Nguyễn Viết Hiệp nguyên là tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. Tháng 2/2016, sau vụ mua 160 toa xe cũ của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cách chức ông Hiệp.
Sau đó, ông Hiệp được cho thôi chức tổng giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và được điều động về làm trưởng ban kế hoạch và kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Đại gia 29 tuổi mua cổ phần Vũ 'nhôm'
Ông Trương Bảo Kim - Ủy viên HĐQT - đăng ký mua 17.353.300 cổ phiếu SEA nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 0 đơn vị lên 17.353.300 đơn vị. Tính theo thị giá cổ phiếu SEA hiện khoảng 16.500 đồng thì ông Kim sẽ phải chi ra khoảng 290 tỷ đồng để lượng cổ phiếu đăng ký.
Ông Trương Bảo Kim sinh ngày 22/2/1988, được Đại hội đồng cổ đông thường niên Seaprodex 2017 bầu làm Thành viên HĐQT kể từ ngày 13/6/2017 thay cho ông Vũ Văn Tiền sau sự thoái lui của nhóm Geleximco.
Ông Vũ 'nhôm' và ông Kim đều có liên quan tới CTCP Nova Bắc Nam 79 (CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong) - pháp nhân vừa thoái toàn bộ 20,1% vốn tại Seaprodex cho nhà đầu tư Ngô Minh Anh vào cuối tháng 11 vừa qua.
Không chỉ bán cổ phiếu thoát khỏi Seaprodex, trước khi bỏ trốn, ông Vũ Nhôm còn thoái vốn hàng trăm tỷ đồng tại nhiều công ty có liên quan với sô tiền lến tới hơn hàng trăm tỷ đồng.
'Sao quả tạ' đại gia mất ngàn tỷ
Cổ phiếu HBC của chủ tịch Lê Viết Hải giảm thêm 6% trong phiên 27/12 xuống 44.000 đồng/cp - mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Trước đó, cổ phiếu HBC của Xây dựng hòa Bình của ông Lê Viết Hải đã rớt một mạch từ đỉnh cao 65 ngàn đồng hồi giữa tháng 10 sau khi dính tin đồn bị Khaisilk xù nợ ngàn tỷ. Cú sốc đã khiến vốn hóa của gần 130 triệu cổ phiếu HBC bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
Chính bản thân ông Lê Viết Hải cũng đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC (tương đương khoảng 100 tỷ đồng) trong khoảng thời gian từ 1/12-29/12/2017 để “đỡ giá”. Tuy nhiên, kết quả của đợt mua này chưa được công bố tới các nhà đầu tư. Vụ mua bán thành công sẽ giúp ông Hải tăng sở hữu lên hơn 21,4 triệu đơn vị, tương đương 16,5% vốn HBC.
|
Ông Thăng xin được hưởng khoan hồng |
Ông Đinh La Thăng xin được hưởng khoan hồng
Trong giai đoạn truy tố, ông Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng lượng khoan hồng.
Với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank, mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái quy định. Việc làm của ông Đinh La Thăng đã tạo điều kiện cho các bị can khác trong vụ án tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (góp vốn đợt 3) vào Oceanbank.
Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank.
Trịnh Xuân Thanh dùng 5 tỷ đồng tham ô để tiêu Tết
Trong số 7 lần rút tiền từ Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, hôm 6/1/2012 (lần rút thứ 6), Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị cho mình 5 tỷ đồng để "sử dụng cá nhân" trong dịp Tết Nguyên đán 2012.
Cáo trạng vụ án nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
|
Đại gia tiêu tết tiền tỷ |
Thanh bị cho là đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng trên vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Rinh hơn 105 tỷ đồng
Vietlott đã phát đi thông báo, trong kỳ quay thưởng thứ 226 của loại hình xổ số tự chọn Mega 6/45 đã có người trúng giải độc đắc (Jackpot) trị giá hơn 105 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 xổ số tự chọn có người trúng hơn 100 tỷ đồng kể từ khi ra mắt.
Trong khi xổ số tự chọn Mega 6/45 đã có người trúng giải độc đắc trị giá hơn 105 tỷ đồng thì ở loại hình xổ số điện toán Power 6/55 đến nay vẫn chưa tìm ra dãy số trúng thưởng dù số tiền cộng dồn qua các lần quay đã lên đến hơn 185 tỷ đồng.