Triều Tiên đang dẫn dắt cuộc chơi

Ngày đăng: 07:05 11/02/2018 Lượt xem: 447


            
                       Triều Tiên đang dẫn dắt cuộc chơi

 

                                                      Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động


Mỹ có thể không hoan nghênh triển vọng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được mời đến Bình Nhưỡng



Triều Tiên tiếp tục có những động thái ngoại giao ấn tượng nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc trong lúc nỗ lực cô lập Bình Nhưỡng của Washington tại Olympic Mùa đông tỏ ra không mấy hiệu quả. Giới chức Hàn Quốc hôm 10-2 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mời Tổng thống Moon Jae-in sang Bình Nhưỡng hội đàm cấp cao. Lời mời được cô Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, đưa ra tại cuộc gặp và bữa ăn trưa với ông Moon.

Giới chức Nhà Xanh cho biết ông Kim Jong-un muốn gặp Tổng thống Moon trong thời gian sớm và nhà lãnh đạo Hàn Quốc coi như đã chấp nhận lời mời. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong hơn 10 năm, qua đó đánh dấu thành tựu ngoại giao đáng kể của ông Moon, người lên nắm quyền năm ngoái với chính sách tăng cường đối thoại với miền Bắc.
 

trieu tien dang dan dat cuoc choi


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp phái đoàn Triều Tiên, trong đó có cô Kim Yo-jong, tại cuộc gặp hôm 10-2 Ảnh: REUTERS


Có những nỗi lo rằng đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể đi kèm với điều kiện tiên quyết từ Bình Nhưỡng, như yêu cầu ngừng tập trận chung Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, vẫn có sự lạc quan thận trọng về diễn biến mới nói trên bởi một hội nghị như thế dù sao vẫn tốt hơn những lời đe dọa chiến tranh trong những tháng gần đây. "Ông Kim Jong-un rõ ràng là nghiêm túc về việc đàm phán với Hàn Quốc. Hai nước đã bước vào giai đoạn khôi phục tiếp xúc thường lệ" - ông Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Dongguk, nhận định với hãng tin AP.

Dù vậy, triển vọng diễn ra một cuộc gặp như thế có thể không được Mỹ hoan nghênh giữa lúc Washington đang theo đuổi chiến lược gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng, thông qua giọng điệu và trừng phạt cứng rắn, để buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Điều này thể hiện rõ qua cuộc khẩu chiến vẫn tiếp diễn giữa Washington và Bình Nhưỡng ngay cả khi Olympic diễn ra. Lo ngại chiến dịch "tấn công quyến rũ" của Triều Tiên có thể gây chia rẽ Washington và Seoul, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ niềm tin Tổng thống Moon sẽ tiếp tục đứng về phía họ trong chiến dịch gây sức ép tối đa này. Phát biểu khi đang ở Hàn Quốc, ông Pence cũng không quên cảnh báo Mỹ có những lựa chọn quân sự khả dĩ để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đồng thời gọi sự tham dự của Bình Nhưỡng vào Olympic chỉ là "chiêu trò tuyên truyền". Ở bên kia "chiến tuyến", truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ trích ông Pence có hành vi "đáng hổ thẹn và hợm hĩnh", đi ngược lại tinh thần Olympic khi tham dự các sự kiện tại PyeongChang.

Hãng tin AP nhận định bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ nói trên, ông Pence không ngăn được Triều Tiên "tỏa sáng" tại Thế vận hội Mùa đông. Hàn Quốc chào đón nồng hậu phái đoàn Triều Tiên trong lúc phía Mỹ dường như mới là bên bị gạt ra bên lề, ít nhất là tại sự kiện thể thao này. "Trong lúc 2 miền Triều Tiên tán dương khoảnh khắc đoàn kết, Mỹ tỏ ra thất thế trước đối thủ và lạc nhịp với đồng minh" - AP nhận định. Ông James Schoff, cựu cố vấn Lầu Năm Góc về chính sách Đông Á, cho rằng bằng cách dội gáo nước lạnh lên hy vọng về mối quan hệ liên Triều tốt hơn, lập trường của ông Pence có thể bị xem là chỉ trích chính sách của ông Moon đối với Bình Nhưỡng.

Đài CNN cũng đánh giá Bình Nhưỡng đang thắng thế trong cuộc tranh tài không liên quan gì đến thể thao ở Olympic Pyeongchang. Đài này dẫn lời ông David Maxwell, chuyên gia tại Trường ĐH Georgetown, nhận định những gì Triều Tiên đã và đang làm để trở thành tâm điểm tại Thế vận hội này là khá tài tình và đáng được ngưỡng mộ. Còn với ông Kim Sung-han, cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, lời mời nói trên của Triều Tiên là hành động mạnh mẽ nhất cho đến giờ nhằm chia rẽ quan hệ Mỹ - Hàn.

 
tin tức liên quan