Cải cách từ việc tạo dựng niềm tin
Nguồn:Báo Thời nay số Xuân Mậu Tuất
Để tạo niềm tin cho DN cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn, có lẽ không chỉ ở Chính phủ mà còn ở tầm Quốc hội, những luật lệ, nhất là ở hệ thống tư pháp, tòa án.
Đầu nhiệm kỳ Chính phủ lần này, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đã có cuộc gặp doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện không mới nhưng đã gần chục năm không có sự kiện nào như thế. Nó có thể được coi là điểm nhấn trong hai năm đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, thể hiện sự chú ý nhiều đến DN, đến cải thiện môi trường kinh doanh (CTMTKD) và hỗ trợ DN phát triển.
Ngay sau cuộc gặp đầu tiên với DN, Chính phủ đã có Nghị quyết 35 (NQ 35). Sau đấy là một loạt động thái CTMTKD như: hoàn thiện bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN, bãi bỏ sửa đổi điều kiện kinh doanh. Các NQ khác của CP đều nhấn mạnh đến CTMTKD.
Đến đầu năm 2017, năm thứ hai của nhiệm kỳ, NQ 19 của Chính phủ được ban hành với trọng tâm CTMTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tháng 5-2017, Thủ tướng gặp mặt DN lần thứ hai. Kết quả cuộc gặp lần này, Thủ tướng có hai quyết định. Thứ nhất, lấy năm 2017 là năm giảm chi phí DN. Thứ hai, ban hành Chỉ thị về thanh tra, kiểm tra DN, theo đó, mỗi DN trong một năm chỉ bị thanh tra, kiểm tra một lần. Điều này cũng hướng tới giảm chi phí cho DN, giảm chi phí không chính thức, tạo sự yên tâm và an toàn hơn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Suốt thời gian triển khai NQ 19, NQ 35, có lẽ tháng nào cũng có, trong NQ của Chính phủ hằng tháng, luôn có một đoạn khá dài về gỡ bỏ rào cản, giảm chi phí, CTMTKD và đặc biệt là có hai NQ chuyên đề về CTMTKD, trong đó có nhấn mạnh về việc sửa đổi bổ sung luật pháp, nhất là liên quan đến đất đai, đầu tư, một luật sửa nhiều luật. Các bộ, ngành bắt đầu phản ứng tích cực, triển khai thực hiện như Bộ Công thương đã rà soát và quyết định bãi bỏ đến 675 ĐKKD. Bộ Xây dựng cũng đề xuất loại bỏ sáu ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Động thái triển khai thực hiện là khác trước và thể hiện một thay đổi rất khác biệt trong phản ứng của của các bộ, đồng hành và triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|
Để tạo dựng niềm tin cần những thay đổi mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Bãi bỏ ĐKKD, tháo gỡ rào cản là bỏ quyền và bỏ lợi ích của cơ quan nhà nước. Nghĩa là các bộ, ngành đã có những thay đổi khi dám tự mình bỏ đi quyền và lợi ích của chính mình để chuyển sang một phương thức khác phù hợp hơn và có lợi hơn cho DN và người dân. Kết quả là, năm thứ hai, mọi thứ quyết liệt hơn, nhất quán hơn, rõ nét hơn và bắt đầu chuyền động đến các bộ và các địa phương. Đó là thay đổi thái độ và cách thức làm việc mà có thể nói là một bước ngoặt, là sự thay đổi đáng được đánh giá cao.
Nhìn tổng thể, môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện, năm 2017, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tăng 14 bậc (từ 82 lên 68), nếu cộng với năm 2016 chín bậc nữa, thì hai năm nhiệm kỳ này tăng 23 bậc. Đó là một bước tiến ít nền kinh tế có được. Tương tự, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá, Việt Nam tăng được 0,1 điểm, và tăng được năm bậc từ 60 lên 55.
Hai năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt để CTMTKD, đồng thời liên tục theo dõi, đánh giá và cập nhật kết quả tạo áp lực hành chính đối với các bộ trưởng, đặc biệt trong việc thực hiện các NQ của Chính phủ. Xu thế tích cực trong CTMTKD đang sáng rõ hơn. Chính quyền địa phương cũng bắt đầu thực hiện các sáng kiến cải cách như: trung tâm hành chính công, cafe doanh nhân… và nhiều địa phương đã có các mô hình gặp gỡ doanh nhân thiết thực để giải quyết nhiều vấn đề hơn cho DN.
Dù rất khó định lượng về niềm tin và sức khỏe của DN, nhưng có tới 126.859 DN thành lập mới, với tổng lượng vốn đăng ký rất lớn, và 26.448 DN quay trở lại hoạt động đã thể hiện ở một mức độ nào đó niềm tin của DN. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo niềm tin cho DN. Đặc biệt với DN lớn, xu hướng những doanh nhân có “thẻ xanh, thẻ vàng” là điều rất đáng suy nghĩ!
Ở đây, chúng ta cần đề cập việc CTMTKD ở tầm cao hơn chứ không chỉ ở mức tháo bỏ rào cản, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho điều kiện kinh doanh. Ở tầm cao hơn là sự bảo vệ về an toàn tài sản của những người đầu tư. Để tạo niềm tin cho DN cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn, có lẽ không chỉ ở Chính phủ mà còn ở tầm Quốc hội, những luật lệ, nhất là ở hệ thống tư pháp, tòa án.
Gần đây, có quá nhiều vụ án lớn liên quan đến doanh nhân. Có thể, doanh nhân có phần lỗi trong đó, nhưng cũng có phần của môi trường kinh doanh, cách thức quản lý. Do đó, khu vực quản lý nhà nước cần thay đổi nhiều hơn để củng cố, nâng cao niềm tin cho DN, doanh nhân. Làm sao để DN nhà nước phát triển ổn định, và DN tư nhân (TN) thật sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Làm gì để có được những điều ấy?
Rất đơn giản! Chính phủ cứ làm những gì đã nói là được. Những việc như lâu nay Chính phủ đang làm, cần làm là quy mô hơn, tốc độ hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, nhất quán hơn. Cần quyết liện hơn nữa trong việc gỡ rào cản, tạo “bệ đỡ” chính sách cho DN. Thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực, bằng phát triển thị trường và nhân tố sản xuất càng nhanh càng tốt. Những động thái quyết liệt sẽ tạo niềm tin rất lớn!
Thực tế, đã có cái nhìn nhất quán trong tư duy quản lý kinh tế. Minh chứng là, khi Chính phủ đến gần với DN hơn qua những cuộc gặp đầy ấn tượng thì trong NQ T.Ư 5 đã có sự thay đổi rõ nét và rất mới. DNTN đã được thừa nhận là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Về mục tiêu đặt ra cho năm 2018, thực tế chưa có dấu hiệu thay đổi tác động từ bên ngoài, và nếu có, với Việt Nam cũng sẽ không xấu đi. Trong bối cảnh bên ngoài, bên trong như hiện nay, nếu có chỉ là thiên tai, biến động bất thường về thời tiết ảnh hưởng đến nông nghiệp, công nghiệp… Với những gì có được trong năm 2017, tất cả mục tiêu đặt ra trong 2018 là trong tầm tay. Sự mong muốn thì vô cùng nhưng chỉ tiêu đã đặt ra của chúng ta là không nặng nề, tuy ẩn đằng sau đó vẫn là những kỳ vọng lớn. Chúng ta không vì áp lực chạy theo chỉ tiêu mà gồng mình với các giải pháp ngắn hạn. Cần thận trọng, từ đó tạo dư địa để cải cách dài hạn hơn, sâu rộng hơn. Bởi vậy, đánh giá thành quả của năm 2018 sẽ không phải bằng tăng trưởng mà là xem chúng ta đã cải cách được những gì để thật sự tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đạt nền tảng tốt hơn, vững chắc hơn cho nửa cuối nhiệm kỳ này và cả các nhiệm kỳ sau.
Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách quản lý kinh tế T.Ư