Những lời gan ruột ngày cuối năm

Ngày đăng: 08:05 15/02/2018 Lượt xem: 469



                  Những lời gan ruột ngày cuối năm



                                                         Nguồn:Báo Điện tử Dân trí


Đời sống chúng ta cũng có lúc thấy mình khổ lắm, nhưng thật ra, cái khổ đó nhiều khi chẳng thấm vào đâu so với trăm nghìn người khác. Ừ thì, vui cứ vui, nhưng tự nhủ lòng hãy sống tử tế hơn, đừng vô tâm, đừng ích kỷ và đừng lãng phí
 

 


Trong niềm hân hoan những ngày cận Tết và cái nô nức của ngày lễ tình nhân (Valentine), tôi bất ngờ nhận được một lời đề nghị vay tiền tiêu Tết. Lời đề nghị đó chỉ 500 ngàn đồng.

Lễ tết ấy mà, là dịp để nghỉ ngơi, để vui chơi, để được hưởng thụ sau một năm bôn ba, vất vả kiếm sống. Nhưng, cũng có rất nhiều người, vì lý do nào đó mà không có tết. Với những người nghèo, cái Tết cũng trở nên nặng nề hơn.

Nặng nề ở chỗ, dịp này vốn phải sắm sanh nhiều. Tập tục xưa nay vốn vậy. Chẳng lẽ tết đến xuân về lại không may con con bộ quần áo mới, không có cỗ bàn? Rồi cứ kề trước Tết là người ta thu hồi nợ cũ. Nợ mới, nợ cũ lại chồng lên nhau, một vòng luẩn quẩn.

Hai tác giả Bạch Châu – Đại Dương trong ngày 14/2 đã đăng trên Dân trí bài: “Ở nơi Tết cũng như... ngày thường”. Bài viết mô tả lại ngày cuối cùng của năm Đinh Dầu một xóm vạn đò mấp mé bên bờ sông Bồ với 24 hộ dân cuối cùng còn sinh sống trong những con đò cũ đã xuống cấp.

Không khí nơi đây vẫn vậy, vẫn ảm đạm, yên bình. Không một cành mai, bông cúc hay cũng chỉ đơn giản là dăm ba gói mứt, gói kẹo. Trên những chiếc đò cũ kĩ, ngoài những vật dụng sinh hoạt hằng ngày thì không còn thứ gì giá trị.

Với họ, “tết cũng không khác chi ngày thường là mấy” bởi bình thường còn có người thuê làm việc, Tết họ nghỉ hết, người dân ở đây cũng không có việc gì làm, thành ra chẳng có tiền mà ăn, chỉ mong sống được qua ngày.

“Tui ở đây cũng hơn nửa đời người, chừ con cháu cũng lớn hết rồi. Ở đây cực khổ lắm cô ơi, việc làm lúc có, lúc không, kiếm được vài đồng ăn qua ngày là may lắm rồi. Năm vừa rồi trời mưa lạnh, chưa có năm mô lạnh như năm ni, lụt bão liên miên cho nên gia đình tui có làm chi được mô. Nằm ngủ mà lạnh quá không ngủ được cứ thao thức mãi, nửa đêm phải canh nhau tát nước khỏi đò cả sợ chìm đò…” – cụ Lê Thị Lồng, đã ngoài 80 tuổi kể lại với phóng viên Dân trí như thế.

Mà gia đình cụ Lồng cũng mới chỉ ở diện “cận nghèo” thôi. Cả cái xóm đò bên sông Bồ cũng mới có 2 hộ cận nghèo như thế. Trong khi đó, cả nước bây giờ còn có tới 2 triệu hộ nghèo, hoàn cảnh của họ còn khó khăn hơn vậy nữa.

Vừa mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính cấp hơn 5.504 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 7 địa phương để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Mỗi nhân khẩu khó khăn nhận được mức cứu trợ tối đa 15kg gạo trong dịp này.

Với 15kg gạo hay 500 nghìn đồng mà người quen của tôi vay mượn, một người bình thường như chúng ta hẳn không tưởng tượng được họ sẽ xoay xở, lo sắm sửa tết nhất như thế nào. Chỉ biết rằng, vẫn còn nhiều người nghèo, nhiều phận khổ quá!

Xưa cụ Nam Cao có viết rằng “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”.

Đời sống chúng ta cũng có lúc thấy mình khổ lắm, nhưng thật ra, cái khổ đó nhiều khi chẳng thấm vào đâu so với trăm nghìn người khác. Ừ thì, vui cứ vui, nhưng tự nhủ lòng hãy sống tử tế hơn, đừng vô tâm, đừng ích kỷ và đừng lãng phí.

Nếu ăn một miếng ăn cũng biết nghĩ đến người nghèo thì hẳn rằng, ta dẫu có muốn làm điều ác, điều xấu, cũng chẳng thể nào làm được…

tin tức liên quan