"Khi kinh tế khó khăn người ta thường nhắc lại nhiệm kỳ của nguyên TTg Phan Văn Khải”

Ngày đăng: 07:36 24/02/2018 Lượt xem: 453


"Khi kinh tế khó khăn người ta thường nhắc lại nhiệm kỳ của nguyên TTg Phan Văn Khải”

 

                                                                  Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


Trao đổi với Dân Việt, bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có 3 dấu ấn để lại rất sâu sắc.

   

 "khi kinh te kho khan nguoi ta thuong nhac lai nhiem ky cua nguyen ttg phan van khai” hinh anh 1

3 dấu ấn sâu sắc trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: IT)

3 dấu ấn sâu sắc trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dấu ấn thứ nhất không chỉ những người làm việc trực tiếp với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ghi nhận mà trong nghiên cứu 30 năm đổi mới của Việt Nam cũng đánh giá, "nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là nhiệm kỳ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa cao và ổn định nhất".  

Nhìn vào bảng thống kê cũng thấy rõ, lạm phát được kiềm chế thấp, nợ công và bội chi ngân sách ở mức cho phép, không bao giờ vượt quá 50%. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn luôn chú trọng tới vấn đề nợ công. "Tôi nghĩ đó là thành tựu số 1 và ai cũng thừa nhận. Những năm sau này khi kinh tế Việt Nam khó khăn người ta thường nhắc lại thời kỳ đó, thời kỳ tăng trưởng kinh tế tốt và ổn định”, bà Lan nhấn mạnh.

 "khi kinh te kho khan nguoi ta thuong nhac lai nhiem ky cua nguyen ttg phan van khai” hinh anh 2

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, có 3 dấu ấn trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại sâu sắc (Ảnh: IT)

Thứ hai, ấn tượng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại về phát triển doanh nghiệp cũng rất rõ. Đây là thời kỳ chúng ta có 2 luật doanh nghiệp rất tốt làm nền tảng cho phát triển doanh nghiệp sau này. Đó là Luật doanh nghiệp năm 1999, trao quyền tự do kinh doanh cho người dân và là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư thống nhất được đưa ra để tạo mội trường bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và ngoài nước cùng hoạt động trên một nền tảng pháp lý như nhau.

"Tôi đánh giá cao phương pháp làm việc rất chuyên nghiệp của  ông và đặc biệt là sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. 

Trong những người làm chuyên gia cố vấn như chúng tôi thời kỳ đó thì việc ủng hộ nhũng ý kiến tốt sẽ rất dễ, nhưng để "can" được thủ trưởng của mình bỏ đi những ý định sắp làm có thể xảy ra rủi ro là rất khó. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ của mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất lắng nghe ý kiến của cố vấn chuyên gia, cho thấy ông là người rất cầu thị”.

Trong chỉ đạo thực hiện các luật đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức thực hiện, nhất là Luật doanh nghiệp năm 1999. Khi đó ông đã quyết liệt chỉ đạo bãi bỏ giấy phép con, tất nhiên sau này hết nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải giấy phép con lại bùng lên, tình trạng quá tệ không nói làm gì. Nhưng thời kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được việc đó.

Đến 2005, nguyên Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Luật doanh nghiệp mới và Luật đầu tư mới trên cơ sở tạo mặt bằng pháp lý chung cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau với ý tưởng là xóa bỏ sự mất bình đẳng, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các loại hình kinh tế khác nhau.  

Dấu ấn thứ ba trong thời kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là sự hội nhập của Việt Nam cũng được đẩy lên cao với việc hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ về Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Đáng lẽ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã mang văn bản sang ký với Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở New Zealand  trong cuộc họp Thượng đỉnh APEC nhưng sau đó có chỉ đạo phải ở nhà nên không ký được phải hoãn lại. Tuy nhiên, tới cuối năm 2011 cũng hoàn tất được Hiệp định này, từ đó tạo nền tảng cho Việt Nam thúc đẩy quan hệ mở rộng hợp tác và quan hệ quốc tế với các nước khác, đồng thời thúc đẩy hoàn tất đàm phán WTO.

Trong quá trình đàm phán WTO, đến lúc hoàn tất vào năm 2006, giai đoạn đó nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã thúc đẩy sửa đổi, ban hành luật, pháp lệnh mới tương ứng và tương thích với các quy định của WTO, từ đó tạo nền tảng vô cùng quan trọng để Việt Nam được các nước WTO chấp nhận vào tháng 9.2006 để Đại hội đồng thông qua và thực hiện vào tháng Giêng năm 2007. 

“Nếu nói về dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi thấy đó là 3 dấu ấn rất lớn trong nhiệm kỳ của ông”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

 "khi kinh te kho khan nguoi ta thuong nhac lai nhiem ky cua nguyen ttg phan van khai” hinh anh 3

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có cả kinh nghiệp thực tiễn và có lý luận sâu sắc (Ảnh: IT)

"Ông là người ủng hộ sự đột phá cho phát triển DN ở VN"

Cùng chung nhận định trên, TS. Lê Đăng Doanh cũng là Thành viên Ban nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người  am hiểu chuyên môn sâu sắc, được đào tạo cơ bản. Ông là  người vừa có cả kinh nghiệp thực tiễn và vừa có lý luận sâu sắc. Nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người rất cải cách và ủng hộ công cuộc hội nhập. Đặc biệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ủng hộ và thực hiện Luật doanh nghiệp năm 1999, một sự đột phá cho phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam.

Đồng thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lập ra Tổ công tác trực thuộc Thủ tướng, giao cho Tổ này việc giám sát hoạt động của các Bộ, ngành và tìm ra các giấy phép con bất hợp lý. Sau đó, trên cơ sở rà soát của Tổ công tác này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định xóa bỏ 268 giấy phép con trên khoảng hơn 560 giấy phép con thời bấy giờ.

Đặc biệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người thúc đẩy ký kết Hiệp định song phương với Hoa Kỳ. Ông cũng là Thủ tướng đầu tiên sang thăm Hoa Kỳ và hội đàm với Tổng thống Mỹ Bush năm 2006. “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là Thủ tướng thực hiện cải cách thận trọng, tôi đánh giá cao phương pháp làm việc rất chuyên nghiệp của ông và đặc biệt là sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia", ông Lê Đăng Doanh cho  biết.

"Trong những người làm chuyên gia cố vấn như chúng tôi thời kỳ đó thì việc ủng hộ nhũng ý kiến tốt sẽ rất dễ, nhưng để "can" được thủ trưởng của mình bỏ đi những ý định sắp làm có thể xảy ra rủi ro là rất khó. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ của mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất lắng nghe ý kiến của cố vấn chuyên gia, cho thấy ông là người rất cầu thị”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, ở thời điểm đó nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng cấp Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và  bổ sung thêm các thành viên cũng như vai trò của Tổ tư vấn. Sau đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã nhiều lần giao cho Tổ tư vấn xem xét, chỉnh sửa các văn bản quan trọng. Thực tế, có nhiều văn bản sau khi Tổ tư vấn đưa ra quan điểm trình lên, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã lắng nghe những giải trình của tổ tư vấn và nhiều trường hợp ông đã bắt các bộ, ngành phải chỉnh sửa lại văn bản cho hợp lý.

“Tôi đánh giá cao bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đã để lại dấu ấn góp phần cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định”, ông Doanh nói.

tin tức liên quan