Thánh thần nào giúp giải hạn?
Nguồn:Báo Điện tử Lao Động
Cứ vào dịp rằm tháng Giêng, hàng vạn người dân lại đổ về các cơ sở thờ tự, chịu ngồi dưới lòng đường, vỉa hè, khấn vái và đốt cả đống vàng mã để mong xóa bỏ vận hạn, cầu may mắn, tài lộc... Vậy nhưng, thần thánh nào giúp giải hạn, khi công chức bỏ bê công việc để đi lễ, con người không sống và làm việc theo pháp luật mà trông chờ vào sự ban phát từ thế giới tâm linh?
Nhiều người không còn chỗ phải ngồi ở dải phân cách giữa cầu vượt, rồi vái vọng về phía chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Cường Ngô.
Những “điểm nóng” tâm linh
Từ nhiều ngày nay, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về Đền Bà Chúa Kho (Cỗ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) để “đốt tiền thật vay tiền ảo”, mong được làm “con nợ” bà Chúa. Mặc dù BTC đã khuyến cáo du khách hạn chế đốt vàng mã nhưng lò hóa vàng vẫn luôn đỏ rực lửa. Với quan niệm có vay có trả, cũng ngần ấy người, cứ cuối năm sẽ lại tấp nập đến, mang theo xe lớn, xe bé vàng mã để đốt, lễ tạ và cầu mong năm mới phát tài.
Dịp đầu năm mới, hàng nghìn ngôi chùa, cơ sở thờ tự trên khắp cả nước lại tấp nập người đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Hoạt động này đang diễn ra rầm rộ tại nhiều cơ sở thờ tự, có thu phí của người dân, ít thì vài chục hoặc vài trăm và lên đến tiền triệu cho mỗi lễ giải.
Trong bức tranh về đời sống tâm linh vô cùng phong phú của người dân Việt bắt đầu từ những ngày đầu năm mới, khi những đoàn cán bộ, công chức bỏ cơ quan đi lễ, khấn vái trong giờ hành chính là minh chứng sống động nhất cho chuyện “Không tu thân, thần Phật nào giải được hạn”.
Thế nên mới có chuyện, đoàn cán bộ của Kho bạc Nhà nước Nam Định và cán bộ Điện lực Bình Lục, tỉnh Hà Nam đi lễ trong giờ hành chính, sau khi Thủ tướng đã có chỉ đạo cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ làm việc, để rồi, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng phải có yêu cầu Kho bạc Nhà nước thực hiện kỷ luật nghiêm đối với các cán bộ, công chức vi phạm.
“Xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Hạn do con người tạo ra và chẳng thần Phật nào giải được hạn” - Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chia sẻ trước việc người người đi cúng sao giải hạn, chen chân mang lễ vật, vàng mã đi lễ thánh thần.
Thượng tọa cũng cho rằng, trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ đều có những thời khắc, sự kiện thuận và không thuận, thích hợp và chưa thích hợp. Nó là 1 quy luật rất tự nhiên. Cách tốt nhất tránh hạn cho mình là con người hãy sống hướng thiện, sống và làm việc theo pháp luật.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật QG Việt Nam - cho biết, các cơ quan nhà nước cần có sự thống nhất trong cách xác định ở mức độ nào là tín ngưỡng và ở mức độ nào sẽ trở thành mê tín dị đoan. Những quan niệm không rạch ròi sẽ khiến cho công tác thanh tra, quản lý của ngành văn hóa khó thực thi được nhiệm vụ. Điều này cũng là kẽ hở để cho những người lợi dụng vỏ bọc văn hóa tâm linh để trục lợi.
Văn hóa tâm linh đang bị “biến tướng”
Không thể phủ nhận đời sống văn hóa tâm linh của người Việt vô cùng phong phú và sinh động. Nó thể hiện ở việc mỗi năm, cả nước có hơn 8.000 lễ hội được diễn ra. Hơn thế mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi dòng họ lại có những phong tục tập quán, những quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh, kéo theo những nghi thức thực hành tâm linh khác nhau.
TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - cho rằng, từ lâu đã có hiện tượng “trục lợi” từ văn hóa tâm linh, lợi dung yếu tố tâm linh để kiếm tiền, khiến cho nhiều phong tục, lễ hội, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc đang dần bị “biến tướng”.
“Tục đốt vàng mã khi mới ra đời rất tiến bộ, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, đặc biệt là viêc thay thế cho nghi lễ hiến sinh bằng người thật từ thời cổ xưa. Nhưng theo thời gian, nó bị biến tướng trở thành phương tiện để con người xin xỏ tài lộc từ thánh thần. Cúng sao giải hạn phần nào đó giúp con người được an yên trong tâm hồn nhưng ngày nay đã bị lợi dụng để biến thành những dịch vụ cung ứng nhu cầu tâm linh”- TS. Trần Hữu Sơn phân tích.
Còn theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, nếu cúng sao mà giải được hạn thì chắc chắn không ai gặp nạn và thừa nhận đang có tình trạng nhà chùa thu tiền để cúng sao giải hạn cho dân, dẫn tới biến tướng và thương mại hóa.
Thế nhưng, cách nào để ngăn chặn hiện tượng trục lợi từ văn hóa tâm linh - câu hỏi mỗi mùa lễ hội lại được “nâng lên đặt xuống” mà vẫn chưa có giải pháp căn cơ từ các cấp quản lý ngõ hầu trả lại vẻ đẹp cho văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.
TS. Xã hội học Phạm Thị Thúy: “Người dân sẽ bỏ được thói quen đốt vàng mã vài năm tới”
“Tôi hoàn toàn ủng hộ công văn của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các chư tôn đức tăng ni bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Từ lâu nay, tôi vẫn khuyên người thân không nên mua vàng mã về đốt cho người đã khuất. Đấy là 1 tập tục mê tín, không đúng với tinh thần Phật giáo là con người phải dựa vào chính bản thân mình để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống và trưởng thành chứ không phải dựa dẫm vào thần linh, những người đã khuất. Nhiều người cho rằng, tục lệ này khó bỏ nhưng tôi tin là một khi các thầy chùa, tăng ni đồng tình và khuyến khích thì phật tử sẽ làm theo. Có thể chưa bỏ ngay được nhưng 2 - 3 năm tới thì người dân sẽ không còn thói quen đốt vàng mã. Dĩ nhiên, sẽ có những thế lực tìm cách chống lại sự thay đổi này vì quyền lợi của họ nhưng cùng với thời gian, sự tăng cường tuyên truyền về mặt nhận thức của chính quyền và truyền thông, tôi tin rằng tình hình sẽ chuyển biến”.