Ông từng được nhà nước phong hàm trung tướng từ năm 1959 (khi quân đội mới chỉ có 5 vị trung tướng). Ông nguyên là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư cùng các chức vụ khác ngày đó như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng). Thế nhưng phải hơn 8 năm sau với bao oan trái ập đến với mình, việc của ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và được phục hồi chức vụ khi tuổi đã 59 (tháng 10.1977).

Những tưởng tướng Vịnh sẽ tiếp tục được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nhưng không may, ông lâm bệnh và sau đó gần một năm ông đã mất đột ngột khi đang được T.Ư cho đi chữa bệnh ở nước ngoài trước khi nhận nhiệm vụ mới.

Tướng Nguyễn Văn Vịnh sinh ngày 2.2.1918 tại vùng quê Nam Trực, Nam Định, mảnh đất sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, tao nhân mặc khách. Đến đầu xuân này, cũng là dịp ông tròn 100 năm sinh. Những đóng góp đặc biệt của ông trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như nỗi oan nghiệt mà vị tướng tài ba, đức độ phải chịu đựng thì quá ít người biết. Phải đến năm 2003, một nhóm bạn bè là các tướng lĩnh trong quân đội và cán bộ cao cấp hoạt động cùng thời với tướng Vịnh cùng với phu nhân của ông, bác sĩ Trương Thị Châu đã cho ra cuốn sách dày 400 trang viết về ông mang tên Tướng Nguyễn Văn Vịnh, như anh còn sống (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2003) thì cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú trên nhiều lĩnh vực, con người nhân nghĩa của ông mới được đông đảo công chúng biết đến. Tuy nhiên, cuốn sách cũng không hề đề cập một dòng nào đến chuyện quá khứ với nỗi đau của ông nên người ta cũng không biết nguyên nhân ông bị oan là do đâu.

Luôn gắn bó với miền Nam yêu quý

Tướng Vịnh sinh trưởng trong một gia đình nghèo, cha mất sớm nhưng mẹ ông vẫn tần tảo nuôi con ăn học. Khi người thanh niên có ý chí lớn ấy gặp được người của cách mạng giác ngộ, ông đã chọn ngay cho mình con đường sẽ đi bất chấp hiểm nguy, xả thân cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Những người bạn chiến đấu năm xưa của tướng Vịnh đã kể lại trong cuốn sách viết về ông, thật súc tích và thấm đượm tình đồng đội qua hai cuộc kháng chiến.

Trong những năm đầu hoạt động cách mạng, ông bị Pháp bắt và bị đày ra Côn Đảo. Ông được cách mạng đón về cùng đợt với các đồng chí của mình như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng và các bạn tù chính trị khác.

Ông Nguyễn Văn Vịnh thời kỳ hoạt động cách mạng ở Nam bộ - ẢNH: T.L

Tháng 8.1948, Đảng tổ chức lại lực lượng kháng chiến ở Nam bộ, thành lập ra Khu 8. Ông được chỉ định làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 8, đồng thời là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ (Bí thư Xứ ủy thời gian đó là ông Lê Duẩn).

Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chính trị viên kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng, hồi tưởng: "Tôi nhiều lần được dự Đại hội Quân chính Khu 8, được nghe những lời phát biểu của anh Vịnh và qua những lần trực tiếp gặp anh, làm việc, tôi học tập được ở anh nhiều điều hay. Anh là người Chính ủy khu được cán bộ cấp dưới và bộ đội kính trọng, yêu mến vì anh có trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về cách mạng giải phóng dân tộc, về chủ trương đường lối kháng chiến. Thái độ anh bao giờ cũng ôn tồn, nhã nhặn khi tiếp xúc với cấp dưới, lời lẽ có lý có tình, phân tích rõ ràng nên thuyết phục người nghe. Tình cảm gắn bó chân tình với mọi người".

Thành tích của Khu 8 trong nhiều năm chống Pháp là công lao của cả vạn cán bộ chiến sĩ vùng Đồng Tháp Mười. Song không thể không nhắc đến vai trò to lớn của các vị Tư lệnh Trần Văn Trà cũng như Chính ủy Nguyễn Văn Vịnh.

Ông Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, người từng giữ trọng trách Phó bí thư Xứ ủy Nam bộ, đã từng nhận xét với người bí thư (chức danh như trợ lý bây giờ) của mình là ông Dương Đình Thảo (sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM) rằng: "Anh Trà, anh Vịnh có công rất lớn trong lãnh đạo và xây dựng Khu 8 phát triển toàn diện và rất tốt. Vịnh với mình biết nhau từ hồi còn ở nhà tù Côn Đảo. Vịnh là cây văn nghệ tài lắm đấy!".

Thời gian từ 1952 - 1954, ông Vịnh được điều lên làm Phó tư lệnh, Thường vụ Phân khu ủy Phân liên khu Miền Đông, dưới quyền của Chính ủy Phạm Hùng (sau là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng). Đây cũng là giai đoạn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đang làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phân liên khu dưới quyền ông Vịnh.

Nhắc đến những chi tiết này để muốn mọi người hiểu rõ thêm, tướng Vịnh là một người chỉ huy có cả một bề dày cống hiến cùng thời với nhiều vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước sau này.

Kỳ 2:

Trước đó, vào một buổi tối của mùa hè năm 1967, lúc đại tướng Nguyễn Chí Thanh sắp quay lại miền Nam, ông đã gặp tướng Vịnh nói chuyện, giao nhiệm vụ cho tướng Vịnh ở lại làm nốt những việc còn lại rồi sẽ vào chiến trường sau mình ít ngày. Không ngờ ngay sau vài giờ của đêm ấy, vị đại tướng đột ngột đau tim và đã ra đi mãi mãi.

Khoảng gần tháng sau đó, tướng Vịnh đã được cử vào Nam để truyền đạt tại chỗ những đánh giá tình hình và chủ trương mới của T.Ư về kế hoạch có tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Chính ông Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư T.Ư Cục, đã đề nghị tướng Vịnh ở lại cùng tham gia chỉ đạo công tác chiến trường, bản thân tướng Vịnh với khát vọng giải phóng miền đất thân thương mà ông từng gắn bó cũng muốn vậy, nhưng nguyện vọng của các ông đã không được chấp nhận. Ông trở về Hà Nội với những công việc nặng nề đang chờ.

Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tai họa ập đến mà chính ông cũng không hiểu tại sao lại vậy. Ông bị nghi là người tham gia trong nhóm xét lại chống Đảng. Sau hơn 4 năm bị tạm đình chỉ công tác, điều tra, năm 1972, ông bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, ra khỏi Ban Chấp hành T.Ư khóa 3 và tước hết mọi chức vụ đang nắm cùng các huân huy chương. Cuộc đời của vị tướng tài trí, nhân nghĩa đầy nhiệt huyết cống hiến và dày dạn kinh nghiệm ở tuổi 50 bước sang một giai đoạn nghiệt ngã, "một cuộc chiến đấu mới, thầm lặng".

Bản thân ông cũng đâu có thể ngờ cuộc đời oan trái của ông đã phải mất gần 3.000 ngày kiên trì tự bảo vệ mình đầy kiên định mà vẫn không tuyệt vọng, bất mãn với chế độ. Ông có một lòng tin vào lẽ phải, vào sự lãnh đạo Đảng, rồi sẽ có ngày mình được minh oan do đã có sự báo cáo sai về mình khiến các đồng chí của ông đau buồn nhưng rất khó bảo vệ.

Tờ quyết định của ông Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị kết luận năm 1977 về những vấn đề có liên quan đến kỷ luật trước đây của ông chỉ với trên chục dòng ngắn gọn, ghi rằng ông "được phục chức" (tuy nhiên cấp bậc không còn là trung tướng mà xuống thiếu tướng) và trả lại ông các tấm huân huy chương vì không liên quan gì đến nhóm xét lại, chống Đảng ngày ấy. Và phải 40 năm sau (2007), Chủ tịch nước có quyết định truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất. Điều đó càng cho thấy ông là một con người rất đáng nể trọng: khiêm nhường, không oán trách ai, tự vượt qua số phận nghiệt ngã, tự minh oan cho mình và tôn trọng phán quyết của cấp trên trong nỗi niềm chờ đợi cay đắng, nghiệt ngã, kể cả lúc gần như tuyệt vọng...

Tuy nhiên, việc ông được minh oan cũng lại không công khai cho nhiều người biết mà cứ âm thầm cho đến nay. Sau 50 năm, nó vẫn chưa được giải mã để người dân hiểu thêm về con người ông, nhân cách đáng kính ở ông...

Luôn đau đáu với vận mệnh đất nước

Với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam giai đoạn những năm 1960 - 1968, ông được xem như "cánh tay phải" của cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư... ông có vai trò không nhỏ trong xây dựng Nghị quyết 15 lịch sử (1959) - về phương pháp cách mạng thích hợp cho miền Nam. Ông cũng đã đề xuất với T.Ư việc chuẩn bị đàm phán hòa bình, kết hợp vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh. Trực tiếp tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chiến dịch lớn trong suốt thời kỳ dài của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, trong đó có kế hoạch Mậu Thân 1968 mà ông là người thay mặt Quân ủy vào Nam truyền đạt kế hoạch thay đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất đột ngột.

Tướng Vịnh từng được giới quân sự phương Tây đánh giá vai trò, trọng trách vào năm 1969 rằng: "Người ta cũng biết ở Hà Nội, người chịu trách nhiệm điều hành (le responsable "opérationel") các vụ xâm nhập, tăng viện cho phía nam là tướng Nguyễn Văn Vịnh, người chủ trì một ủy ban chuyên trách cấp nhà nước" (trích Hai cuộc chiến tranh của Việt Nam, G.Chaffard, NXB Bàn tròn, 1969, trang 433).

Có lẽ rất ít người biết, ông chính là người trực tiếp mời thiếu tướng Võ Bẩm để gợi ý tiếp với vị tư lệnh Binh đoàn vận tải Trường Sơn nên mở thêm tuyến vận tải trên biển đầy thông minh nhưng cũng đầy mạo hiểm mà ít ai có thể ngờ nhất.
Tướng Vịnh dưới con mắt của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người "tham mưu đắc lực giúp Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư theo dõi và chỉ đạo cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn thử thách. Anh là người đầu tiên đề nghị với T.Ư mở đường chiến lược Trường Sơn và đường biển chi viện cho miền Nam...."; "anh là một nhà lãnh đạo có đức có tài, trung thành, tận tụy, nhân hậu, nghĩa tình, một vị tướng trí, nhân, nghĩa, tín, liêm, trung..." (trích sách Tướng Nguyễn Văn Vịnh, như anh còn sống).

Ông Vịnh với ông Lê Duẩn rất gần gũi nhau trong chiến tranh. Ông Đống Ngạc, trợ lý Tổng bí thư Lê Duẩn, thừa nhận: “Anh Vịnh là người được Bộ Chính trị và anh Ba Duẩn tin cậy. Các văn kiện của Bộ Chính trị, T.Ư về miền Nam giai đoạn 1959 - 1968 nhiều thứ do anh Vịnh chuẩn bị. Anh Vịnh còn tham gia một phần bức thư anh Ba Duẩn gửi T.Ư Cục miền Nam...".

Tướng Nguyễn Văn Vịnh cho đến trước ngày được minh oan, phục hồi chức vụ và danh dự (tháng 10.1977) luôn đau đáu với vận mệnh đất nước. Năm 1975, khi quân ta tiến đánh Buôn Ma Thuột mở đầu cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, tướng Vịnh vẫn trong cảnh" ngồi chơi xơi nước". Vậy mà ông vẫn nhiệt huyết với Đảng và vận mệnh dân tộc. Ông thường trải tấm bản đồ quân sự miền Nam mà ông còn giữ ngày nào như báu vật lên sàn nhà, cắt bìa các mũi tên ghim vào để theo dõi từng bước tiến công của đồng chí, đồng đội ngoài chiến trường. Ông suy nghĩ rồi tự tìm các phương án tấn công cứ như cái nghiệp đã vận vào ông cả đời ấy. Ông trao đổi cùng những chiến hữu cực thân thiết, vốn rất tin ông và đang đương chức cùng tham khảo quan điểm của mình.

Năm 1968, tình hình chính trị trong nước và quốc tế khá phức tạp . Nội bộ các đảng cộng sản anh em có một số rạn nứt. Trong nội bộ Đảng ta khi đó có một số cán bộ cao cấp có quan điểm hơi khác nên bị quy kết là "phần tử xét lại chống Đảng". Nhà tướng Vịnh khi ấy ở phố Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội) ở gần nhà thiếu tướng Đặng Kim Giang, khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nên có qua lại nhau cũng là bình thường.

Lúc này, tổ chức đang nghi tướng Kim Giang nên đã đặt ống nhòm theo dõi từ xa (từ bên tòa nhà Ủy ban Thống nhất T.Ư, nơi tướng Vịnh làm thủ trưởng) và qua đó đã vô tình "phát hiện" ra 2 vị tướng này thỉnh thoảng có qua lại nhà nhau.

Mỗi khi tướng Vịnh từ miền Nam ra Hà Nội, ông Kim Giang thường ghé qua thăm và hỏi chuyện tình hình chiến trường. Tuy không hoàn toàn là trao đổi công tác, nhưng khi ông Giang bị điều tra đã khai rằng những thông tin quân sự về tình hình miền Nam là ông lấy từ trung tướng Nguyễn Văn Vịnh ...

Lúc tổ công tác đặc biệt của Bộ Chính trị truy vấn tướng Vịnh, ông rất bất ngờ và nói thẳng: “Tôi là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Thường trực Quân ủy. Anh Giang là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, người lo cung cấp hậu cần đánh Mỹ thì chuyện chúng tôi qua nhà nhau, nói chuyện có gì không bình thường? Nhất là tôi đâu được ai thông báo anh Kim Giang thế này, thế kia để mà cẩn trọng khi trao đổi”.


                                              Quốc Phong - Huy Anh (báo Thanh Niên)