Day dứt của Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm sớm, nhận lỗi trước nhân dân
Day dứt của Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm sớm, nhận lỗi trước nhân dân
Nguồn:Báo Điện tử Dân trí
Trả lời chất vấn trước Quốc hội lần cuối cùng vào tháng 6/2006, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ nhiều day dứt về nhiều lĩnh vực điều hành như những tồn tại của bộ máy công quyền, tệ tham nhũng tiêu cực... Nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, ông xin từ nhiệm sớm...
Ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên thực hiện việc trả lời chất vấn trước Quốc hội
Phần phát biểu sau cùng trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải dốc tâm sự, bày tỏ trăn trở về những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt. Đó là những điều gan ruột rút ra từ trải nghiệm của 15 năm tham gia điều hành Chính phủ (6 năm làm Phó Thủ tướng, 9 năm làm Thủ tướng) với mong muốn có thể giúp ích cho công việc chung của Nhà nước, Chính phủ của người kế nhiệm.
Về vấn đề bộ máy, người đứng đầu Chính phủ khi đó nhiều lần nhấn mạnh yếu tố con người trong quá trình phát triển. Ông thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ dưới thời mình, sự phát huy nguồn lực, tiềm lực con người còn thấp so với khả năng và yêu cầu. Điều đó thể hiện rõ trong việc xây dựng đội ngũ lao động tay nghề, đội ngũ doanh nhân, cán bộ nghiên cứu khoa học công nghệ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức trong bộ máy Nhà nước. Đây là nguyên nhân quan trọng kìm hãm bước tiến về kinh tế xã hội, khiến cho Việt Nam chậm thu hẹp những thua kém về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực.
Công tác cán bộ chậm đổi mới, theo đó, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác lãnh đạo. Thủ tướng Phan Văn Khải quả quyết, đất nước không thiếu những con người tài năng và tâm huyết nhưng thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
Từ vị trí lãnh đạo cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước, ông chỉ rõ, người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, sắp xếp công việc dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự căn cứ vào kết quả công việc, tạo môi trường thuận lợi dẫn đến kẽ hở cho nạn chạy chức.
Vấn đề sử dụng con người đi liền với quá trình cải cách hành chính. Theo ông Khải, sau hơn 10 năm thực hiện cải cách hành chính, hiệu quả đạt được chưa thực chất, nhiều công chức vẫn chưa nhìn nhận mình là công bộc của nhân dân. Thủ tướng cho rằng, Chính phủ, từng Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Vấn đề nào có thể công khai minh bạch thì cần công khai, minh bạch, phải phát huy trí tuệ của dân vào công việc hoạch định chủ trương, chính sách.
Thực tế, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, mở ra thông lệ cho hoạt động này tại nghị trường Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng do người kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trao tặng năm 2014.
Trước Quốc hội, tại lần đăng đàn sau cùng này, ông nhận trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước. Thủ tướng nói: “Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi. Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là uỷ viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe doạ tồn vong chế độ”.
Nỗi day dứt khác Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ trước Quốc ội là về tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Ông xác định: “Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn phát hiện được sớm các vụ nghiêm trọng kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội”.
Phát biểu lần cuối trước Quốc hội với cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông bày tỏ kỳ vọng người kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những thành công mà cả những khiếm khuyết, thiếu sót của cá nhân mình và Chính phủ trong thời gian qua.
Kết thúc phần phát biểu, ông thông tin: “Tôi chính thức xin từ nhiệm sớm một năm để chuyển giao chức vụ cho một ủy viên Bộ Chính trị khác”.
Giữ mãi ấn tượng về tâm tư của vị Thủ tướng khi đó, một đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn là ông Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) khẳng định, việc ông Phan Văn Khải “xin nghỉ sớm” thể hiện nét văn hóa rất tốt đẹp, tính nhân văn của người cán bộ cách mạng khi thấy việc nghỉ có lợi cho nước, cho dân thì phải làm ngay.
Việc làm của Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó, nhiều người đánh giá là bài học cho tất cả các cán bộ khác không nên tham quyền, cố vị mà khi thấy không còn đủ sức khỏe, năng lực, cần nhường lại cho lớp trẻ lên thì nên nghỉ. Quyết định của ông để lại tiếng thơm, là bài học quý giá mãi cho đến tận bây giờ và cả về sau này.