Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bây giờ, chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi”

Ngày đăng: 08:24 20/03/2018 Lượt xem: 506


Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bây giờ, chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi”

                                                             Nguồn:Báo Điện tử


“Hôm lên chuyên cơ đi New Zealand, tôi có hỏi ông Phan Văn Khải: “Tình hình BTA thế nào hả chú?”, ông thở dài và nói: “Bây giờ, tao chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi.”


Những câu chuyện làm giàu thêm cảm xúc


LTS: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Đặc phái viên Thủ tướng về UNESCO Đại sứ Phạm Sanh Châu từng là phiên dịch cho cả chục lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, trong đó có nguyên Thủ tướng Pham Văn Khải. Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ những kỷ niệm với ông Phan Văn Khải.


Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ông Phan Văn Khải và ông Bill Clinton ở Auckland

Hiệp định BTA,thủ tướng Phan Văn Khải,Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam,Việt - Mỹ
Chụp tại Dạ yến của APEC Auckland, New Zealand năm 1999. 

Ông có viết trên Facebook về việc lần đầu tiên nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc tiếp xúc chính thức với cựu Tổng thống Bill Clinton tại APEC Auckland (New Zealand) năm 1999. Xin ông kể lại bối cảnh cuộc gặp đó.

Việt Nam mới tham gia APEC, vì vậy đến năm 1999 lần đầu tiên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tham dự diễn đàn này.

Trong buổi Dạ yến chào mừng các thành viên, vào ngày 13/9, phía chủ nhà New Zealand xếp các thành viên ngồi trên bàn tiệc theo bảng chữ cái, và, vì vậy, trưởng đoàn Mỹ (chữ U) Tổng thống Clinton ngồi cạnh trưởng đoàn Việt Nam (chữ V) Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tôi được bố trí ngồi cạnh hai ông để phiên dịch cho họ.

Hai người có nói chuyện được nhiều không?

Buổi Dạ yến đó kéo dài 3 tiếng, và họ dành thời gian nói chuyện với nhau cũng khá nhiều. Tôi còn nhớ sau đó tôi đã gửi bản báo cáo về nội dung cuộc tiếp xúc đó cho Bộ Chính trị, bản báo cáo dài tới 16 trang.

Họ có nói gì về BTA (Hiệp định Thương mại Song phương) không?

Làm gì có. Cả hai bên đều tránh, bởi khi sang đến Auckland họ đã biết là việc ký hiệp định này sẽ chưa thực hiện được.

Việt Nam và Mỹ đã chuẩn bị xong dự thảo BTA và dự định sẽ ký ở Auckland. Nhưng đến phút chót, trong nội bộ cấp cao Việt Nam lại nảy sinh vấn đề, chưa thống nhất vì muốn Mỹ làm rõ thêm một số điểm trong dự thảo BTA.

Tôi có biết chuyện đó, khi phỏng vấn cả hai trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam và Mỹ là Nguyễn Đình Lương và Joe Damond. Vấn đề hoãn ký ở Auckland đã nảy sinh sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Lê Khả Phiêu với Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright.

Thế hả? Thế tôi không phải giải thích thêm nữa. Chỉ biết, trong quá trình này, Thủ tướng Phan Văn Khải là người thúc đẩy vấn đề này rất mạnh trong nội bộ Việt Nam.

Hôm lên chuyên cơ đi New Zealand, tôi có hỏi Thủ tướng: “Tình hình BTA thế nào hả chú?” Ông thở dài và nói: “Bây giờ, tao chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi.”

Ông mong đợi Bác Hồ phù hộ y như cầu Trời vậy.

Nhưng chuyện ký không thành công đó lại làm cho câu chuyện của Thủ tướng Phan Văn Khải Khải và Tổng thống Clinton càng thêm giàu cảm xúc.

Ông Phan Văn Khải đã rất nỗ lực để ký BTA, nhưng vì chuyện này chuyện nọ mà lúc đó không ký được.

Ông Clinton chính là người đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở nhiệm kỳ đầu (1995), và mang sứ mệnh phải kết thúc tiến trình này bằng việc bình thường hóa quan hệ kinh tế thông qua BTA ở nhiệm kỳ cuối cùng. Hơn nữa, ký BTA bên lề APEC, trước sự chứng kiến của các nguyên thủ các nền kinh tế khác, càng có thêm ý nghĩa về chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ.

Chính sự thất bại đó khiến cho câu chuyện giữa hai người lại càng phải bám vào quá khứ, qua câu chuyện về một người bạn của ông Clinton.  Tổng thống Clinton đã chia sẻ với Thủ tướng Phan Văn Khải bức thư của một người bạn gửi từ Việt Nam năm 1968, thông báo sẽ trở về nhà trong 2 tuần sau khi kết thúc tham chiến.

“Nhưng người bạn thân của tôi đã không bao giờ trở về”. Tổng thống Clinton nói trong nước mắt.

Ông Clinton vốn là người trốn quân dịch, vì phản đối chiến tranh Việt Nam, và ở nước Mỹ lúc đó là vấn đề hết sức nhạy cảm.

“Câu chuyện của người bạn là yếu tố cá nhân giúp tôi thay đổi cách nhìn về Việt Nam, và góp phần thôi thúc tôi hơn trong quyết định hàn gắn và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam”, ông Clinton nói tiếp.

Sau khi nghe xong câu chuyện, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp lời, mời Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam. “Đó là nỗi đau chiến tranh, tôi mời ông sang Việt Nam để hiểu chúng tôi hơn và cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, ông Phan Văn Khải nói một cách thân tình.

(Đúng một năm sau, ngày 17/11/2000, Tổng thống Clinton đã có chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, ghi dấu ấn vào lịch sử là vị tổng thống đầu tiên của Hoa kỳ đến Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải đi vào lịch sử là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc chính thức với Tổng thống Hoa kỳ và mời ông đến Việt Nam- PV)

Sau đó, câu chuyện của hai người cứ nhẹ nhàng và thoải mái trôi đi. Họ nói với nhau rất nhiều vấn đề, trong đó có chia sẻ về gia đình.

Và đây là lần đầu tiên, và duy nhất, ông Phan Văn Khải tiếp xúc với nguyên thủ nước ngoài mà không hề có chuẩn bị trước khi nói về cá nhân và gia đình, và nói hết sức
thoải mái.

Bức ảnh tôi cho anh xem là do ông Phan Văn Khải, ông Clinton và mấy người ở bàn xung quanh cùng đứng lên chụp, để kỷ niệm buổi nói chuyện thú vị. Sau đó, chính Tổng thống Bill Clinton đã gửi tặng tôi bức ảnh này, với lời chúc và chữ ký của ông.

Thế ông có dịch cho các cuộc gặp của ông Clinton với các lãnh đạo Việt Nam, nhất là Thủ tướng Phan Văn Khải, không?

Không, bởi cuối năm 1999 tôi được cử đi làm Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris (Pháp). Lúc đó, trong Bộ Ngoại giao có ý kiến đề xuất mời tôi về để dịch, nhưng tôi thấy mình đang làm Đại sứ về nước dịch không tiện. Sau đó, họ mời ông Lương Văn Lý ở Sở Ngoại vụ TP HCM ra Hà Nội.

Hiệp định BTA,thủ tướng Phan Văn Khải,Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam,Việt - Mỹ
Đại sứ Phạm Sanh Châu với Thủ tướng Phan Văn Khải và Phu nhân.
 

Ông có nói rằng tại cuộc gặp tại Auckland lần đầu tiên ông Phan Văn Khải nói mà không hề được chuẩn bị trước và nói rất thoải mái. Có phải ý ông định nói là Thủ tướng Phan Văn Khải có thói quen nói theo những gì đã chuẩn bị trước?

Đúng vậy. Trong các cuộc tiếp xúc, hay phát biểu với nước ngoài, Thủ tướng Phan Văn Khải là  một con người có ý thức kỷ luật, luôn phát biểu dựa trên những ý kiến đã được thông qua.

Lần đầu tiên ông Khải nổi cáu khi tiếp xúc với nguyên thủ nước ngoài

Các chuyên gia kinh tế đều nhận xét rằng Thủ tướng Phan Văn Khải, trong hai nhiệm kỳ của mình, nổi tiếng với việc thúc đẩy Luật Doanh nghiệp, bãi bỏ các giấy phép con và người khởi xướng các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển thần tốc của khu vực kinh tế tư nhân.

Thế trong lĩnh vực đối ngoại, vai trò của ông Phan Văn Khải như thế nào?

Thủ tướng Phan Văn Khải, như tôi đã nói, là người ôn hòa và kỷ luật trong phát ngôn, nhưng có những lần xảy ra tranh cãi với nước ngoài, tôi thấy ông cũng mạnh mẽ lắm. Tôi xin kể một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong những năm tháng đi dịch cho ông.

Đó là tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 6 tại Hà Nội, năm 1998. Lúc đó, vấn đề gai góc nhất đặt ra tại hội nghị là có kết nạp Campuchia làm thành viên thứ mười của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Và tôi đã chứng kiến nỗ lực đấu tranh không biết mệt mỏi của Thủ tướng Phan Văn Khải đối với một số lãnh đạo ASEAN phản đối việc kết nạp Campuchia.

Một trong những lý do họ đưa ra là năm 1997 tại Campuchia đã có cuộc đảo chính của phe Thủ tướng thứ hai Hunxen đối với phe của Thủ tướng thứ nhất Hoàng thân Ranariddh, khiến ông Hoàng thân này phải lưu vong. Trong khi đó, Việt Nam xác định mục tiêu phải kết nạp được Campuchia khi mình đăng cai, chứ để lại sau đó khi nước khác đăng cai thì rất khó.

Ở cấp bộ trưởng ngoại giao, ông Nguyễn Mạnh Cầm, và đồng hành cùng ông là ông Ali Alatas của Indonesia, đã hết sức nỗ lực thuyết phục các bộ trưởng khác, đến quá nửa đêm ở Khách sạn Horizon, nhưng đã thất bại. Vấn đề này phải đưa lên cấp thủ tướng quyết định.

Thủ tướng Phan Văn Khải nói việc đó cứ để ông làm. Ông đi thuyết phục và đấu tranh với từng lãnh đạo thành viên ASEAN. Tôi còn nhớ, trước khi gặp Thủ tướng Chuan Leepai của Thái Lan, ông đã nói với tôi khi dịch phải cố gắng chuyển tải được ý của ông là “hằm mặt xuống”.

Sau khi ông Chuan Leepai nêu ra những lý do phản đối kết nạp Campuchia, ông Phan Văn Khải tự nhiên hằm mặt xuống, và đôi lông mày rậm của ông cũng cụp xuống, rồi ông lập luận rất nhiều với cái giọng đầy căng thẳng.

Thế ông đã thể hiện động tác “hằm mặt xuống” như thế nào?

Tôi chỉ biết thể hiện trong lời dịch bằng ngữ điệu cao giọng lên, và vẻ mặt căng thẳng, chứ làm sao mà “hằm mặt xuống và cụp lông mày” như ông được.

Gặp lần đầu không thuyết phục được, ông Phan Văn Khải lại gặp lần thứ hai, lần thứ ba. Hết dữ dội đấu tranh lại chuyển sang mềm dẻo thuyết phục, cho tới khi lãnh đạo 3 nước trên đồng ý.

(Campuchia được các lãnh đạo ASEAN thống nhất kết nạp vào hiệp hội tại Thượng đỉnh ASEAN 6 tại Hà Nội, nhưng họ cũng tuyên bố lễ kết nạp chính thức sẽ diễn ra tại Hội nghị Ngoại trưởng vào năm sau đó- PV)

Lần đầu tiên, và cũng là duy nhất, trong những năm tháng dịch cho Thủ tướng Phan Văn Khải với lãnh đạo nước ngoài tôi thấy ông cáu như vậy. 

Ông Sáu Khải thích chơi bài

Ông làm phiên dịch cho ông Phan Văn Khải từ khi nào?

Từ khi ông Khải còn làm Phó Thủ tướng, năm 1991. Tôi thực sự trở nên thân thiết với ông từ năm 1997, khi ông thay ông Võ Văn Kiệt là Thủ tướng. Sau khi đi đại sứ ở UNESCO về năm 2003, tôi không trực tiếp đi dịch cho ông nữa, nhưng vẫn gắn bó với ông trên những cương vị khác.

Ấn tượng của ông về ông Phan Văn Khải thế nào?

Tôi đã là phiên dịch cho mười lãnh đạo cấp cao của Việt nam, và mỗi người có một tính cách khác nhau. Tôi thấy ông Phan Văn Khải không chính trị lắm. Ông là một vị Thủ tướng kỹ trị thì đúng hơn.

Ông có thể giải thích rõ hơn.

Là nhà kinh tế, ông Phan Văn Khải chỉ quan tâm đến những công việc chuyên môn, và phong cách làm việc của ông thẳng thắn. Ông chỉ biết nỗ lực hết mình, chứ không biết lèo lái, xoay xở, hay vận động sự ủng hộ trong nội bộ về một mục tiêu đặt ra.

Như tôi đã nói, từ 2003 trở đi tôi tiếp xúc với ông Sáu Khải không với tư cách phiên dịch mà với tư cách gia đình, đến ăn cơm, chơi cầu long… Ông Sáu Khải và gia đình thường dung bưã chung với những người phục vụ và bảo vệ. Ông cũng có thú vui là rỗi rãi lại rủ nhau chơi bài.

Chắc khi ông chơi bài luôn có phóng viên VTV Kinh Quốc (sau này là Người Phát ngôn của Thủ tướng)?

(Cười) Đúng thế. Nhưng sao anh biết?

Nhưng việc chính trong mấy năm đó là tôi dạy tiếng Anh cho ông Sáu Khải. (Có 2 nhà lãnh đạo mà cuối đời lại quyết định đi học tiếng Anh là ông Phan Văn Khải và Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn.) Cứ ăn tối xong đến 7 rưỡi là ngồi vào bàn học, theo chương trình New Concept.

Xin cám ơn ông Phạm Sanh Châu đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

tin tức liên quan