Chống tham nhũng: Nhụt ý chí không đáng sợ bằng mất niềm tin
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
“Hành vi tham nhũng chính là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn làm cản trở sự phát triển, nó tạo sự bất công giữa người làm việc chính trực với những người chỉ lo vun vén cá nhân. Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) chính là loại bỏ những bệnh tật trong cơ thể, như vậy sẽ tạo cho cơ thể khỏe mạnh hơn để phát triển, đó là vấn đề biện chứng”, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã nói như vậy khi trao đổi với Dân Việt.
TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ - ảnh IT)
Chống tham nhũng, cái khó nhất là đụng chạm
Thưa ông, việc chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước đang làm quyết liệt hiện nay mà vẫn có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí, không ai muốn làm”, suy nghĩ như vậy dường như là sự bao biện ông nghĩ sao?
- Có thể nói thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng và Nhà nước thực hiện với quyết tâm rất cao, điều đó thể hiện qua nhiều vụ việc, vụ án được phát hiện và đưa ra xử lý, kể cả xử lý với cán bộ cấp cao khi họ vi phạm.
Điều đó dấy lên suy nghĩ trong một bộ phận khi tỏ ra lo ngại và cho rằng chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, khiến nhiều người không dám mạnh dạn trong công việc. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, suy nghĩ đó sai, bởi cuộc đấu tranh PCTN chính là tạo động lực cho sự phát triển.
Hành vi tham nhũng chính là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn làm cản trở sự phát triển, đồng thời tạo sự bất công giữa người chính trực với những người chỉ lo vun vén cá nhân. Việc đấu tranh PCTN chính là loại bỏ những bệnh tật trong cơ thể, như vậy sẽ tạo cho cơ thể khỏe mạnh hơn để phát triển. Đó là vấn đề biện chứng.
Đương nhiên khi đấu tranh PCTN cái khó nhất là đụng chạm, ảnh hưởng tơi lợi ích của nhiều người, chính vì thế sẽ gặp phải sự chống đối, sự e dè, né tránh… Tất cả việc đó chúng ta phải chấp nhận, giống như uống thuốc chữa bệnh, việc uống thuốc đương nhiên sẽ gây tác dụng phụ, nhưng điều quan trọng là chữa được bệnh.
Giang Kim Đạt (áo hồng) và Trần Văn Liêm (giữa) bị tuyên án tử hình, Trần Văn Khương bị tuyên án chung thân trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra ở Vinashinlines.
Tổng Bí thư nhiều lần nói: Chống tham nhũng là công việc khó, phức tạp, phải làm từng bước, rất kiên quyết nhưng cũng rất thận trọng. Kể cả trong việc xử lý cán bộ, xử lý một người là để cứu muôn người, xử lý để cho những người khác đang có ý định lợi dụng thì thôi ý định, ai đã chót nhúng chàm thì phải gột rửa.
Việc PCTN được làm quyết liệt, sai phạm được chỉ ra để khắc phục sửa chữa, điều đó sẽ tạo được niềm tin lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân.
Nếu như chúng ta không làm kiên quyết dẫn tới tình trạng người tốt thì gặp khó khăn, trong khi những người có hành vi vi phạm lại không bị xử lý. Điều đó sẽ làm cho nhiều người chán nản, mất niềm tin, đó mới là điều đáng sợ.
Tránh giải quyết phần ngọn
Thời gian qua chúng ta đã xử lý được nhiều vụ án, kỷ luật nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao vì sai phạm, tiêu cực. Có ý kiến cho rằng, việc đó chỉ là giải quyết phần ngọn, ông thấy sao?
- Trong cuộc đấu tranh PCTN hiện nay điều chúng ta dễ nhận thấy là việc xét xử các vụ án, các vụ việc kỷ luật cán bộ vi phạm, nhưng đúng như ý kiến nhận xét, đó mới chỉ là xử lý phần ngọn.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ, trong PCTN, phòng ngừa là chính, là chủ yếu, là lâu dài, cơ bản. Cùng với việc xử lý nghiêm các vụ vi phạm cụ thể thì phải làm tốt công tác phòng ngừa, về mặt nhà nước chúng ta xây dựng thể chế để quản lý cho tốt hơn.
Khi cuộc sống của đội ngũ cán bộ công chức được đảm bảo, họ sẽ không bị thôi thúc bởi chuyện cơm – áo – gạo - tiền. Giống như một cơ thể khỏe mạnh sẽ được miễn dịch với bệnh tật, còn cơ thể yếu thì bệnh tật dễ xâm nhập.
|
Hiện nay Luật PCTN đang được sửa đổi, nội dung quan trọng là những giải pháp phòng ngừa chúng đang xem xét lại. Nói đến phòng ngừa, nhìn rộng ra cần có nhiều biện pháp như công khai minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, quản lý tài chính, sắp tới Hội nghị Trung ương 7 bàn về vấn đề cải cách tiền lương để đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng là biện pháp phòng ngừa.
Trong năm vừa qua Đảng ta đã ban hành nhiều quy định rất chặt chẽ và nghiêm khắc để tăng cường kiểm tra giám sát đảng viên từ đạo đức, tư cách lối sống, chống tham nhũng tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang được triển khai rộng khắp trên thực tế.
Rồi quy định 102 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có nhiều hình thức nghiêm khắc. Chẳng hạn có quy định người cán bộ khi làm việc có những vi phạm nghiêm trọng khi qua đời còn bị xem xét, làm rõ, điều đó thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy. Cùng với đó là những quy định liên quan đến quản lý tài chính, công tác cán bộ.
Tất cả những điều kể trên chính là biện pháp phòng ngừa, chúng ta đã có, đã và đang triển khai và tiếp tục bổ sung thêm.
Việc xử lý nghiêm cũng có tính răn đe, phòng ngừa, nhưng vấn đề gốc vẫn là phải phòng ngừa để không có tham nhũng và không phải xử lý cán bộ có hành vi tham nhũng.
Xét cho cùng khi đã phải xử lý cán bộ có hành vi tham nhũng thì đúng là chỉ giải quyết được phần ngọn, nói một cách đau xót chúng ta cũng bị mất cán bộ, mất tài sản.
|
Ví dụ những vụ án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, chúng ta xử lý được ông này, ông kia nhưng tài sản thu lại chẳng được bao nhiêu.
Chính vì thế cần phải nhấn mạnh làm tốt công tác phòng ngừa với cả hệ thống luật đồng bộ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tích cực của các cơ quan nhà nước, đặc biệt sự tham gia rất trách nhiệm và hiệu quả của người dân và xã hội sẽ tạo thành sức mạnh rất lớn.
Trên cơ sở đó, dần dần từng bước chúng ta sẽ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả.
Thời gian qua ở cấp Trung ương đã làm quyết liệt, nhưng ở địa phương vẫn “chưa nóng”, theo ông để tạo sự lan tỏa, đồng bộ điều gì là quan trọng nhất?
- Người Singapore có một phương châm rất hay, muốn chống được tham nhũng thì điều quan trọng nhất là chóp bu phải trong sạch, nghĩa là cấp trên phải noi gương.
Trên nóng dưới chưa nóng cũng là điều dễ hiểu, phải dần dần, có thời gian để lan tỏa. Hiện nay cấp Trung ương đã rất gương mẫu, làm quyết liệt, khi Trung ương như vậy thì dưới địa phương sẽ dần dần chuyển động và sẽ nóng dần lên.
Ở địa phương cũng phải bắt đầu từ người đứng đầu, không chỉ trong công tác PCNT mà trong mọi hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở đâu những người đứng đầu, cấp lãnh đạo mà gương mẫu, quyết liệt, liêm chính thì không có lý do cho cấp dưới làm bậy bạ, nếu có thì đó không phải kiểu tập đoàn, lợi ích nhóm chỉ có thể là nhỏ lẻ.
Hiện nay trong công tác quản lý, điều hành rất nhiều văn bản chúng ta luôn nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là những người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đòi hỏi phải gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm.
“Đương nhiên khi đấu tranh PCTN cái khó nhất là đụng chạm, ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều người chính vì thế sẽ gặp phải sự chống đối, sự e dè, né tránh… Tất cả việc đó chúng ta phải chấp nhận, giống như uống thuốc chữa bệnh, việc uống thuốc đương nhiên sẽ gây tác dụng phụ, nhưng điều quan trọng là chữa được bệnh”, TS Đinh Văn Minh.