Cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng cùng cựu trung tướng tình báo bị bắt
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Bộ Công an đã khởi tố, bắt nhiều cựu quan chức cấp cao của Đà Nẵng và hai cựu công an về hàng loạt tội danh do liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ.
Ngày 17/4, Bộ Công an cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành các biện pháp tố tụng, ra quyết định khởi tố bị can với ông Phan Hữu Tuấn cựu trung tướng, cựu phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
|
20h30, hơn 10 công an, đại diện viện kiểm sát đi vào nhà ông Tuấn. Ảnh: Giang Huy |
Ông Tuấn bị điều tra về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông năm nay 63 tuổi, đã nghỉ hưu, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Tối cùng ngày, sau hơn một tiến khám xét, công an đã rời nhà ông Tuấn lúc 21h30, mang ra một thùng tài liệu.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, theo điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng ngày, Chủ tịch nước ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân với ông Tuấn. Bộ trưởng Công an tước danh hiệu với ông Bách.
Theo Bộ Công an, mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ngoài hai cựu công an trên, trong ngày 17/4 nhà chức trách còn khởi tố một số cựu quan chức cấp cao của Đà Nẵng.
Cụ thể, ông Trần Văn Minh (63 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015).
|
Các bị can (từ trái qua): Trần Văn Minh, Nguyễn Điểu, Văn Hữu Chiến. |
Ông Văn Hữu Chiến (64 tuổi, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 2011-2014) bị khởi tố theo điều 219 và 229 Bộ luật Hình sự, được tại ngoại.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Điểu (60 tuổi, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng); Trần Văn Toán (nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng).
Nhà chức trách khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng). Các ông Điểu, Toán, Dương cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79; nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Chấn Phong).
Cuối năm 2017, Phan Văn Anh Vũ bị truy nã và bị sau bắt gần 20 ngày bỏ trốn sang Singapore. Ngoài tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, ông còn bị điều tra một số sai phạm khác liên quan đến hoạt động kinh tế, trong đó có vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Ông Trần Văn Minh giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2011. Ông Văn Hữu Chiến là người kế nhiệm đến năm 2014. Trong giai đoạn này, lãnh đạo Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương bán nhiều nhà đất công sản, cũng như nhiều dự án. Qua kiểm tra các dự án, Thanh tra Chính phủ xác định Đà Nẵng làm thất thoát 3.400 tỷ đồng. Mới đây nhiều dự án nhà, đất công sản tại Đà Nẵng bị Bộ Công an điều tra và có liên quan đến đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ.
Trao đổi với VnExpress vào ngày 16/3, ông Văn Hữu Chiến cho biết thời điểm Đà Nẵng có chủ trương bán và giao nhà đất công sản, ông là phó chủ tịch và chịu trách nhiệm "giúp việc, ký theo phân công, trình tự thủ tục để triển khai chủ trương, chứ không có quyền quyết định". "Cả thành phố lúc đó như một công trường với việc giải tỏa, xây dựng các dự án. Thời kỳ đổi đất lấy công trình đã giúp thành phố phát triển mạnh", ông nói.
Ông Chiến cho hay đã dành hầu hết thời gian khi làm chủ tịch để chỉ đạo chính quyền thành phố khắc phục sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.