Ngày 21/4, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố với chủ đề: “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TPHCM nhanh, bền vững”.
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ gần 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố
Tại đây, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nếu năm 2016 thành phố chỉ thu hút được 3,46 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài thì năm 2017 là 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90%. Nhờ vậy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TPHCM từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước (35,88 tỷ USD).
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, năm 2018 cũng là năm thành phố triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Vì vậy, Bí thư Nhân mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các nước chia sẻ, hỗ trợ thành phố trong quá trình xây dựng thành phố thông minh
Bí thư Nhân cho biết để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của thành phố, tích hợp 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nơi đây với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên, dân số khoảng 1 triệu người sẽ làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chúng tôi muốn xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố thành đầu tàu đưa thành phố trở thành đô thị thông minh, ông Nhân nói.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan (TBA), cho biết TPHCM đang nỗ lực cải cách hành chính. Do đó, bà đề nghị cần mở hội thảo để thành phố diễn giải các quy định mới về thủ tục hải quan, thuế, đăng ký doanh nghiệp…
Theo Chủ tịch TBA, hiện năng suất lao động của người Việt Nam khá thấp so với các quốc gia xung quanh. Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất lao động của một người Singapore có thể gấp 20 lần người Việt Nam và người Thái Lan cũng có năng suất lao động gấp 3 lần người Việt Nam.
Bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan (TBA)
Do đó, bà Saranya Skontanarak mong muốn TPHCM phát triển hơn nữa các chương trình phát triển nhân lực, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn lao động, năng suất lao động hiệu quả hơn. “Vấn đề không chỉ nằm ở cấp độ lao động phổ thông, lao động kỹ thuật mà kể cả cấp độ quản lý”, Chủ tịch TBA nói.
Góp ý về công cuộc xây dựng đô thị thông minh của TPHCM, bà Saranya Skontanarak tin rằng không chỉ là vấn đề ở công nghệ, hay cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp 4.0. Theo bà, vấn đề con người rất quan trọng vì con người sống và vận hành thành phố thông minh. Do đó, cần phải cải thiện các yếu tố cơ bản như hành vi ứng xử của con người trong thành phố sao cho thông minh.
“Thực ra ở rất nhiều nơi chúng ta có thiết bị hiện đại và tự động nhưng con người không biết quy tắc và không thể sử dụng máy móc hiện đại vì sợ hỏng”, Chủ tịch TBA nói.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp của các quốc gia cũng chia sẻ các vấn đề về xây dựng thành phố thông minh, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thuế, Luật Bảo vệ môi trường…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (bên phải) trao đổi cùng các đại biểu tại buổi gặp gỡ
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có những đóng góp quan trọng đối với kinh tế - xã hội thành phố, chiếm 17% GRDP và đóng góp 55,9% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tác động lan toả từ doanh nghiệp nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, tỷ lệ chuyển giao công nghệ vẫn chưa cao; trong cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vẫn ưu tiên lĩnh vực bất động sản (chiếm 43% tổng nguồn vốn đầu tư).
Bên cạnh đó, việc tổ chức cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cộng với những đòi hỏi thực tiễn của doanh nghiệp nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với khả năng của thành phố.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố xác định 5 định hướng:
Thứ nhất, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Trong đó, phấn đấu doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 90%; giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá.
Về đất đai, thành phố rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ công tác về đầu tư của thành phố sẽ giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định.
Thứ hai, TPHCM sẽ lập tổ công tác liên ngành về đất đai để giải quyết 2 vấn đề lớn mà nhà đầu tư quan tâm: xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phát sinh thêm; dự kiến hoàn thành thời gian giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư.
Thứ ba, quan điểm của thành phố là các doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật, không hình sự hoá quan hệ kinh tế, công tác thanh, kiểm tra lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần trong năm.
Thứ tư, thành phố cam kết giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp, tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất và phản hồi đến từng doanh nghiệp.
Thứ năm, tất cả các cơ chế, chính sách đặc thù TP nghiên cứu và triển khai theo Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nước ngoài.
Quốc Anh
PS st Theo Dân trí