Cuba: Bước ngoặt lịch sử và con đường đổi mới

Ngày đăng: 03:10 23/04/2018 Lượt xem: 406



           Cuba: Bước ngoặt lịch sử và con đường đổi mới

                  
                                                     Nguồn:Báo Điện tử  


Thành công của quá trình Đổi mới của Việt Nam sau 30 năm, cũng như cải cách Mở cửa ở Trung Quốc sau 40 năm, tất yếu là bài học mà những người cộng sản Cuba muốn tìm hiểu kỹ.

 

Một tháng sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Cuba, quốc gia - đồng chí thân thiết của Việt Nam, “hòn đảo ngọc” ở vùng biển Ca-ri-bê bắt đầu kỳ họp Quốc hội quan trọng nhất trong hơn nửa thập kỷ.

Ở đó, lần đầu tiên sau cuộc cách mạng 1959,  vị trí lãnh đạo tối cao đã được chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới, đứng đầu bởi Miguel Diaz-Canel Bermudez, phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba.

Ông Diaz-Canel sinh năm 1960, một năm sau cách mạng, và là lãnh đạo dân sự đầu tiên không trưởng thành từ quân ngũ. Nhiệm vụ của ông không chỉ là đại diện cho hình ảnh của một Cuba “hậu Castro”, mà còn cam go hơn nhiều: tìm ra con đường phát triển đúng đắn cho đất nước.

Cuba,Raul Castro,Miguel Diaz-Canel,Đổi mới,kinh tế thị trường,toàn cầu hóa

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Diaz-Canel đã tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AP.  

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ngay trước thềm kỳ họp Quốc hội lịch sử này. Cuba dưới sự lãnh đạo của Raul Castro trong 12 năm qua đã bắt đầu quá trình đổi mới kinh tế, dần xoá bỏ cách quản lý tập trung, bao cấp được áp dụng theo mô hình Liên Xô dưới thời Chiến tranh Lạnh. Thành công của quá trình Đổi mới của Việt Nam sau 30 năm, cũng như cải cách Mở cửa ở Trung Quốc sau 40 năm, tất yếu là bài học mà những người cộng sản Cuba muốn tìm hiểu kỹ.

Thế nhưng những cải cách đang thực hiện dường như chưa đạt tốc độ như mong đợi. Nền kinh tế với phần lớn là khu vực nhà nước (tạo việc làm cho 3/4 số lao động) hoạt động không hiệu quả, trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thận trọng. Tăng trưởng GDP giảm mạnh từ gần 8% năm 2007 xuống đến gần 0% năm 2016. Siêu bão Irma quét qua hòn đảo này vào năm ngoái càng làm cho đời sống người dân khó khăn.

Mặc dù đang là quốc gia có GDP đầu người ở mức trung bình trong khu vực (gần 8.000USD năm 2015), nền kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp, du lịch và kiều hối này dường như thiếu một động lực mạnh để thoát khỏi trì trệ.

Thêm vào đó, quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Cuba diễn ra trong bối cảnh rất phức tạp. Phe cánh tả ở Mỹ La-tinh, đứng đầu là Venezuela, đang lâm vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Cần nhớ rằng, Venezuela, với nguồn tài nguyên dồi dào, từng là đồng chí chí thiết  của Cuba trong giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump trở nên “diều hâu” hơn với Cuba, vốn có những đột phá ngoại giao lịch sử với Mỹ (tiến tới bình thường hoá quan hệ) dưới thời người tiền nhiệm Obama. Lệnh gia hạn cấm vận thêm một năm của ông Trump khiến Cuba mất đi đáng kể cả nguồn ngoại tệ lẫn động lực cải cách.

Những vấn đề mà Cuba gặp phải, có lẽ không khác gì nhiều so với Việt Nam ở giai đoạn đêm trước Đổi mới. Thậm chí, Việt Nam giai đoạn trước 1986 có lẽ còn ở trong tình hình nguy ngập hơn rất nhiều. Lựa chọn của nước ta lúc đó là đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng nhiều thành phần, trao quyền tự làm chủ cho nhân dân, và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Thay đổi tất nhiên là đau đớn, và có nhiều trở lực đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn để vượt qua. Nhưng thành quả thì rất xứng đáng: một quốc gia độc lập, tự chủ, cởi mở với thế giới, và một xã hội ngày càng thịnh vượng hơn. Dù còn nhiều vấn đề, Việt Nam vẫn là điểm sáng về phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở thế giới thứ ba trong hàng chục năm qua. Có lẽ Cuba nhìn thấy ở Việt Nam, xứ sở cách nửa vòng trái đất mà người Cuba từng nguyện hiến dâng cả máu của mình, một động lực đổi thay.

Quá trình mở cửa với thế giới chắc chắn sẽ yêu cầu bộ máy lãnh đạo mới thực hiện những cải cách sâu rộng về mọi mặt ở trong nước, như những gì cả Trung Quốc và Việt Nam đều phải tuần tự đi qua. Giữ được đặc sắc chủ nghĩa xã hội kiểu Cuba, đồng thời gia tăng tốc độ đổi mới, là bài toán khó. Mở cửa chắc chắn sẽ làm gia tăng phát triển kinh tế, nhưng sẽ gây xáo trộn hệ thống quản lý, gia tăng bất bình đẳng, cùng vô số các vấn đề khác của nền kinh tế thị trường sơ khai. Nếu không thận trọng, những giá trị dày công xây dựng từ cuộc cách mạng 1959 có thể bị xói mòn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của khối Đông Âu và Liên Xô, chỉ còn lại năm quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Việt Nam, Lào, Trung Quốc đã tiến hành cải cách theo kinh tế thị trường với những đặc điểm riêng, đồng thời hoà nhập rất tốt vào trật tự thế giới mới. Triều Tiên và Cuba là những quốc gia cuối cùng duy trì mô hình Xô-viết với nền kinh tế tập trung, bao cấp.

Gần 30 năm sau, bước thay đổi tiệm tiến của Cuba, và thái độ cởi mở, đối thoại hơn trong thời gian gần đây của Triều Tiên, cho thấy con đường của ba nước đi trước là hoàn toàn chính xác. Trong thời đại của toàn cầu hoá, hội nhập và chấp nhận những chuẩn mực chung là tiền đề để hướng đến thịnh vượng.

Quá trình toàn cầu hoá mạnh mẽ xoá nhoà mọi ranh giới về lý tưởng, ý thức hệ, và cả hận thù. Những tư tưởng giáo điều, thủ cựu, không có cái nhìn “biện chứng” trước thay đổi, tất yếu sẽ phải trả giá. Tính chính danh không thể chỉ xây dựng dựa trên những hào quang lịch sử, mà phải bằng giá trị thực sự mang lại cho người dân.

tin tức liên quan