Chuyến chuyên cơ đặc biệt ngày thống nhất qua lời kể của cơ trưởng
Chuyến chuyên cơ đặc biệt ngày thống nhất qua lời kể của cơ trưởng
Nguồn:Báo Điện tử
Đại tá Võ Quang Bốn, cơ trưởng chuyến bay lịch sử kể: Vào tuần đầu tháng 5/1975 chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị cho chuyến bay quan trọng, toàn bộ tổ lái phải “cấm trại”.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc tiến quân thần tốc, những chuyến bay do Đoàn 919 thực hiện đã bám theo các cánh quân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ cho chiến dịch, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
|
Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu dự lễ mừng chiến thắng, xuống cầu thang máy bay |
Vinh dự lại đến với những phi công quả cảm, kiên cường khi họ được thực hiện chuyến chuyên cơ đặc biệt, đưa đoàn đại biểu của cấp cao của Đảng, Nhà nước từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng.
Đại tá Võ Quang Bốn, cơ trưởng chuyến bay lịch sử kể lại: Vào tuần đầu tháng 5/1975 chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị cho chuyến bay quan trọng, toàn bộ tổ lái phải “cấm trại”, chờ lệnh lên đường. Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay được hoàn tất.
Trung tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp giao nhiệm vụ. Khi đó ông Võ Quang Bốn mang quân hàm thiếu tá, đại đội trưởng của máy bay IL18.
Tổ lái gồm 4 người, do Võ Quang Bốn lái chính, trung úy Lê Văn Kênh lái phụ, thượng úy Nguyễn Cảnh Phiên dẫn đường, trung úy Nguyễn Văn Lênh cơ giới trên không.
Chuyến bay đưa các vị khách là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước: Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cùng nhiều ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả gần 40 người vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng, mừng thống nhất đất nước.
Máy bay phục vụ đoàn là chiếc IL18 do Liên Xô chế tạo đưa về nước được hơn 1 năm, mang số hiệu VN 195. Tổ lái vô cùng vinh dự khi được thực hiện chuyến bay đặc biệt. Đến giờ khởi hành, anh em xếp hàng ngay ngắn tại chân cầu thang máy bay, đón chào đoàn đại biểu.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đơn sơ trong chiếc áo sơ mi trắng, quần ka ki, chân mang dép cao su, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cũng vậy… Đoàn đại biểu lần lượt bắt tay từng thành viên tổ lái, chúc cho chuyến bay tốt đẹp.
Ðúng 9h15 ngày 13/5/1975, chuyến bay lịch sử cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào Sài Gòn.
Ông Võ Quang Bốn nhớ lại: "Có lẽ do cảm xúc, mà trong hơn 17 năm thực hiện các chuyến bay, chưa lần nào tôi thấy thời tiết bay lại tốt và đẹp như hôm ấy". Ðúng 11h45, chiếc "chuyên cơ đặc biệt" đã hạ cánh an toàn.
|
Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 13/5/1975 |
Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Trần Văn Trà cùng nhiều cán bộ đón đoàn ngay tại chân cầu thang máy bay, trong niềm hân hoan xúc động.
Chuyến bay đó đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại bằng những dòng cảm xúc: “Nhớ buổi sáng Sài Gòn giải phóng/ Người anh xuống sân bay, giang hai tay ôm cả miền Nam”, trong không khí “đường phố hát nửa mừng, nửa tủi” của niềm vui thống nhất.
|
Cơ trưởng Võ Quang Bốn (ngoài cùng bên trái) cùng với các đồng nghiệp Đoàn bay 919 |
Phần thưởng cho tổ lái là được tham dự lễ mừng chiến thắng, thống nhất non sông.
Sau khi hoàn thành chuyến bay ra Hà Nội, lái chính Võ Quang Bốn và anh em được Bác Tôn mời vào ăn cơm tại Phủ Chủ tịch.
Trong bữa cơm, Bác Tôn tâm sự muốn về thăm quê Mỹ Hoà Hưng, trên Cù lao Ông Hổ, đề nghị anh em nên tham vấn cho Bác nên đi như thế nào.
Các thành viên thưa với Bác hiện Việt Nam đã có YAK-40 cất hạ cánh trên đường băng ngắn, có thể trực tiếp đưa Bác về đến quê hương. Thể theo ý nguyện của Bác Tôn, trong năm 1975, Đoàn 919 đã tổ chức chuyến bay đưa Bác Tôn về thăm quê sau hàng chục năm xa cách.