Thủ tướng: Có tình trạng "trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh"
Nguồn:Báo Điện tử VnMedia
Theo Thủ tướng, nhiều Bộ đã chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có nhiều Bộ chưa chủ động. Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.
|
Chiều 3/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc công việc được giao, tổ chức nhiều diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi (đàn bò tăng 2,9%, gia cầm tăng 6,8%, sản lượng thủy sản tăng 4,5%, trong đó nuôi trồng tăng 5,9%, khai thác tăng 3,2%). Tính tới thời điểm cuối tháng 4/2018, đã có 50 huyện và 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt đẹp, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc.
Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%. Hôm nay, Chính phủ cũng bàn đến việc tiếp tục gia hạn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và Thủ tướng kết luận đồng ý gia hạn thêm ba năm nữa, bắt đầu từ 1/7/2018.
Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD. Như vậy, trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã mua thêm 32 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán.
Cùng với đó, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được xử lý nghiêm, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng giá dầu thô tăng (giá dầu có lúc đạt đến 72 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014).
Giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng vốn giải ngân chỉ đạt 16,4% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 22,3% dự toán).
Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh còn có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng toàn cầu như gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Có trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp giải thể gần 4.700, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm tra, xử lý như có địa phương lên Sở Xây dựng xin điều chỉnh quy hoạch phải đi tới 33 lần. Theo Thủ tướng, nhiều Bộ đã chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có nhiều Bộ chưa chủ động. Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, nhưng ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.
Vốn FDI đăng ký mới có xu hướng giảm trong bối cảnh Mỹ và các đối tác giảm mạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư về nước. Mặc dù vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3%, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 67%, nhưng vốn đăng ký cấp mới giảm 27,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm giảm 48,6% so với cùng kỳ.
Một vấn đề được Thủ tướng hết sức quan tâm là tình trạng nợ đọng văn bản, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết luật, pháp lệnh chậm được ban hành, cần có giải pháp khắc phục.
Lĩnh vực văn hóa xã hội còn có hạn chế, một số biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, như các vụ việc liên quan tới các thầy thuốc, nhà giáo, học sinh…; hoạt động của một số người xưng là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” chưa được xử lý kịp thời; còn xảy ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ cho rằng nhiệm vụ thời gian tới của năm 2018 là hết sức nặng nề trong bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường; nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng mà ta có thế mạnh.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ.
Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ.
Về chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội sắp diễn ra, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao trách nhiệm, chất lượng chuẩn bị, phục vụ; các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng các Báo cáo và Đề án được phân công để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, không nợ đọng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan về một số vấn đề cụ thể nổi lên trong thời gian qua, như ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân.
Trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động phát hiện sớm, có biện pháp ngay từ đầu, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua liên quan tới phẩm chất, đạo đức, danh dự giáo viên; quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám…