Không dùng lương tưởng thưởng người “sống lâu lên lão”, “ẩn mình chờ thời”

Ngày đăng: 07:13 08/05/2018 Lượt xem: 396


Không dùng lương tưởng thưởng người “sống lâu lên lão”, “ẩn mình chờ thời”

                                                                 Nguồn:Báo Điện tử


Hệ thống lương trong bộ máy nhà nước vẫn mang nặng âm hưởng của thời kì bao cấp, tưởng thưởng cho nguyên tắc “sống lâu lên lão làng” và “ẩn mình chờ thời”.

 

Hội nghị BCH Trung ương Đảng khoá 12 lần thứ 7 vừa khai mạc. Ngoài những vấn đề về nhân sự được quan tâm, Hội nghị giữa kỳ của BCHTW sẽ thảo luận đề án cải cách tiền lương hết sức hệ trọng, đánh dấu thay đổi lớn nhất về cơ chế đãi ngộ trong bộ máy nhà nước từ sau Đổi mới. 

Sau cuộc cải cách giá lương tiền vào năm 1985, vốn dẫn đến thảm hoạ siêu lạm phát những năm sau đó, nhiều người có góc nhìn không mấy thiện cảm về “cải cách tiền lương”. Nhưng thực sự, đề án mới do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban chỉ đạo sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho hệ thống quản trị công trì trệ của nước ta.

Xưa nay, hệ thống lương trong bộ máy nhà nước vẫn chủ yếu là theo thâm niên, mang nặng âm hưởng của thời kì bao cấp. Hệ thống này tưởng thưởng cho nguyên tắc “sống lâu lên lão làng” và “ẩn mình chờ thời”: không cần phải làm việc quá xuất sắc, mạo hiểm, hay quá nổi bật, mà chỉ cần làm đủ theo quy định thì tất yếu sẽ được tăng lương theo thời gian công tác. Cơ chế như vậy khiến nhiều người giỏi, đặc biệt là người trẻ, ngần ngại khi tham gia vào bộ máy hành chính dù rất tâm huyết. Ngược lại, nó tạo ra động lực cho lối làm việc hời hợt, coi nhẹ kết quả mà đặt nặng việc quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp để giữ ghế. Điều này dẫn đến tình trạng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng ca thán là công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tiếp bước trọng tâm của Hội nghị Trung ương 6 là  sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính trị cùng với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, thì ở Hội nghị Trung ương 7 lần này, cải cách tiền lương là ưu tiên số một. Đây là những bước đi hợp lý, bởi hai vấn đề này đi song song với nhau: không thể cải cách bộ máy thành công nếu cơ chế đãi ngộ vẫn như cũ. Nếu cải cách biên chế nhấn mạnh đến thay đổi về lượng, với chỉ tiêu cụ thể về số lượng công, viên chức nhà nước được cắt giảm, thì cải cách tiền lương sẽ hướng đến thay đổi rất mạnh mẽ về chất: cơ chế tiền lương theo đề án mới đã tiệm cận cách chi trả của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, hệ thống lương theo cấp bậc sẽ được xoá bỏ. Nhà nước trả lương cho lao động theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực và tương quan với thị trường lao động. Cụ thể, ngoài ba bảng lương mới cho khu vực đặc thù là lực lượng vũ trang, hệ thống mới được tinh gọn lại thành hai bảng lương: bảng lương lãnh đạo (cho cán bộ được bổ nhiệm, bầu cử) và bảng lương chuyên môn (cho các vị trí làm công việc chuyên môn). Sự phân tách cặn kẽ này cho thấy tư duy quản lý công mới, rất gần với mô hình tách bạch hệ thống hành chính, thừa hành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy chính trị ra quyết định như ở các nước phát triển. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước sẽ dần rút khỏi can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, chỉ để lại duy nhất quy định về lương tối thiểu.   

Nếu thực hiện tốt, đề án cải cách tiền lương có thể sẽ là bước đột phá cho kế hoạch cải cách hành chính đã bước sang giai đoạn thứ 3 (2011 – 2020), mà vẫn chưa đạt được kết quả. Lao động trong khu vực nhà nước vẫn tăng nhiều nhất, trong khi có hiệu quả thấp nhất tính theo số giờ làm việc và số lượng sản phẩm đầu ra. Bộ máy công, viên chức cồng kềnh, thiếu linh hoạt, trong khi mức thu nhập của cán bộ nhà nước còn thấp.

Khi muốn tinh giản biên chế, tuyển người tài vào hệ thống, bắt buộc mức thu nhập phải xứng đáng với năng lực của họ. Thế nhưng cơ chế lương, thưởng xơ cứng như hiện hành thì điều này là bất khả. Một người học ở những trường hàng đầu thế giới có thể hưởng mức lương lên đến vài nghìn đô la Mỹ/tháng, nhưng nếu vào làm cơ quan nhà nước, mức lương khởi điểm sẽ chỉ rơi vào khoảng 5-6 triệu đồng. Rất hãn hữu mới có một số địa phương như Đà Nẵng, mới đây thông qua nghị quyết hỗ trợ tối đa đến 280 lần mức lương cơ sở (khoảng 340 triệu đồng) cho nhân tài về làm việc.

Mức “vượt khung” này không được thực hiện ở cấp trung ương, và nhiều người tài cũng không mưu cầu cơ chế “vượt khung”: họ chỉ mong năng lực của mình được trả công xứng đáng. Với cơ chế như vậy, nhà nước chỉ tuyển được những ai muốn cống hiến và không quan tâm đến tiền bạc, hoặc ngược lại, những người quan tâm đến tiền bạc muốn lợi dụng chức danh cán bộ nhà nước để “kiếm ăn”. Không tuyển được người thực sự có chất lượng, trong khi nhu cầu công việc ngày càng cao, tất yếu bộ máy hành chính vẫn tiếp tục phình ra dù có yêu cầu cắt giảm liên tục. 

Chính vì thế, đề án cải cách chính sách tiền lương được thảo luận trong những ngày tới tại Hà Nội là hết sức quan trọng. Nếu đề án được thông qua, đặc biệt là sau khi nhận được những ý kiến bổ sung, góp ý để hoàn thiện, chắc chắn nó sẽ đánh dấu thay đổi lớn không chỉ về mặt thực tiễn hành động, mà còn là tư duy quản lý bộ máy nhà nước.

Một điểm theo tôi cần phải thận trọng là quy định khoán quỹ lương xuống từng đơn vị, và mở rộng quyền của người đứng đầu trong việc sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia bên ngoài. Thực hiện được tốt điều này cần phải song hành với việc cải thiện dân chủ cơ sở, nếu không, bộ máy sẽ tạo ra những “ông vua” riêng ở từng tổ chức, khiến tiến trình cải cách đi ngược lại với mục đích ban đầu.

tin tức liên quan