Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 6/5 đưa tin, hôm Chủ nhật, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã kêu gọi Hoa Kỳ ngừng theo đuổi chiến dịch gây áp lực và các mối đe dọa quân sự chống lại Bình Nhưỡng;
Các động thái như vậy sẽ không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo. Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết:
"Gần đây Hoa Kỳ gây hiểu lầm cho dư luận rằng, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đang làm rõ ý định phi hạt nhân hóa bán đảo thông qua Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa 2 miền, là kết quả của cái gọi là sự trừng phạt và chiến dịch gây áp lực.
Đồng thời, Washington còn đưa ra các phát biểu rộng rãi rằng Mỹ sẽ không giảm bớt các biện pháp trừng phạt và chiến dịch gây áp lực cho đến khi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên từ bỏ vũ khí nguyên tử của mình;
|
Hình minh họa cuộc đàm phán sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Yonhap News. |
Mỹ cũng làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn với việc triển khai các vũ khí chiến lược trên bán đảo, tăng các nỗ lực chống lại Triều Tiên về nhân quyền.
Hành động này không thể hiểu khác hơn ngoài một nỗ lực nguy hiểm để hủy hoại bầu không khí đối thoại khó khăn lắm mới có được, và khiến mọi thứ có thể quay trở lại điểm xuất phát.
Nó sẽ không có lợi cho việc giải quyết vấn đề nếu Mỹ xem thiện chí hòa bình của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên như dấu hiệu của sự yếu đuối và tiếp tục theo đuổi chiến dịch gây áp lực, đe dọa quân sự chống Triều Tiên."
Yonhap bình luận, tuyên bố này như một lời chỉ trích hiếm hoi của Bình Nhưỡng nhằm vào Washington trong những tuần gần đây, khi hai nước đang gấp rút chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chưa từng có. [1]
Theo góc nhìn chủ quan của cá nhân người viết, phản ứng nói trên của Triều Tiên không có gì lạ khi các quan chức Hoa Kỳ liên tục bình luận rằng, chính chiến dịch gây áp lực tối đa và bao vây cấm vận của Mỹ đã quyết định buộc ông Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán;
Hơn nữa, trong khi Hoa Kỳ chưa công khai đưa ra bất kỳ một sự nhượng bộ nào, thì Mỹ liên tục đòi hỏi Triều Tiên phải hủy bỏ vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo (được cho là đã có) một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Có thể hiểu yêu cầu này như một cách buộc đối phương "giương cờ trắng", và đàm phán chỉ là tiến trình để Mỹ chấp nhận "cờ trắng" của Triều Tiên.
Đó là biểu hiện của tư duy cá lớn nuốt cá bé, bất công ngay từ những người đang xem mình là văn minh, cho mình quyền phán xử người khác.
Ngoài ra là các đòi hỏi về nhân quyền, cùng những tuyên bố tiếp tục gây áp lực và Mỹ sẽ đàm phán với Triều Tiên ở tư thế "cửa trên", rõ ràng sẽ buộc Bình Nhưỡng phải lên tiếng.
Tuy nhiên, so với các tuyên bố trước đây, thì phát biểu này của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên lần này, theo chúng tôi là đúng mực, nhưng cứng rắn và cần thiết;
Mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn đang diễn ra.
Nếu những phát biểu nói trên đến từ dư luận xã hội và các nghị sĩ Hoa Kỳ, có lẽ Triều Tiên sẽ không phản ứng như vậy.
Cũng giống như với Hàn Quốc, ông Kim Jong-un hiểu xã hội miền Nam và phương Tây khác với miền Bắc, ở đó các quan điểm trái chiều có thể tự do biểu đạt.
Cho nên Triều Tiên gần như không phản ứng gì trước việc một số tổ chức ở Hàn Quốc tiếp tục rải truyền đơn chống Triều Tiên ở biên giới sau thượng đỉnh 2 miền hôm 27/4;
Có lẽ là bởi ông Kim Jong-un biết rõ thiện chí và nỗ lực không mệt mỏi của người đồng nhiệm miền Nam, Tổng thống Moon Jae-in, và đặc thù của xã hội Hàn Quốc, nên không muốn làm khó thêm ông chủ Nhà Xanh.
Nhưng những phát biểu này lại đến từ các quan chức Hoa Kỳ, nếu Bình Nhưỡng im lặng, vô hình trung thừa nhận suy đoán của một số quan chức Hoa Kỳ là đúng.
Đàm phán phải dựa trên sự thiện chí, khách quan, cầu thị và thượng tôn khuôn khổ pháp luật hai bên xác định, chứ không phải nhân nhượng vô nguyên tắc.
Một bàn tay vỗ sao nên tiếng!
|
Hòa bình, hòa hợp, hòa giải, phát triển thịnh vượng là mong muốn chung của người dân hai miền bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in đang rất nỗ lực. Ảnh minh hoa: SCMP. |
Theo góc nhìn chủ quan của cá nhân người viết, ngay cả trong trường hợp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thất bại vì những "cơn gió chướng" kiểu này, thì tiến trình cải cách tại Triều Tiên có lẽ sẽ vẫn diễn ra, bởi 2 lý do.
Thứ nhất, khả năng tự vệ bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, ông Kim Jong-un xem như đã hoàn tất.
Triều Tiên không phóng thử tên lửa đạn đạo hay thử hạt nhân nữa, Mỹ cũng khó có cớ thắt chặt thêm trừng phạt. Mỹ có đơn phương áp đặt, thì Trung Quốc và Nga vẫn không có lý do gì để ủng hộ Hoa Kỳ.
Thứ hai, ông đã chuẩn bị sẵn "hậu phương" Trung Quốc để xúc tiến các chiến lược cải cách kinh tế.
Trong trường hợp đàm phán với Hoa Kỳ không đi đến kết quả, thi Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là những đối tác đầu tiên của Triều Tiên để phát triển kinh tế thương mại.
Do đó, những "cơn gió chướng" trên bán đảo Triều Tiên đang được tạo ra bởi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, có lẽ không ngăn cản được ông Kim Jong-un canh tân đất nước;
Nhưng nó lại làm cho Mỹ vẫn tiếp tục phải hao tiền tốn của để duy trì đội quân trên bán đảo.
Theo tờ Korea JoongAng Daily, Hàn Quốc ngày 7/5, Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 22/5 để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Dự kiến ông Moon Jae-in sẽ chia sẻ kết quả chi tiết của hội nghị thượng đỉnh 2 miền hôm 27/4 và truyền đạt ý định của ông Kim Jong-un đến ông Donald Trump;
Đồng thời Tổng thống Hàn Quốc sẽ thảo luận với ông Donald Trump về cách đảm bảo cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ duy trì được đà thành công của cuộc gặp hôm 27/4.
Ông Moon Jae-in đã cử Cố vấn An ninh quốc gia Chung Eui-yong đi Mỹ để trao đổi trước với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton.
Ông Chung Eui-yong đến Nhà Trắng sau khi The New York Times đưa tin, Donald Trump đang cân nhắc việc giảm lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Hôm thứ Sáu 5/5 ông Donald Trump đã bác bỏ điều này khi nói rằng, chắc chắn không phải là thời điểm này.
Nhưng Tổng thống Mỹ vẫn bỏ ngỏ khả năng sẽ điều chỉnh lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc trong tương lai khi ông lưu ý rằng:
"Bây giờ tôi phải nói với các bạn, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, tôi muốn tiết kiệm tiền."
Câu nói này theo Korea JoongAng Daily, nó phản ánh quan điểm của ông Donald Trump ngay từ khi tranh cử, trong đó ông than phiền Mỹ phải tốn quá nhiều để bảo vệ các nước khác. [2]
Như vậy có thể thấy, ông Donald Trump hiểu rõ lợi ích thực sự của Mỹ nằm ở đâu. Ông Kim Jong-un cũng vậy.
Cho đến nay chúng tôi nhận thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên là người bản lĩnh, tự chủ và rất khéo léo trong việc tạo ra các đòn bẩy ngoại giao.
Cho nên không có gì ngạc nhiên khi ông chuẩn bị trước "phương án 2" cho thượng đỉnh Mỹ - Triều bằng cách thăm Bắc Kinh;
Và dù có hợp tác với Trung Quốc, có "tiêu nhân dân tệ" đi nữa, ông ấy cũng sẽ không để quốc gia mình lệ thuộc bất kỳ quốc gia nào, điều truyền thông Triều Tiên lâu nay vẫn quen gọi là "phẩm giá".