Sáng 7.5, trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII (Hội nghị T.Ư 7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều vấn đề về cải cải cách tiền lương. Theo đó, Tổng bí thư yêu cầu cải cách tiền lương lần này phải thực sự tạo đột phá, tránh bình quân, cào bằng.
Thực tế, trong suốt thời gian dài, tiền lương thấp, chế độ cào bằng theo phết, phẩy không tạo được động lực để hút người tài vào bộ máy. Không ít trường hợp, cán bộ công chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tìm cách "tăng thu nhập" ngoài lương.
Bất cập này cần được nhìn nhận rõ, phân tích thấu đáo và đặc biệt, phải đề ra hướng cải cách tiền lương cụ thể để hạn chế thấp nhất tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng khi thực hiện cải cách tiền lương, cần phải có một chủ trương cụ thể để công chức không muốn tham nhũng, không tham nhũng được, không cần tham nhũng.
Thưa ông, nhiều người cho rằng cách trả lương như hiện nay rất thấp, không phản ánh đúng thực trạng sức lao động do đó dẫn đến tham nhũng, chảy máu chất xám. Vậy theo ông, với Đề án cải cách tiền lương được trình ra Hội nghị T.Ư 7 lần này có góp phần giảm tình trạng quan chức tham nhũng, vòi vĩnh đòi lót tay hay không?
- Việc chống tham nhũng, vòi vĩnh từ trước đến nay chúng ta đã làm nhiều chứ không phải đợi đến Hội nghị T.Ư 7 khóa XII này mới đề cập đến. Trước đó, chúng ta đã làm mạnh rồi nhưng mà tham nhũng, vòi vĩnh nó có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân cũng xuất phát từ đời sống chưa đảm bảo nên một số cán bộ cũng có “ý nọ ý kia”, rồi vấn đề đạo đức, công vụ, pháp luật có kẽ hở thì người ta làm được.
Bên cạnh đó cũng có cả vấn đề đãi ngộ, công vụ… Tuy nhiên, không phải ai cũng vòi vĩnh, nhiều người rất nghiêm túc nhưng cũng có người tiêu cực.
Do đó, việc giải quyết tiền lương này cũng là một phần nếu nguồn thu này đảm bảo được. Bây giờ phải có một chủ trương thế nào đó để công chức không muốn tham nhũng, không tham nhũng được, không cần tham nhũng.
Không tham nhũng được là phải thông qua luật pháp, không cần tham nhũng là vì đời sống,v.v… cho nên phải đồng bộ. Do vậy, tại Hội nghị T.Ư 7, khóa XII thông qua Đề án cải cách tiền lương thì mới trình Chính phủ cụ thể. Định hướng là như vậy, tôi nghĩ rằng phải đánh giá theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc.
Như ông nói, việc trả lương theo vị trí việc làm, chức danh là phương án cần phải thực hiện. Tuy nhiên, quy định trả lương theo vị trí việc làm do Thủ trưởng cơ quan đảm nhận khiến nhiều người nghi ngại về tính công khai, minh bạch, quan ngại trước hiện tượng nâng đỡ “con ông cháu cha”. Ông có bình luận gì về việc này?
- Cái đó sau này lại phải có những cái thiết chế khác. Tức là phải có một thiết chế kiểm soát quyền lực. Bây giờ ta cứ quan niệm như vậy thì không thể làm được.
Vừa rồi do khâu kiểm soát của mình còn có những hạn chế. Đặc biệt là có những sự nể nang. Bây giờ trong nội bộ cơ quan nếu có vấn đề gì hoặc ai đó không hoàn thành nhiệm vụ thì Thủ trưởng cho nghỉ luôn; tại sao chúng ta chưa xử lý một ai mặc dù có cả Nghị định về chủ trương đường lối đều nói là thuộc trách nhiệm người đứng đầu để CBCCVC không thể tự tung tự tác.
“Nếu trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thì không phải trả lương theo hệ số nữa… Hiện nay có tình trạng lương Thứ trưởng thấp hơn Vụ trưởng do đó còn có nhiều bất cập. Còn như Đề án hiện nay nói rõ trả lương Thứ trưởng là bao nhiêu; Vụ trưởng là bao nhiêu. Nghĩa là theo vị trí việc làm và kết quả hoàn thành” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Mới đây, vụ Phó bí thư của tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh, tại sao lại để như thế được? Ban Bí thư đã hai lần yêu cầu nhưng giờ mới cách hết chức trong Đảng. Tại sao trong thời gian bà Thanh làm Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh không xử lý để rồi bà lại lên được chức Phó Chủ tịch, ký trái thẩm quyền. Tại sao Chủ tịch tỉnh lại để như thế? Phó Chủ tịch phụ trách ngành không có ý kiến, Thường vụ cũng không có ý kiến. Thậm chí, Bí thư Tỉnh ủy còn bảo “Tôi còn không biết”. Việc này rất là buồn cười, không hiểu vì sao lại để tình trạng này? Có phải vì quá nể nang hoặc có vấn đề gì ở đây?
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ để CBCCVC không muốn, không cần vòi vĩnh nữa thì phải đảm bảo lương cho họ.
Để khắc phục vấn đề này, theo tôi cần tăng cường dân chủ. Mặt khác, hiện nhà nước quy định chi tiết về đánh giá phân loại cán bộ công chức. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần đánh giá đúng, CBCCVC hoàn thành ở mức nào sẽ được trả lương tương xứng. Thực tế, Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ, nhưng đánh giá thực tế chưa chuẩn, còn nể nang.
Cần nhấn mạnh là giao quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan thì phải nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu người đứng đầu có sai phạm thì cần phải xử lý thật nghiêm minh.
Thưa ông, hiện nay có nhiều lãnh đạo ở vị trí cao nhưng lại được hưởng lương thấp nhưng vẫn muốn làm lãnh đạo, ông đánh giá việc này thế nào?
- Lãnh đạo hưởng lương thấp thì trách nhiệm người ta sẽ thấp. Nhưng dù lương thấp nhưng ông nào cũng muốn lên làm lãnh đạo, quyết không nhường ghế vì nó có câu chuyện khác.
Vì sao công chức của nhiều nước trên thế giới sợ mất ghế, mất vị trí vì nếu mất thì sẽ mất vị trí chính trị, mất lợi ích kinh tế, mất nhiều thứ. Đặc biệt là sẽ mất mức sống ổn định của cả gia đình bởi người ta đã có lương đảm bảo. Bởi vậy, người ta không dám tham nhũng vặt hay vòi vĩnh; nếu như bị đuổi việc thì quyền lợi bị mất còn lớn hơn số tham nhũng vặt, vòi vĩnh nhỏ nhặt kia.
Do đó, ở ta, để CBCCVC không muốn, không cần vòi vĩnh nữa thì phải đảm bảo lương cho họ. Nhưng với nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn, hiện nay vẫn có một câu chuyện chúng ta phải đặt ra khi tăng lương.
Đó là, tăng lương để tăng năng suất lao động và tăng các thứ khác hay tăng năng suất lao động, tăng ý thức rồi mới đến tăng lương. Vì nếu tăng lương mà không tăng năng suất lao động thì làm sao có tiền mà tăng lương.
Ngày trước ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng Singapore lúc còn sống sang Việt Nam đề nghị chúng ta phải vay tiền để trả lương nhưng chúng ta “không dám” vì có câu hỏi rằng “liệu tăng lương có đảm bảo năng suất lao động hay không”. Do vậy để vận hành của cả một bộ máy liên quan đến thể chế, pháp luật trong đó có lương thì cũng phải có thời gian.
Xin cảm ơn ông!