Khó khăn trong việc thu hồi tài sản
Thực tiễn ở Việt Nam cũng cho thấy, số lượng tiền và tài sản bị chiếm dụng, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn và một điều nhức nhối là hầu hết vi phạm, tội phạm trong các vụ tham nhũng lớn gần đây lại là đảng viên, là cán bộ chủ chốt các tổ chức. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, các đối tượng tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội, khi thực hiện xong đã hợp thức hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ và cất giấu, tẩu tán tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm dụng nên khi bị phát hiện không còn khả năng thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ), thực tế năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp, dưới 10%, năm 2014 đạt hơn 22%, năm 2015 là 55,8% tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng gây ra. Kết quả trên cho thấy, thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng chưa triệt để, gây nhiều bức xúc nhất cho xã hội hiện nay. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để vừa xử lý được vi phạm song đồng thời phải phát hiện và thu hồi lại tài sản mà đối tượng đã chiếm đoạt để trả lại cho nhà nước, cho tập thể và nhân dân.
Trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tham nhũng được phát hiện và bị truy tố được dư luận đặc biệt quan tâm như: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Có vụ án làm thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm ở Vinashin cho thấy nếu các cơ quan tố tụng không phát hiện và kiên trì, kiên quyết đưa vụ án này ra xét xử thì xã hội sẽ không biết, không ai nghĩ một cán bộ ít tuổi, cấp trưởng phòng mà lại dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối lượng tài sản quá lớn. Vụ án Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm ở Vinalines hay vụ án tham nhũng của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và nhiều vụ việc khác đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân… Tuy nhiên, việc phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được là rất nhỏ so với tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Đưa được những cán bộ cấp cao thái hóa biến chất ra tòa có vai trò rất lớn của UBKT TƯ
Vai trò của UBKT TƯ
Việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã được khẳng định trên thực tế. UBKT có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng và kiểm tra tài chính, tài sản của Đảng trong thu, chi ngân sách và sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của UBKT TƯ, n hiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra được 55.250 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong đó kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu về tham nhũng, cố ý làm trái và kiểm tra 263 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm về tham nhũng và cố ý làm trái. UBKT các cấp đã giải quyết tố cáo đối với 1.303 đảng viên về tham nhũng và cố ý làm trái và 6 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm.
Về kiểm tra tài chính đảng, thu chi ngân sách và sản xuất kinh doanh, nhiệm kỳ XI đã kiểm tra 7.825 tổ chức đảng, trong đó nội dung vi phạm gồm thất thoát do tham ô, tham nhũng, lãng phí là 1.113 tỷ đồng, để ngoài sổ sách kế toán 1.493 tỷ đồng, chi sai chế độ 970,145 tỷ đồng và xuất toán thu hồi trên 87 tỷ đồng và các vi phạm khác là 316, 903 tỷ đồng. Đề nghị xuất toán trên 87,312 tỷ đồng, hạch toán lại 991,607 tỷ đồng và giao đơn vị xử lý 205,552 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện xuất toán và thu hồi là 4,355 tỷ đồng. Qua kiểm tra có 267 đảng viên vi phạm về tài chính, trong đó phải thi hành kỷ luật 40 và đã thi hành kỷ luật 11 đồng chí.
Kết quả kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng cho thấy nội dung vi phạm về tài chính của tổ chức, đảng viên chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Vi phạm về quy định quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong xây dựng cơ bản, đền bù giải phóng mặt bằng, mua sắm tài sản công, chi chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách, thăm viếng, điện thoại, chiếm 60,8% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý ngân sách Đảng trong sản xuất, kinh doanh; thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí, chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách, thăm viếng, điện thoại…; chiếm 17,1% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tiền quỹ của đơn vị hoặc tiền đóng góp của tập thể, cá nhân, chiếm 4,9% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng các nguồn tiền khác, chiếm 17,1% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi.
UBKT TƯ đã đủ quyền lực?
Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng có nêu: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra đảng các cấp trong phòng, chống tham nhũng”. Thời gian tới, cần xây dựng Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT Trung ương trong phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu mô hình cơ quan chống tham nhũng chuyên trách tại UBKT Trung ương.
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn còn rất hạn chế
Trong công cuộc PCTN thời gian qua, nhất là trong việc thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng, UBKT TƯ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, để luật hóa và nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức này cần phải làm gì?
Theo ông Tạ Quang Thu, Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ, cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp và vận dụng phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong phòng, chống tham nhũng trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với vấn đề phát hiện và thu hồi tài sản do tham nhũng và tăng cường sự kiểm tra của UBKT các cấp đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng.
Cấp ủy và UBKT các cấp, đặc biệt là Bộ Chính trị ban hành các quy định để điều chỉnh hoạt động của đảng viên của mình, hiện nay, quan trọng nhất là Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng trong đó có quyền yêu cầu phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, quyền cấm xuất cảnh hoặc tạm dừng công tác đối với đảng viên có vi phạm nghiêm trọng về tham nhũng, tạo cơ sở, nền tảng cho hoạt động chống tham nhũng của UBKT các cấp và Quy định về xử lý tiền và tài sản vi phạm thu được qua công tác kiểm tra của Đảng.
Còn theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức TƯ, “Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy đã đến lúc phải có một tổ chức có thẩm quyền lớn hơn Ủy ban kiểm tra TƯ hiện nay, do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, kể cả trong Đảng và ngoài Đảng; thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, cơ qua ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và các tập đoàn kinh tế nhà nước.
“Chúng ta đều biết, trước đây, sau khi sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2007, Ban Chỉ đạo PCTN TƯ được thành lập, thuộc Chính phủ do Thủ tướng là Trưởng ban. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng phát sinh từ cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan quản lý nhà nước, nên mô hình Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo PCTN TƯ, thuộc Chính phủ đã không đạt hiệu quả.
Do vậy, Hội nghị TƯ 5 khóa XI của Đảng (tháng 5/2012) đã thống nhất chủ trương chuyển Ban Chỉ đạo PCTN TƯ thuộc Chính phủ, do Thủ tướng làm Trưởng ban sang Bộ Chính trị với tên gọi Ban Chỉ đạo PCTN TƯ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu; lập lại Ban Nội chính TƯ, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN TƯ.
Để chặt chẽ về mặt pháp lý và phù hợp với sự đổi mới từng bước của hệ thống chính trị thì cần phải chuyển Ban Chỉ đạo PCTN TƯ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu (như hiện nay) thành một tổ chức do nguyên thủ quốc gia”- ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TƯ.