Ông Trần Quốc Vượng và người tiếp nối dấu ấn của Ủy ban Kiểm tra TƯ
Ông Trần Quốc Vượng và người tiếp nối dấu ấn của Ủy ban Kiểm tra TƯ
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
“Việc Ban chấp hành Trung ương bầu ông Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ, tôi cho rằng Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã cân nhắc rất kỹ”, TS Lê Thanh Vân nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tập trung công việc Thường trực Ban Bí thư.
Như Dân Việt thông tin, hôm qua tại Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết đồng ý cho ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ban chấp hành Trung ương đã bầu ông Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. PV Dân Việt có trao đổi với TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong hơn hai năm qua ông thấy hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) đã để lại những dấu ấn gì?
- Trong hai năm vừa qua, Uỷ ban KTTƯ đã làm được nhiều việc thực chất, với những kết quả cụ thể, có tính thuyết phục cao. Những kết quả ấy được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, có nhiều người ví Uỷ ban KTTƯ như là một địa chỉ tin cậy. Những kết quả ấy cũng khẳng định quyết tâm của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực, lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng, khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Ông Trần Cẩm Tú, tân Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh IT).
Để có được thành công cần phải nói đến vai trò của người lãnh đạo như trường hợp ông Trần Quốc Vượng, ông nghĩ sao thưa ông?
- Rõ ràng, những kết quả đạt được trong hoạt động của Uỷ ban KTTƯ không thể tách rời vai trò của người đứng đầu là đồng chí Trần Quốc Vượng. Mặc dù, theo Điều lệ Đảng và các văn bản khác quy định Uỷ ban KTTƯ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nhưng vai trò khởi xướng, dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc trực tiếp của ông Trần Quốc Vượng có ảnh hưởng to lớn đối với kế hoạch, chương trình công tác và phương thức hoạt động của tập thể Uỷ ban KTTƯ.
Việc Ủy ban KTTƯ hoạt động hiệu quả đã góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ yếu kém, thoái hóa ra khỏi bộ máy, lập lại kỷ luật kỷ cương thế nào thưa ông?
- Những kết quả nổi bật trong hoạt động của Ủy ban KTTƯ thời gian qua nói lên nhiều điều, có tác động lớn đến công tác chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay. Điều đó thể hiện ở mấy ý nghĩa:
Thứ nhất, cùng với các cơ quan như Tổ chức, Nội chính, Tuyên giáo và Dân vận, cơ quan kiểm tra của Đảng là một trong những thiết chế chính trị bảo đảm cho việc duy trì trật tự, kỷ cương của Đảng, góp phần khôi phục và khẳng định sức mạnh, uy tín của Đảng.
Thứ hai, những kết quả tích cực từ việc xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các chức vụ lãnh đạo trong Đảng thời gian qua khẳng định quyết tâm của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động trong việc tự mình làm trong sạch “cơ thể” chính trị của Đảng, cả về tổ chức, cả về hình ảnh và uy tín của một đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt Nhà nước và xã hội trong bối cảnh sự tha hóa quyền lực đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Thứ ba, những kết quả hoạt động của Uỷ ban KTTƯ cho thấy không có vùng cấp, sự ưu ái đối với bất cứ cá nhân nào. Điều đó có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo trong toàn hệ thống, có tác dụng thúc đẩy sự chuyển biến, lan truyền trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc Trung ương lựa chọn ông Trần Cẩm Tú, Phó Chủ nhiệm thường trực thay ông Trần Quốc Vượng làm Chủ nhiệm là sự liền mạch, thuận lợi cho công việc của Ủy ban KTTƯ, ông có tin tưởng Ủy ban KTTƯ trong thời gian tới vẫn quyết liệt, mạnh mẽ?
- Việc Ban chấp hành Trung ương bầu ông Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ, tôi cho rằng Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã cân nhắc rất kỹ.
Có những yếu tố để chúng ta có thể tin tưởng ông Trần Cẩm Tú có thể kế tục những thành quả của người tiền nhiệm để lại. Trước khi là Chủ nhiệm ông Tú đã là Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban KTTƯ, đây là vị trí công tác chỉ đứng sau cấp trưởng để chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, đổi mới phương thứchoạt động của Ủy ban KTTƯ. Chính vì thế việc ông Tú kế tục người tiền nhiệm sẽ rất thuận lợi, bởi ông đã nắm được công việc, bao quát được hoạt động của cơ quan này.
Theo tôi được biết thời gian ông Trần Cẩm Tú được luân chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã thể hiện được năng lực của người lãnh đạo, tác phong giản dị, hòa đồng với quần chúng. Ông ở nhà công vụ, tự mình làm các công việc trong sinh hoạt. Tôi cũng được biết ông Trần Cẩm Tú là người có khả năng tập hợp được những cán bộ, đồng nghiệp xung quanh, biết lắng nghe ý kiến của nhiều người, có tinh thần thẳng thắn, có ý chí quyết tâm cao trong việc tập trung xử lý những vụ việc trọng điểm. Với những yếu tố phân tích nêu trên chúng ta có thể tin tưởng người kế tục ông Trần Quốc Vượng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Xin cảm ơn ông (!)
*Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa:
Tôi rất tâm đắc với hoạt động của Ủy ban KTTƯ thời gian qua, cơ quan này đã có những kết luận kịp thời, chính xác, khách quan trước những vụ việc nổi cộm đang được dư luận quan tâm. Từ đó giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm. Điều đó không những được dư luận đồng tình và đánh giá cao và điều quan trọng góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống. Đó là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
Tôi cho rằng, vừa quan Ủy ban KTTƯ đạt được kết quả ấn tượng, trước hết là công sức của tất cả các thành viên của Ủy ban, nhưng cũng phải nói đến vai trò của đồng chí Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm. Việc Trung ương bầu ông Trần Cẩm Tú, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban KTTƯ vào Ban Bí thư, bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ là sự lựa chọn rất phù hợp. Ông Tú đã có sự trải nghiệm khi thay ông Trần Quốc Vượng đó là sự kế thừa liền mạch, là điều kiện thuận lợi cho công việc.
*Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Trong nhiệm kỳ của khóa XII của Đảng có thể thấy Ủy ban KTTƯ đã làm được rất nhiều việc được dư luận và Nhân dân đánh giá cao. Thực tế để có được kết quả đó bên cạnh công sức của tập thể thì có vai trò của các đồng chí lãnh đạo, trong đó phải nói vai trò của Phó Chủ nhiệm thường trực.
Việc ông Trần Cẩm Tú theo ông Trần Quốc Vượng, đó là thuận lợi cho ông Tú riêng và Ủy ban KT TƯ nói chung. Bởi ông Tú có kinh nghiệm, quen môi trường công tác, đó là cơ sở vững chắc để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của Ủy ban KTTƯ trong giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Lương (ghi)
|
Ông Trần Cẩm Tú sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh. Ông từng là Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2004-2011; miễn nhiệm ngày 23 tháng 6 năm 2009); Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn;
Tháng 1 năm 2009, ông được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) bầu bổ sung làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1.2011) ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Tháng 8.2011, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Tháng 1.2015, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) ông lại được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 1.2016) ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau đó được phân công làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương