Đặc khu và nỗi lo đặc lợi

Ngày đăng: 07:13 24/05/2018 Lượt xem: 404


                                                Đặc khu và nỗi lo đặc lợi

 
                                            Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động


Đại biểu Quốc hội cảnh báo việc giao đất tới 99 năm - vượt quá một đời người - đối với dự án đầu tư đặc biệt có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ


Sáng 23-5, Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Giảm ưu đãi thuế cho casino

Lý do được đại biểu (ĐB) Lê Thu Hà (Lào Cai) đưa ra khi đề nghị cân nhắc việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử và đặt cược là bởi đây là lĩnh vực có tỉ suất lợi nhuận rất lớn. Theo ĐB Hà, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên doanh thu, tức là trừ đi số trả thưởng. Như thế, ưu đãi giảm đi 15%-20% thuế suất là rất lớn so với mức giảm thuế thu nhập DN.

Cũng với lý do các hoạt động thuộc lĩnh vực nghỉ dưỡng, kinh doanh giải trí, casino có tỉ suất lợi nhuận cao, ĐB Hà cho rằng cần cân nhắc loại bỏ việc miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm và ưu đãi thuế 10% trong 30 năm cho các lĩnh vực này.

dac khu va noi lo dac loi

Một góc đặc khu Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: Kỳ Nam

"Việc có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính trung lập, công bằng của chính sách thuế. Ưu đãi quá lớn lại được áp dụng cho các lĩnh vực không được xã hội khuyến khích sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá…" - bà Hà nói.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dịch vụ đặc biệt như kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử… Bởi lẽ, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng và chỉ áp dụng theo lộ trình tăng. Nhiều nước trên thế giới không áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng thuộc đoàn ĐB Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng ngoài ưu tiên các lĩnh vực nghỉ dưỡng, khách sạn, casino thì cũng nên khuyến khích chung về phát triển y tế. Việc xây dựng kinh doanh bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh là để phục vụ cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cộng đồng DN tại đặc khu.

Giao đất 99 năm: Coi chừng mời "cướp" vào nhà

Bấm nút tranh luận với những ý kiến đồng tình giao đất đến 99 năm cho những dự án đầu tư đặc biệt, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định về địa - chính trị, đặc biệt với đặc khu Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì ưu đãi thời hạn cho thuê đất dài sẽ tạo hệ lụy khi biến đặc khu thành nơi di dân. Thực tế, một số quốc gia đã bỏ số tiền lớn gấp nhiều lần giá trị thực tế để mua cả một vùng đất, cảng biển bên ngoài lãnh thổ của họ.

"Liệu chúng ta có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không? Chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri đã bầu cho mình nên cần rõ ràng trong bày tỏ quan điểm, nhất là với những vấn đề nhạy cảm, quan trọng" - ĐB Quốc nói và đề nghị khi bỏ phiếu thông qua dự luật, cần bỏ biểu quyết riêng về thời hạn cho thuê đất.

ĐB TP HCM Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị loại bỏ nội dung thời hạn giao đất đến 99 năm cho nhà đầu tư bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào hiện có thời hạn dài đến thế. "Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải thu hồi đất. Thời gian dài ngang với 3-4 thế hệ, thực chất là hình thức nhượng địa mà chỉ những nước nghèo đói hoang sơ cần đến. Có những quốc gia chỉ cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới, tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng. Đã có bài học nhãn tiền nên luật phải thiết kế chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không mời "cướp" vào nhà. Nếu "kẻ cướp" giả làm bạn tốt thì phải có chế tài" - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Lê Thu Hà phân tích: "Theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ. Giao đất sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần".

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là chính sách vượt trội. Ông đề nghị giữ nguyên nhưng phải quy định đâu là trường hợp đặc biệt được giao đất 99 năm bởi nhiều nước đã làm. Tất nhiên, dự luật vẫn còn để mở, tức là để được giao đất, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giảm quyền của chủ tịch đặc khu

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lưu ý cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt các quy định tăng quyền cho chủ tịch để chuyển quyền UBND, từ đó UBND ủy quyền trách nhiệm cho phó chủ tịch và các ban, ngành chuyên môn.

"Theo dự thảo, nhiều nội dung chủ tịch ký như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi thu hồi giấy phép thành lập hoạt động các chi nhánh văn phòng đại diện… Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Theo dự thảo này, vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. Một trăm việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm" - ĐB Phương bày tỏ.

 
tin tức liên quan