Hẳn nhiều người còn nhớ, tại Ấn Độ năm nào, khi một đoàn tàu lửa bị đâm đổ gây tai nạn khủng khiếp khiến nhiều người thiệt mạng, vị bộ trưởng Giao thông nước họ đã tức thì có đơn từ chức. Rồi chuyện đắm phà năm xưa do đâm phải đá ngầm trên biển tại Hàn Quốc khiến rất nhiều du khách trong đó có nhiều học sinh trên phà bị mất mạng oan. Thế mà vị bộ trưởng Giao thông xứ Kim Chi năm đó cũng tức thì có đơn xin từ chức... Các vị bộ trưởng đó chẳng cần chờ đến khi Quốc hội nước mình có ý kiến. Họ từ chức rất thanh thản vì họ hiểu rằng chính mình cũng đã có phần trách nhiệm trong đó.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Giao thông New Zealand Phil Twyford cũng đã lên tiếng xin lỗi và viết đơn từ chức gửi Thủ tướng Jacinda Ardern sau khi ông thực hiện một cuộc gọi trên máy bay ngay trước thời điểm cất cánh - hành động được cho là vi phạm các quy tắc hàng không dân dụng.
Bộ trưởng Giao thông New Zealand Phil Twyford đã chủ động đưa ra lời xin lỗi và xin từ chức vì gọi điện thoại trong lúc máy bay chuẩn bị cất cánh.(Ảnh: RNZ)
Một vi phạm có thể coi là rất nhỏ, người đứng đầu tự động xin lỗi, tự động viết đơn từ chức – chuyện này vốn không lạ ở nhiều nước. Nhưng ở nước ta, một cây cầu bị sập khi đang thi công trụ cầu; một chuyến tàu khách bị đổ do người gác ba ri e dọc đường ngủ quên; một cung đường liên tục xảy ra sự cố tai nạn chỉ vì vấn đề kỹ thuật không chuẩn khi thiết kế; một vụ buôn thuốc chữa ung thư giả rúng động... Tất cả những hiện tượng đó vẫn luôn xảy ra, thế nhưng chưa từng thấy một quan chức cấp trên nào xin lỗi, nhận sai và xin từ chức.
Vâng, không thấy và chưa thấy ai hết trong vài chục năm qua. Dù sau đó, những hệ luỵ của nó đã diễn ra: Uy tín của quan chức đứng đầu bị mất điểm trong mắt người dân.
Trong chế độ phong kiến xưa kia ở nước ta, đối với giới quan lại, các cụ đều phải qua trường lớp thi cử nghiêm túc thì mới được bổ làm quan. Phải chăng lễ giáo phong kiến và lối sống văn hoá nho giáo căn cơ, lại do được học hành thi cử tử tế nên không có hoặc rất ít có chuyện "chạy" bằng cấp và "chạy" kiến thức. Hơn nữa, lòng tự trọng của các cụ cũng rất cao. Làm quan hay cáo quan về nhà dạy học, làm thuốc giúp đời thường rất hay xuất hiện trong lối sống của giới quan trường xưa. Họ suy nghĩ chuyện cáo quan về quê nhẹ tựa lông hồng.
Phải chăng bây giờ, vật chất đãi ngộ công bộc của dân quá lớn, khả năng "thu hoạch" rất dễ nhờ vào dựa chức tước. Hơn nữa, chức tước của một bộ phận cán bộ có được cũng do "chạy" mới có, họ còn phải cố giữ để tận thu “bù chi” nên văn hoá từ chức mới trở nên khó khăn đến thế?
Hiện nay, trong Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ, nếu số phiếu tín nhiệm thấp thì cơ quan, tổ chức nào bổ nhiệm người đó sẽ làm thủ tục đề nghị bãi nhiệm, miễn nhiệm. Nhưng trước khi bãi/miễn nhiệm thì cũng ưu tiên cho việc họ từ chức.
Vẫn biết, thật không dễ gì để có ai đó xin từ chức khi mà lằn ranh giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo vốn rất mong manh. Ở ta, việc quy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị vốn rất khó khăn khi mà cái gì cũng do tập thể cấp uỷ đã bàn và thống nhất. Người ta thường có suy nghĩ rằng, việc xảy ra ở đơn vị mình tại sao chỉ mình phải chịu kỷ luật?
Ở Việt Nam, văn hóa từ chức vẫn là điều xa xỉ (Ảnh minh họa)
Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể chỉ trông đợi ở sự “tự giác” mà cần suy nghĩ một cách thực tế hơn, có trách nhiệm hơn trong câu chuyện từ chức. Theo tôi, từ cấp thứ trưởng trở xuống, quy định từ chức nên đưa vào Luật Cán bộ, Công chức. Còn từ chức danh như bộ trưởng, trưởng ngành trở lên thì việc từ chức phải đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ bởi Luật Cán bộ, Công chức chỉ có phạm vi điều chỉnh từ cấp thứ trưởng trở xuống mà thôi.
Cách đây không lâu, khi đề cập đến vấn đề này, tôi nhớ ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam có nói đại ý rằng, việc từ chức có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan, tổ chức nào từ ủy ban nhân dân các địa phương tới lãnh đạo của Quốc hội… Vì vậy, theo ông thì nên đưa quy định từ chức vào Luật Cán bộ, Công chức thì đúng hơn, phù hợp hơn là đưa vào Luật tổ chức Chính phủ...
Lại nhớ thời kỳ miền Bắc được giải phóng dần khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, từ năm 1953-1956 chúng ta đã tiến hành Cải cách ruộng đất, đem ruộng, nương về tay nông dân nghèo khó. Cải cách ruộng đất tuy đem lại những kết quả mang tính chiến lược nhưng cũng chính cuộc Cải cách ruộng đất lại phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.
Để lấy lại lòng tin của nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam ngày ấy đã triển khai ngay 2 việc: vừa thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo và điều hành công cuộc Cải cách ruộng đất và lại vừa tiến hành sửa sai khẩn trương những gì được xem là giáo điều, cứng nhắc được rập khuôn từ Trung Quốc một cách thiếu chọn lọc, thiếu sáng tạo
Giữa tháng 8.1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ đảng viên cả nước , thừa nhận sai lầm của Đảng trong Cải cách ruộng đất và cho biết Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm. Tại Hội nghị Trung ương 10.1956, Đảng đã thông qua quyết định thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo công cuộc Cải cách ruộng đất. Ông Trường Chinh, với tư cách là người chỉ đạo cao nhất, đã xin từ chức Tổng Bí thư. Thế nhưng đúng 30 năm sau (1986), chính tư tưởng Đổi mới xuất thần của nhà cách mạng kiệt suất Trường Chinh đã đưa ông quay trở lại cương vị Tổng bí thư của Đảng trong sự tín nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân.
Nhắc lại việc này để thấy, những người cộng sản chân chính, một khi họ đã một lòng, một dạ phụng sự tổ quốc, phục vụ và hy sinh vì Đảng và phục vụ nhân dân thì luôn được dân tin, dân yêu và ngược lại, tổ chức Đảng cao nhất cũng tin tưởng ở họ...
Văn hoá từ chức, đó phải là nhân cách của người cán bộ lãnh đạo. Không có lý gì những người luôn tự coi mình là công bộc của dân, luôn được học tập và tiếp thu tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không không đủ tự trọng, bản lĩnh để từ chức khi thấy mình vi phạm khuyết điểm hoặc tự thấy mình không xứng đáng, dù ai cũng hiểu, nó rất khó khăn!