Hé lộ về ‘cánh tay phải’ của ông Kim Jong Un
Nguồn:Báo Điện tử
Việc ông Hwang Pyong-so là người đàn ông quyền lực thứ hai tại Triều Tiên giờ đây không còn là lời đồn đoán và cũng không có gì bất ngờ.
Điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, một nhân vật không mang họ Kim, thuộc khối Đảng lại mau chóng được đề bạt vị trí “dưới một người trên vạn người” trong quân ngũ dù không có nhiều kinh nghiệm binh nghiệp.
|
Ông Hwang Pyong-so (chính giữa) tại sân bay Quốc tế Incheon, Hàn Quốc trong một chuyến thăm hiếm hoi. Ảnh: EPA
|
Hoán đổi vị trí
Câu hỏi “ai là người thứ hai” trong chính quyền của lãnh đạo Kim Jong Un có lúc bỏ ngỏ, đặc biệt là sau vụ hành quyết chú của lãnh đạo Kim - ông Jang Song-thaek. Kể từ khi ông Jang qua đời, có nhiều người nhắm tới vị trí này.
Trong số những ứng viên hàng đầu cho vị trí “cánh tay phải” của Nguyên soái Kim Jong Un không chỉ có ông Hwang, mà còn có ông Choe Ryong-hae và Kim Yang-gon. Kim Yang-gon là Chủ tịch Mặt trận Thống nhất, một kênh truyền thông quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Hwang Pyong-so và Choe Ryong-hae thường thay thế vị trí của nhau. Vào thời điểm cuối năm 2014, báo giới nước ngoài không thể đưa ra nhận định chính xác về vị thế chính thức của ông Hwang và ông Choe trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Tháng 5/2014, ông Hwang thay thế ông Choe làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Tới tháng 10/2014, ông Choe trở lại vị trí này.
Ông Choe đóng vai trò là cố vấn thân cận về mặt quân sự và từng là một trong những tên tuổi được đề cập tới sau khi ông Jang chết.
Ông Choe từng có lúc được đánh giá cao hơn ông Hwang trong một thời gian ngắn. Thậm chí có lúc, ông Choe được coi là “nhân vật số hai” tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, tên tuổi của Hwang trở nên nổi bật hơn hết vào mùa thu năm ngoái, khi ông cùng với ông Choe Ryong-hae và Kim Yang-gon bất ngờ tới Incheon, Hàn Quốc dự lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á trong lúc lãnh đạo Kim Jong Un đột ngột vắng bóng trên chính trường.
Cũng trong cuối năm ngoái, Phó Nguyên soái Hwang nhậm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn Kim Jong Un là chủ tịch.
Đến nay Hwang Pyong-so đang được coi là nhân vật nổi trội nhất trong hàng ngũ “những người thứ nhì” trong chính quyền Bình Nhưỡng. Điều này càng được củng cố hơn khi ông được bầu vào bộ chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên vào tuần này.
Vị trí Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cùng với vị thế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân đã chấm dứt mọi nghi vấn, và thực sự chứng tỏ ông Hwang là người chỉ đứng sau Kim Jong Un.
|
Ông Hwang Pyong-so và ông Kim Jong Un trong một sự kiện vào 10/5/2014. Ảnh: Reuters
|
Bước nhảy vọt
Việc một nhân vật không thuộc dòng dõi họ Kim như ông Hwang Pyong-so nắm các vị trị trọng yếu trong quân đội và Đảng là điều kỳ lạ trong những năm gần đây.
Ông Hwang sinh khoảng năm 1949 (có nguồn ghi 1946), cùng thế hệ với những người trong hàng ngũ lãnh đạo quanh Kim Jong Un. Ông theo học tại Trường cách mạng Mangyo’ngdae và Đại học Kim Nhật Thành. Ông là bạn học cùng lớp đại học với Kim Kyong Hui, cô ruột của Kim Jong Un. Ông Hwang được cho là có quan hệ mật thiết về chính trị với mẹ của Kim Jong Un là bà Ko Yong Hui.
Ông Hwang Pyong-so được cho là bắt đầu sự nghiệp chính trị vào những năm 1970. Thông tin về quá trình làm việc chính thức trước đó của ông quá ít, nên thế giới bên ngoài không rõ ông từng làm việc trong cơ quan nào của Đảng Lao Động. Ông Hwang làm Phó Chủ tịch Cục Tổ chức và Chỉ đạo (OGD) vào khoảng năm 2005.
Theo trang North Korea Leadership Watch, chuyên theo dõi tình hình các nhân sự cấp cao trong chính quyền Triều Tiên, ông Hwang “chịu trách nhiệm quản lý chính trị (các quyết định nhân sự, giám sát, và bổ nhiệm các vị trí) của lực lượng vũ trang cũng như giáo dục chính trị và hoạt động văn hóa”.
Ông thường đi thị sát cùng với cố lãnh đạo Kim Jong Il từ năm 2005-2007. Sau đó, ông xuất hiện nhiều hơn trong các bản tin của báo chí trong nước. Từ năm 2007, ông Hwang xuất hiện bên Kim Jong Un nhiều hơn.
Trong danh sách các tướng lĩnh tham gia lễ tang của Kim Jong Il hồi tháng 12/2011, ông Hwang xếp vị trí 124. Kể từ đó, Hwang Pyong-so trở thành một trong những người tâm phúc của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, với vai trò là “người gác cửa” và người được ủy quyền giữa lãnh đạo tối cao và các tổ chức then chốt trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
Khi làm việc tại OGD, ông Hwang nhận các báo cáo hàng ngày và tài liệu chính trị, sau đó nộp lại báo cáo này cho Kim Jong Un. Tiếp đó, ông truyền đạt lại chỉ thị của lãnh đạo tối cao tới các tổ chức an ninh.
Ngày 2/7/2014, ông Hwang tiếp các lãnh đạo vào thành viên một phái đoàn quân sự của Nga. Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với một phái đoàn nước ngoài với tư cách là lãnh đạo Tổng cục Chính trị.
Một điều đặc biệt nữa, là người thuộc cơ quan Tổ chức và Chỉ đạo – cơ quan quyền lực và bí mật có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm chức vụ trong chính quyền, ông Hwang không có nhiều kinh nghiệm về quân sự nhưng vẫn đeo quân hàm tương đương tướng bốn sao.
“Kim Jong Un rất ấn tượng với sư đoàn do ông Hwang lãnh đạo khi đi thị sát. Đó là một trong những đơn vị thiện chiến nhất” – Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin tại Bình Nhưỡng.
Là người thân tín của Jong Un, nhưng ông Hwang ít xuất hiện trước công chúng bên ngoài cho tới khi tới Incheon, Hàn Quốc vào năm ngoái. Trong suốt cả chuyến công du 12 giờ đồng hồ, ông Hwang luôn tươi cười, xem pháo hoa và nghe nhạc pop của nước láng giềng.
Một chuyên gia nghiên cứu về lãnh đạo của Triều Tiên là Michael Madden nói rằng nhiều người tiếp xúc với ông Hwang đều cho rằng ông là người không có vẻ tự phụ, luôn thiên về hướng đồng thuận và “rất dễ chịu khi trò chuyện”.
Các chuyên gia hiện chưa rõ mức độ tác động giữa cơ quan Tổ chức và Chỉ đạo, cũng như của ông Hwang đối với Kim Jong Un, nhưng hầu như đều nhất trí rằng giữa các nhân sự trong Đảng và gia đình Kim Jong Un từ lâu đã có sự tin cậy lẫn nhau, nhất là qua bước tiến vượt bậc “đặc biệt” của ông Hwang.