Đại biểu Đặng Thế Vinh phát biểu sáng 1/6.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhận định, bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Vinh cho rằng không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư.
Luật Công chứng cũng đã quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh sẽ xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng không nên quy hoạch tổng thể trên quy mô quốc gia đối với quy hoạch công chứng.
Ông Nghĩa cho rằng dịch vụ công chứng không như dịch vụ massage, karaoke, hậu quả và hệ quả của nó rất lớn. Vì vậy, việc bỏ quy hoạch tổng thể là đúng nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch trên các tỉnh, thành, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Vị đại biểu này cho rằng có những giấy tờ công chứng hôm nay lập nhưng đến 20-30 năm sau mới có sự tác động.
“Vậy nếu một phòng công chứng hoạt động sau 5-7 năm rồi đóng cửa thì sẽ như thế nào?”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.
“Tôi có hỏi Sở Tư pháp thì được biết nếu một văn phòng công chứng đóng cửa thì toàn bộ hồ sơ sẽ bàn giao lại cho Sở Tư pháp quản lý. Vậy nhưng người công chứng viên làm bậy thì họ có còn ngồi đó hay là đã đi định cư nước ngoài rồi?”, luật sư Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng “nhà nước có trách nhiệm phát triển phòng công chứng ở vùng khó khăn, không có khả năng đầu tư, để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, do vậy không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng kế hoạch”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đồng ý quan điểm không đưa vào quy hoạch đối với quy hoạch các văn phòng công chứng.
“Theo quy định của Luật Công chứng đã giao cho Chính phủ quy định vấn đề này rồi thì Chính phủ cứ thế thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật Công chứng do Quốc hội ban hành. Nếu đưa vấn đề đó vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là trái với phương châm được chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội, đó là chỉ xem xét những vấn đề liên quan đến quy hoạch, còn những vấn đề về chính sách sẽ không được xem xét tại kỳ họp này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận.
Theo quan điểm của đại biểu Nhưỡng, không nên đưa nội dung “giao Chính phủ quy định” vì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Những gì Chính phủ đã được giao rồi thì Chính phủ cứ thực hiện, nếu nâng cao điều kiện nào đó thì Chính phủ báo cáo lại Quốc hội. Cho nên ban soạn thảo cần phải hết sức rõ ràng, tôi thấy Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất là lo”, ông Nhưỡng nói.