Bộ trưởng Tô Lâm: Đề xuất GĐ công an cấp tỉnh có hàm thiếu tướng

Ngày đăng: 02:29 07/06/2018 Lượt xem: 582



Bộ trưởng Tô Lâm: Đề xuất GĐ công an cấp tỉnh có hàm thiếu tướng

                                                                           Nguồn:Báo Điện tử


Dự luật CAND (sửa đổi) được Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình QH sáng nay có quy định giám đốc công an cấp tỉnh được mang hàm tướng thay vì chỉ đại tá như hiện nay.

 

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung luật CAND năm 2014.

Giám đốc Công an,Bộ trưởng Công an,Tô Lâm,tướng công an,phong tướng
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Minh Đạt

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của hội nghị TƯ 6 khóa 12, đặc biệt là  nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trong đó, xác định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với công an tỉnh, xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, thực tiễn thi hành luật CAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND nên việc triển khai thi hành còn lúng túng…

“Từ những căn cứ nêu trên cho thấy, việc ban hành luật CAND (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đi vào nội dung cụ thể của dự luật này, điều 26 quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân quy định rõ, cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM sẽ mang hàm Trung tướng.

Còn hàm Thiếu tướng sẽ được quy định cho các chức danh: Trợ lý Bộ trưởng Công an; cục trưởng một số cục và tương đương; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.

3 loại ý kiến khác nhau

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết có 3 loại ý kiến khác nhau về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh.

Giám đốc Công an,Bộ trưởng Công an,Tô Lâm,tướng công an,phong tướng
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Minh Đạt

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự luật. Bởi lẽ, việc quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ở địa phương  được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay. Điều này cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Tuy nhiên, việc xác định giám đốc công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong luật.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng. Lý do, chức năng, nhiệm vụ của giám đốc công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo bộ như các cục thuộc bộ.

Đồng thời, quy định như vậy bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng trong công an theo xác định của cấp có thẩm quyền.

Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.

Loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự luật. Bởi, theo quan điểm này cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.

Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 như nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UB Thường vụ QH không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự. Đồng thời, loại ý kiến này cũng băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.

Giảm còn 60 đầu mối cấp cục và tương đương

“UB Quốc phòng An ninh nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng thời điểm sửa luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ. Nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 6 tổng cục, 2 bộ tư lệnh, 126 đơn vị cấp cục và tương đương chỉ còn gần 60 đầu mối cấp cục và tương đương, không có cấp trung gian (cấp tổng cục).

Do vậy, UB Quốc phòng An ninh đề nghị QH nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

tin tức liên quan