Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao Mỹ - Triều nhóm họp tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có màn bắt tay lịch sử trong cuộc gặp đầu tiên tại khách sạn Capella, Singapore vào ngày 12/6. Tổ chức thành công sự kiện này là một thách thức không nhỏ, nhất là khi hai nhân vật quan trọng nhất lại là lãnh đạo của hai quốc gia “cựu thù”.
Những điều mới lạ
Giống như nói chuyện với “người ở thế giới khác”. Kể cả khi ngồi trên những chiếc bàn tại khách sạn Capella sang trọng hay tại Khu phi quân sự liên Triều vắng vẻ. Đó là cách các quan chức Mỹ từng tham gia vào các cuộc đàm phán với các đối tác Triều Tiên mô tả về những lần gặp mặt của họ trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Người Triều Tiên chưa bao giờ tham gia vào các sự kiện nào kiểu như vậy và cũng không quen với sự tiếp cận của phóng viên trong các cuộc họp. Ngoài ra, họ luôn lo sợ về nguy cơ gián điệp cũng như ám sát. Theo một quan chức tham gia vào công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, ấn tượng của người Mỹ về đội ngũ chuẩn bị hậu cần của Triều Tiên là một nhóm có tổ chức, có định hướng cụ thể và luôn tập trung vào sứ mệnh mà họ được giao. Ngoài ra, phía Mỹ cũng bất ngờ về việc có nhiều phụ nữ nắm giữ những vị trí cấp cao trong phái đoàn Triều Tiên.
Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã dành cho nhau cả ngày họp bàn để thống nhất các thỏa thuận mà sau này dự kiến đưa vào tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo. Xuất phát từ mong muốn của Nhà Trắng về việc biến hội nghị thượng đỉnh thành sự kiện truyền thông quốc tế, phía Mỹ đề xuất cử một phóng viên ảnh chính thức tới để ghi hình nhưng Triều Tiên đã phản đối.
“Làm thế nào để chúng tôi biết cô ấy không phải là gián điệp?”, phía Triều Tiên hoài nghi. Rốt cuộc họ cũng đồng ý để phóng viên ảnh có thể tham dự, theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận.
Những lo lắng tương tự cũng xuất hiện trong các cuộc hội đàm. Phái đoàn Triều Tiên lo ngại rằng chính các máy quay được các phóng viên sử dụng có thể là vũ khí trá hình.
Khoảng cách lòng tin
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều chuẩn bị bước vào phòng họp kín tại khách sạn Capella ngày 12/6 (Ảnh: Reuters)
Không chỉ phái đoàn Triều Tiên, mà chính những người Mỹ cũng không hoàn toàn đặt niềm tin vào các đối tác Đông Bắc Á. Từ những cuộc họp đầu tiên để chuẩn bị hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, các quan chức Mỹ đã nhận định rằng vượt qua khoảng cách lòng tin về an ninh là một trong những rào cản lớn nhất để hai nhà lãnh đạo có thể cùng nhau bước vào một căn phòng.
Bất kỳ người nào mà Nhà Trắng muốn cử vào phòng họp, Triều Tiên đều muốn biết làm thế nào để họ có thể kiểm tra xem liệu người đó có phải là gián điệp hay có ý định làm hại nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không.
Các quan chức Mỹ đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Singapore trong việc giúp ngăn chặn khoảng cách lòng tin giữa hai phái đoàn, không để vấn đề này phá hỏng hội nghị thượng đỉnh.
Các điểm kiểm tra an ninh đều do các quan chức Mỹ, Triều Tiên và Singapore phối hợp tuần tra chung. Một số nhà báo tới tác nghiệp phải trải qua các bước kiểm tra an ninh riêng rẽ do từng nước thực hiện. Phía Mỹ cũng đồng ý hạn chế số lượng quan chức chính phủ được phép ra vào nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh để tương xứng với quy mô nhỏ hơn của phái đoàn Triều Tiên.
Do vậy, ngoại trừ những nhà đàm phán cấp cao nhất của Mỹ, tất cả những người còn lại, bao gồm nhiều chuyên gia, buộc phải theo dõi sự kiện thông qua tivi và thư điện tử cập nhật tại khách sạn nơi Tổng thống Trump ở lại trong thời gian lưu trú tại Singapore, cách địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh 20 phút lái xe.
Những thói quen khó bỏ
Tại lễ ký kết tuyên bố chung vào chiều 12/6, một quan chức Triều Tiên đã đeo găng tay kiểm tra ghế ngồi của ông Kim Jong-un cũng như chiếc bút màu đen in chữ ký của Tổng thống Trump được đặt sẵn trên bàn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ sử dụng chiếc bút này để ký vào tuyên bố chung.