Người dân Venezuela phải trả 3 triệu bollivar cho 36 quả trứng do lạm phát và suy thoái kinh tế. (Ảnh: AFP)
“Chúng tôi là một quốc gia của những triệu phú. Bạn là triệu phú vì bạn phải trả 3 triệu bollivar (khoảng 30 USD theo tỉ giá hối đoái của ngân hàng) cho 36 quả trứng, trong khi lương cơ bản là 2,6 triệu bollivar (khoảng 26 USD). Nếu bạn chỉ nhận lương cơ bản, bạn sẽ không thể mua số thực phẩm trên”, Elizabeth Torres, một công dân Venezuela, nhìn xuống những khay trứng đang bày ngoài chợ và nói với hãng tin AFP.
Venezuela đang trải qua quá trình suy thoái tồi tệ nhất từ trước tới nay. Từng là quốc gia có lượng dự trữ dầu thô hàng đầu thế giới, là nước giàu nhất nhì trong khu vực Nam Mỹ, Venezuela đã gặp phải khủng hoảng kinh tế và lạm phát trầm trọng đến mức đồng tiền bollivar đã trở nên mất giá gần như hoàn toàn.
Theo nghiên cứu một đại học hàng đầu Venezuela, 87% dân số nước này hiện đã được xếp vào nhóm người nghèo.
Trong một khu chợ ở phía đông thủ đô Caracas, ông Torres, một kế toán 64 tuổi nghỉ hưu, là một trong những người đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế. Giữa những quầy hàng thịt, rau và nhu yếu phẩm, mọi người phàn nàn về chi phí sinh hoạt.
Lương hưu của ông Torres là 32 USD theo tỉ giá hối đoái chính thức của ngân hàng, nhưng nếu mang ra chợ đen số tiền hàng triệu bollivar ông có chỉ tương đương vỏn vẹn 1 USD. Người dân nước này đã quen với việc phải mang số tiền hàng triệu thậm chí hàng chục triệu bollivar để mua bột mì, gạo, bánh mì và một số thực phẩm khác.
Carmen Machado, 57 tuổi, vừa bị sa thải một vài ngày trước khỏi vị trí lao công quét dọn văn phòng. Họ trả cho bà mức bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng là 5,8 triệu bollivar, số tiền chỉ đủ để mua 1 kg thịt.
Người dân Venezuela buộc phải quen với việc thích nghi với mức giá tăng “phi mã” gấp từ 2-3 lần mỗi tuần. Tại quốc hội, các nghị sĩ đảng đối lập ước tính tỉ lệ siêu lạm phát của Caracas là 25.000% trong 12 tháng qua, có nghĩa là giá của một món đồ bị đắt gấp 250 lần so với 1 năm trước đây.
Chật vật để sinh tồn
Bên trong một siêu thị ở Venezuela, các mặt hàng nhu yếu phẩm đều có giá hàng triệu bollivar. (Ảnh: AFP)
Tại một cửa hàng cho thú cưng, bà Olga Aviles, 53 tuổi, trăn trở giữa việc mua 1 lon thức ăn cho mèo hay mua 1 kg thịt cho gia đình. “Luôn luôn phải có sự hy sinh nhất định. Nếu tôi quyết định mua thứ này, tôi sẽ không còn đủ tiền để mua thứ khác. Hiện giờ, chúng tôi đang chỉ tồn tại, chứ không sống (tận hưởng cuộc sống). Nếu bạn mua hoa quả, bạn sẽ không thể mua rau. Nếu bạn mua bột mì, bạn không thể mua ngũ cốc”, bà Aviles nói.
Dù chính phủ Venezuela đã bán các mặt hàng thực phẩm bình ổn giá ở các khu dân cư nghèo, và giữ cho chi phí điện, nước, khí đốt ở mức rất thấp, nhưng phần lớn hàng hóa và dịch vụ bị định giá theo USD hay “đô la chợ đen”, với tỉ giá gấp 30 lần tỉ giá chính thức (30 USD theo tỉ giá ngân hàng tương đương 1 USD theo tỉ giá chợ đen).
“Chúng tôi buộc phải để các thành viên trong gia đình ra nước ngoài và gửi đồ về tiếp tế. Nếu chỉ dựa vào những gì chúng tôi có ở đây, về cơ bản chúng tôi không thể đủ ăn”, bà Aurora Gonzalez, 71 tuổi, nói. Con trai bà buộc phải di cư sang nước lân cận và kiếm tiền gửi về nhà để gia đình có thể duy trì cuộc sống.
Năm 2017, nhà nước Venezuela phát hành đồng tiền 100.000 bollivar, nhưng tờ tiền này hiện tại không đủ để mua một quả trứng. Người dân nước này thậm chí còn tự động cắt đi 3 số 0 khi giao dịch đời thường, ví dụ thay vì 4,5 triệu, họ sẽ gọi là 4.500 “để giao dịch thuận tiện hơn và tạo ra hiệu ứng tâm lý" bớt tiêu cực hơn.
Đức Hoàng
Theo CNA