Đường lưỡi bò và con chó của GS Carl Thayer

Ngày đăng: 07:24 21/06/2018 Lượt xem: 422


             Đường lưỡi bò và con chó của GS Carl Thayer

                                                                 Nguồn:Báo Điện tử


Tôi đang chờ đợi đến cuối năm để dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 10, và viết về cuộc tranh luận của GS Carl Thayer với các học giả Trung Quốc.



Tại Hội nghị Biển Đông lần thứ hai, diễn ra tại TP. HCM cuối năm 2010, tôi đang toét miệng cười đến chào GS Carl Thayer, thì gặp ngay bộ mặt lạnh tanh khác thường của ông. Ông nghiêm giọng nói: “Những gì tôi nói với anh về Tướng Vịnh là câu chuyện riêng tư, anh không nên đưa vào bài báo.”

Tôi mới sực nhớ ra một chi tiết liên quan tôi đã đưa vào bài “Vai diễn mới của Trung Quốc?”. Tôi vội vàng xin lỗi ông. Nhìn bộ mặt xịu ra đầy hối lỗi của tôi, mặt ông dịu lại, nói giọng nhẹ nhàng: “Thôi, bỏ đi. Mà cũng tại tôi không dặn anh trước là đừng viết những chuyện đó.”

Nhân cơ hội đó, tôi mời luôn ông đi uống cà phê, để lời xin lỗi được chân tình. Ông đồng ý, và hẹn tôi sáng Thứ Bảy, khi hội thảo đã kết thúc. 

carl thayer,Biển Đông,Đường lưỡi bò,Đảo nhân tạo,Nguyễn Cơ Thạch
GS Thayer chuẩn bị tranh luận với 2 học giả Trung Quốc tại Hội thảo Biển Đông 2010, sau GS Thayer là TS Vương Hàn Lĩnh. Ảnh: Huỳnh Phan

Không chỉ ly cà phê mà cả một câu chuyện

Sáng Thứ Bảy, GS Carl Thayer nói ông không muốn uống cà phê ở khách sạn, và bảo tôi cứ đi theo ông. Thấy ông đi loằng ngoằng hết phố nọ sang phố kia, tôi thầm nghĩ “khéo ông giáo sư này nhầm đường”, nhưng vẫn cứ lẳng lặng đi theo. Tôi cũng chẳng thạo đường Sài Gòn!

Đi bộ một hồi khá lâu, cỡ chừng 20 phút đồng hồ, ông dừng lại trước một tòa nhà, và nói: “Đây là thư viện từ thời Sài Gòn trước năm 1975, nơi tôi lục tìm những tài liệu đầu tiên về Việt Nam.”

Ông kể, ông sang Sài Gòn năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học Brown (Mỹ), trong chương trình International Voluntary Services, dạy tiếng Anh trong vòng một năm. Hàng tuần, cứ giờ rỗi là ông lại qua thư viện tìm sách về lịch sử Việt Nam. Ông còn nhớ cậu bé giúp ông tìm sách vẫn lưng trần, quần xà lỏn, mà nhiệt tình “hết sẩy”.

Ông nói: “Hồi đó, tìm hiểu về Việt Nam đang là “mốt” ở Mỹ, vì cuộc chiến tranh khốc liệt ở đây, và tôi cũng không là ngoại lệ.”

Bên bàn cà phê, khi chúng tôi ngồi sau đó, ông kể rằng ông lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Yale (năm 1971), và bảo vệ tiến sĩ ở The Australian National University (1977). Trong thời gian đó, ông lục tìm ở các nguồn khác tư liệu về Việt Nam.

“Thú vị nhất là tôi tìm thấy một loạt tạp chí “Học tập” tại Sứ quán CHDC Đức ở Úc”, ông nói.

Ông nói, lần đầu tiên ông đến miền Bắc Việt Nam là đầu những năm 80 của thế kỷ trước. “Khi Nguyễn Dy Niên sang làm Đại diện lâm thời Việt Nam tại Úc, năm 1973, ông có tiếp xúc với tôi, và chuyển lời mời sang thăm Việt Nam của ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là thứ trưởng ngoại giao”.

Đến 9 năm sau, khi lời mời của ông Nguyễn Dy Niên được thực hiện, ông Nguyễn Cơ Thạch đã trở thành bộ trưởng ngoại giao. Ông kể: “Bộ trưởng Thạch đã tiếp tôi, cung cấp những thông tin cần thiết về cuộc chiến ở Campuchia, và cả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trước đó 3 năm. Ông còn lo chuyến đi của tôi sang thăm Campuchia nữa.”

“Tầm nhìn của Bộ trưởng Thạch thật là khác biệt!” GS Thayer nhớ lại.

Trong thời gian dạy ở Học viện Quốc phòng Úc, thuộc Đại học New South Wales, ông có một số học trò là các sĩ quan quân đội Việt Nam.

“Thực ra, liên kết về quốc phòng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã có từ trước khi hai nước ký kết chính thức, khi trong Học viện Quốc phòng Úc cũng có một số sỹ quan Mỹ đến học, và họ đã trao đổi nhiều thứ với các sĩ quan Việt Nam.”

Câu chuyện của chúng tôi lại chuyển qua đề tài hội thảo Biển Đông. Ông nói rằng “Việt Nam đã đi trước Trung Quốc một bước trong việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông, khi một năm trước đó (tức năm 2009 – TG) đã tổ chức hội thảo lần đầu tiên, tại Hà Nội.”

Khi hỏi về chuyện nghiên cứu Việt Nam, tôi hỏi ông có gặp khó khăn gì trong việc tiếp xúc các học giả Việt Nam để trao đổi và tìm kiếm thông tin không. Ông nói: “Các quan chức, và một số học giả Việt Nam đều tỏ ra e ngại nếu trong cuộc tiếp xúc với học giả nước ngoài - những người có thói quen ghi chép rất cẩn thận. Vì thế, tôi rất ít ghi chép, chỉ một vài chữ quan trọng thôi.” 

carl thayer,Biển Đông,Đường lưỡi bò,Đảo nhân tạo,Nguyễn Cơ Thạch
GS Thayer với một tay bó bột trong hội thảo Việt Nam học 2008. Ảnh: Huỳnh Phan

Mối quan hệ cơ duyên

Tôi gặp GS Thayer ở Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3/2008, khi đang công tác tại báo Sài Gòn Tiếp thị. Biết GS Thayer qua các bình luận của ông trên một vài tờ báo, tôi chủ động liên hệ với ông tại phiên hội thảo về Biển Đông.

Vị giáo sư đang bị băng tay, do ngã ở Hồng Kông, đã vui vẻ nhận lời. Ông đã tiếp tôi suốt hai tiếng ở sảnh KS Melia, và chỉ chịu dừng cuộc phỏng vấn khi đến giờ đi gặp một người khác.

Từ đó, hễ có chuyện gì liên quan tới Biển Đông, hay quan hệ Việt Nam với các nước lớn trên thế giới, như Mỹ, Nga, hay Trung Quốc, tôi đều phỏng vấn ông qua email.

Đặc biệt, trong chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh đến Úc và ký Tuyên bố chung về đối tác chiến lược, GS Thayer được mời đến dự bữa tiệc tối do Thủ tướng Úc chiêu đãi TBT Nông Đức Mạnh, và ông kể cho tôi những thông tin liên quan để tôi viết bài.

Và cứ mỗi lần vào Việt Nam để dự các hội thảo, ông đều dành cho tôi ít nhất 1 tiếng đồng hồ để phỏng vấn. Khi thì bên ly cà phê, khi thì bên ly bia…

Nhưng tôi không phải phóng viên thân nhất của ông, tôi chắc thế. Mặc dù khi tôi bị ốm, ông dành cho tôi sự chăm sóc thông tin nhiều hơn bình thường. Và trước khi vào Hà Nội, ông đã email cho tôi đề nghị hãy phỏng vấn ông về đề tài mà tôi tự chọn. Lần đó, tôi phỏng vấn ông về lý do thực sự Trung Quốc tấn công Việt Nam đầu năm 1979.

Người phóng viên thân nhất với GS Thayer, theo tôi được biết, là Greg Torode, chồng một người bạn thân của tôi, trước đây là cho tờ The South China Morning Post của Hồng Kông. Greg đã từng bỏ ra 6 tháng trời để tìm ra vụ Chính phủ Trung Quốc đã đe nẹt  BP, nhằm buộc công ty này rút ra khỏi dự án khoan dầu ở thềm lục địa Việt Nam.

Khi chủ Trung Quốc mua phần lớn cổ phần của SCMP, Greg đã làm đơn từ chức, và chuyển sang làm cho hãng tin Reuters Thomson.

“Vẫn như xưa, hàng sáng chúng tôi đều trao đổi email với nhau”, GS Thayer chia sẻ.

Đường lưỡi bò và con chó của GS Thayer

GS Thayer kể rằng hai vợ chồng ông có nuôi một con chó nhỏ. Con chó rất quý ông, và thường chui vào phòng làm việc của ông.

Mỗi khi ông đi xa, bà vợ ông kể lại, nó thường vào ngủ trong phòng làm việc của ông, nằm ngay trên tấm bản đồ Biển Đông của Trung Quốc có vẽ đường lưỡi bò đứt khúc.

Đã gần 8 năm trời kể từ cuộc cà phê ở Sài Gòn, con chó của GS Thayer chắc đã già lắm hoặc có thể đã đi xa.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển nhiều thứ trên Biển Đông. Từ xây đảo nhân tạo, đến quân sự hóa các đảo, hay tập trận…

Trung Quốc cũng đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông trên lãnh thổ của mình, và thu hút được sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Qua đó, với chính sách kéo học giả về phía mình, chủ yếu bằng tiền bạc, họ đã kéo được những người trước đây cực kỳ phản đối quan điểm của Trung Quốc.

Vì thế, gần đây, các học giả Trung Quốc lại tưởng tượng ra Đường Lưỡi bò liền nét. Một bước mới trong mưu toan khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Tôi đang chờ đợi đến cuối năm để dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 10, và viết về cuộc tranh luận của GS Thayer với các học giả Trung Quốc.

Hy vọng đó sẽ là cuộc tranh luận nảy lửa, để tôi có một bài tường thuật hay…

tin tức liên quan