" BOT - Chuyển "phí" thành "giá" không sai. Nhưng cách triển khai không trúng" - Phạm Sinh
CẢM NHẬN VÀ QUAN ĐIỂM
VỀ CUỘC SỐNG - XÃ HỘI MỖI NGÀY
BOT - CHUYỂN “PHÍ” THÀNH “GIÁ” KHÔNG SAI
NHƯNG CÁCH TRIỂN KHAI KHÔNG TRÚNG
Phạm Sinh
Sau một thời gian không ngắn trên các trang Báo dày đặc tần xuất những bài, những mẩu nói về "phí và "giá". Và hôm nay tôi chẳng nghĩ rằng vẫn còn xuất hiện bóng dáng của "phí" và "giá" - Với bài viết THÔI THÌ ĐÀNH "MẾCH LÒNG QUAN" NHƯNG "MÁT LÒNG DÂN của tác giả Bích Diệp đăng trên Dân trí ngày 10 tháng 6 năm 2018.
Với tư cách là một công dân có tinh thần và động cơ tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội, cùng với việc đầu tư chút thời gian tìm hiểu và cả một chút “vốn” rất khiêm tốn tích lũy được trong thời gian trực tiếp tham gia hoạt động về nghiệp vụ quản lý và thực thi trong lĩnh vực tài chính kế toán ngân sách Nhà nước và tài chính kế toán Doanh nghiệp. Tôi xin mạn phép được đưa ra một vài cảm nhận và quan điểm của mình, hy vọng góp phần nhỏ bé cùng tìm lời giải và “bến đỗ” của thuật ngữ “phí” và “giá” BOT mà dư luận đang ồn ào với nhiều ý kiến khác nhau:
PHẦN THỨ NHẤT: Xác định đúng sai về khái niệm “thu phí” và “thu giá” BOT.
Khi gọi tên con người, sự vật, hiện tượng cần phải dùng ngôn ngữ chính xác về mặt khoa học và đúng bản chất của nó, nhất là đối với luật pháp và bộ máy Nhà nước. Để làm gì, để tạo sự tin cậy, khách quan và khoa học. Muốn được như vậy trước hết cần sự minh bạch, chính xác, nhất là với luật pháp, các thiết chế Nhà nước. Luật pháp không phải là Văn học, không cần dùng mĩ từ hay nói giảm, nói tránh… Sự thực ngôn từ trong lĩnh vực này tuy khô khan nhưng được lòng dân và dân tin.
Trước khi đi vào phân tích xác định đúng sai về khái niệm “thu phí” và “thu giá” BOT xin được mở rộng một tình tiết tổng quan như sau:
Trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước thì thuế, phí và lệ phí chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80%). Thu ngân sách Nhà nước là thu bắt buộc, chủ yếu thông qua thuế. Nộp thuế là nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân, chính sách về thuế là một phần của chính sách tài chính.
* Khái niệm về thuế, phí và lệ phí :
- Thuế là nguồn thu theo nghĩa vụ được quy định theo pháp luật. Ở Việt Nam có hai loại thuế: thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp vào thu nhập (thuế thu nhập công ty, thuế thu nhập cá nhân) và thuế gián thu (thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng tài nguyên…) Tổng doanh số thuế Nhà nước thu được hàng năm đều được sử dụng 100% cho các khoản chi tiêu của Nhà nước bởi đây là khoản thu không mang tính đối giá và hoàn trả gián tiếp cho đối tượng nộp thuế…
- Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí do Nhà nước quy định.
- Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí do Nhà nước quy định.
*Tính chất của thuế, phí và lệ phí :
-Thuế: mang tính chất bắt buộc, không mang tính đối giá, hoàn trả gián tiếp
- Phí: mang tính bắt buộc tương đối, mang tính đối giá, hoàn trả trực tiếp. Mức thu phí được xác định chỉ ở một mức độ nhất định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Phí luôn luôn là mức thu thấp hơn chi phí cung cấp dịch vụ ( cơ bản bảo đảm bù đắp) - Hay nói cách khác người thụ hưởng dịch vụ vẫn được bao cấp một phần giá trị sử dụng dịch vụ.
-Lệ phí: mang tính bắt buộc tương đối, không mang tính đối giá, hoàn trả trực tiếp. Tương tự như phí - Lệ phí cũng là khoản thu mà người thụ hưởng dịch vụ vẫn được bao cấp một phần giá trị sử dụng dịch vụ.
* Thẩm quyền thu
-Thuế: cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cơ quan thuế, hải quan, cơ quan khác do Chính Phủ ủy quyền
-Phí: tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ có trong danh mục của Luật phí và lệ phí.
-Lệ phí: cơ quan tổ chức cá nhân được nhà nước ủy quyền
* Điều kiện thu
-Thuế: Thuộc diện nộp thuế theo quy định của pháp luật
-Phí: nhu cầu sử dụng dịch vụ
-Lệ phí: sử dụng dịch vụ gắn với chức năng quản lý nhà nước
* Ví dụ
-Thuế: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp…
-Phí: phí sử dụng đường bộ, học phí, viện phí…
-Lệ phí: lệ phí trước bạ, lệ phí công chứng chứng thực…
SỰ KHÁC NHAU VỀ BẢN CHẤT CỦA “THU PHÍ” VÀ “THU GIÁ” BOT
* “Thu phí” và “thu giá” BOT - Thực chất những từ này là từ viết tắt của hai loại hình thu:
- “Thu phí sử dụng đường bộ” được viết tắt là “thu phí”
- “Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” được viết tắt là “thu giá”
+ Bản chất của THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ là: Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Phí luôn luôn là mức thu thấp hơn chi phí cung cấp dịch vụ ( cơ bản bảo đảm bù đắp) - Hay nói cách khác người thụ hưởng dịch vụ vẫn được bao cấp một phần giá trị sử dụng dịch vụ.
+ Bản chất của THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ thuộc Các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT) là: BOT là một hình thức hợp tác công tư mà doanh nghiệp đầu tư xây dựng, vận hành, rồi chuyển giao công trình cho Nhà nước sau khi thu hồi vốn, và lãi theo thoả thuận với Nhà nước. Doanh nghiệp chỉ là nhà thầu xây dựng trên đất của Nhà nước, và con đường đó là tài sản của Nhà nước, thay vì được trả tiền một lần cho chi phí xây dựng thì doanh nghiệp được trả dần bằng thời gian vận hành, thu tiền dịch vụ sử dụng con đường của phương tiện tham gia giao thông . Theo đó hệ số thu tiền dịch vụ sử dụng con đường phải bằng 100% tổng vốn đầu tư xây dựng ban đầu và lãi đã thỏa thuận với Nhà nước. Và vì vậy giá trị thu của từng loại phương tiện qua lại trạm mỗi lần được gọi là “thu giá”.
Xuất phát từ sự hoàn toàn khác nhau về bản chất của THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ và THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ nêu trên. Ngày 25 tháng 11 năm 2015 Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội thông qua theo Luật số: 97/2015/QH13 - Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Theo đó:
Tại phụ lục số 02 - DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CHUYỂN TỪ PHÍ SANG GIÁ DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ (Ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13) có nêu: Các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT) không gọi là Phí sử dụng đường bộ mà được chuyển sang áp dụng theo Luật giá và gọi là “Giá Dịch vụ sử dụng đường bộ”. (Luật giá được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013)
Luật phí và lệ phí quy định chuyển tên gọi từ THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ sang THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT) là cơ sở pháp lý để Bộ GTVT đi đến ban hành một văn bản dưới luật - Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30-12-2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.Theo đó việc Bộ GTVT triển khai gỡ bỏ cụm từ “thu phí” tại các trạm thu là việc làm hoàn toàn có cơ sở pháp lý trên cơ sở luật định. Và ý kiến của ông Bộ trưởng GTVT giải thích rằng: “theo quy định hiện hành, phí là khoản người dân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, trong khi BOT là sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp nên mới có sự chuyển đổi cách gọi sang thu giá (giá sử dụng đường bộ) là hoàn toàn không có gì sai.
Tổng quan lại ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: BOT - CHUYỂN “PHÍ” THÀNH “GIÁ” KHÔNG SAI
PHẦN THỨ HAI: Cách triển khai không trúng
* Dư luận xã hội ồn ã và bức xúc phải chăng chỉ vì hai chữ “phí” và “giá”
Nổi cộm nên trong khi Bộ GTVT triển khai cho các trạm thu phí đường bộ “lột” chữ “phí” đi và thay vào đó bằng chữ “giá” là gặp phải những phản ứng thuận và trái chiều, những cách nhìn và ứng xử tích cực và tiêu cực nó cứ ngày một rộ lên trong dư luận xã hội và nhất là trên trang mạng xã hội (facebook)…
Thật đáng tiếc khi một việc không đáng có nhưng nó đã sảy ra làm cho dư luận ồn ã, bức xúc; Bộ ngành liên quan lúng túng và đáng tiếc hơn nó còn để cho các nhà lãnh đạo Nhà nước mất thời gian và đau đầu, thậm trí “hệ lụy” trong phát ngôn vì cái lúng túng của các cơ quan tham mưu…
Với tôi thì nhận thấy rằng: Những phản ứng; những cách nhìn và ứng xử rộ lên trong dư luận xã hội nó không hẳn và hoàn toàn không hẳn vì lý do chữ “giá” được thay vào chữ “phí” và có thể nói chắc rằng đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu… Còn cái nguyên nhân chủ yếu xin mạn phép nói gọn là trong cái thiết chế BOT của chúng ta đã bộc lộ ra mặt một số vấn đề lình sình thực hư gây bức xúc cho người tham gia giao thông bấy lâu nay và hơn thế nữa nó còn tiềm ẩn những mảng đen - những mảng đen về quy hoạch; về chất lượng xây dựng các công trình giao thông; về các yếu tố cấu thành đã đội giá trị vốn đầu tư các công trình giao thông lên quá cao; về những vấn đề thiếu minh bạch trong hệ thống quản lý vận hành BOT; về những mảng đen sẫm của bóng hình “Nhóm lợi ích”… Có lẽ những mảng đen trên chỉ có thể xóa được khi toàn Đảng, toàn dân chúng ta cùng chung tay với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “ gom củi vào lò…”.
Thật đáng buồn khi mà một Bộ triển khai thực thi Luật, một việc làm đúng đắn - mới chỉ là cái tên gọi mà chúng ta không có phương pháp tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng tình. Đây có thể được coi là lỗi của các Bộ, ngành liên quan chứ không riêng gì Bộ GTVT. Điều nguy hiểm hơn đây có thể sẽ là tiền lệ tiêu cực để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc kích động nhân dân phản ứng khi Đảng và Nhà nước ta triển khai những đường lối chủ trương chính sách khác.
* Nguyên nhân thứ nhất:
Đối với ngành Giao thông vận tải: Để thực hiện chuyển tên gọi từ “Thu phí sử dụng đường bộ” theo Luật phí và lệ phí sang “Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” theo luật giá - Đương nhiên trên tất cả hồ sơ giấy tờ; trên phiếu, vé qua trạm và biên lai thu tiền đều không được biểu hiện ký tự “phí” và đương nhiên trên các biển hiệu tại các trạm cũng sẽ không được biểu hiện ký tự ký tự “phí”.
Ngành GTVT cũng đã chủ quan bởi tâm lý của người tham gia giao thông ở nhiều cung đường trong thời gian qua họ vừa trăn trở, vừa bức xúc với một số vấn đề lình sình thực hư của ngành mình, mặc dù cách nhìn và hành động của họ không ít những điều vô lý và thiển cận… Không ít người họ chỉ có thói quen tiếp nhận thông tin bằng bản năng … mà thiếu tiếp nhận thông tin bằng tư duy đồng hành với tiến bộ của thời đại… và khi họ nghe một ngôn từ lạ tai thì họ cảm thấy khó thích nghi. Chúng ta còn nhớ một sự kiện ngày 2.7.1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi thành quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - Khi cụm từ “ Việt Nam dân chủ cộng hòa” được thay bằng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhiều người bảo rằng: nghe không quen tai, dài dòng… Sao không cứ để nguyên như cũ cho dễ gọi, dễ viết…? Và hôm nay từ “giá” thay cho từ “phí” trong BOT đa số dân ta cũng có phản ứng tương tự bởi họ đâu hiểu rằng việc cụm từ “ Việt Nam dân chủ cộng hòa” được thay bằng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và việc thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ hôm nay được áp dụng theo Luật giá thay cho Luật phí trước đây nó là điều buộc phải thực thi bởi bản chất đúng đắn của sự việc mà luật pháp đã quy định. Tại sao trước khi thay đổi ngành GTVT không đặt vấn đề với ngành Truyền thông tiến hành tuyên truyến để người dân hiểu sự cần thiết phải thay đổi tên gọi, theo đó có thể ngành GTVT cho in những tờ rơi nho nhỏ trong đó chỉ cần mấy gạch đầu dòng có đề cập đến việc đây chỉ là sự thay đổi ngôn từ mà Luật pháp quy định… Chỉ thế thôi chắc chắn chẳng ai cố tình chống đối trong khi về nghĩa vụ tài chính qua trạm thu họ không bị gia tăng… Và cũng chỉ thế thôi chắc chắn trên mạng xã hội không xuất hiện tấm ảnh chế (qua trạm thu phí người lái xe đưa cho nhân viên soát vé một rổ “Giá đỗ” bởi đây là Trạm thu “giá” Dù đây là ảnh chế hay ảnh thật chúng ta cũng có thể nói rằng: Đây là hành động phản ứng với cấp độ nhân văn mang dấu âm (-) thế nhưng trên trang mạng xã hội đấy là chủ đề đàm tiếu … và nó cứ ầm ào nhân ra.
Với mạng xã hội và những người tham gia giao thông là thế. Nhưng chúng ta không thể không điểm đến một nguyên nhân - Nguyên nhân của cả những người có trách nhiệm trong cuộc hoặc vô tình, hoặc hữu ý gây ra…
* Nguyên nhân thứ hai:
…
(còn nữa)