Không quân Lào đã sở hữu máy bay khủng nhất thế giới: Nhiều người Việt mơ ước
Quân đội giải phóng nhân dân Lào tuy có quy mô nhỏ bé nhưng cũng có đầy đủ các thành phần từ lục quân với pháo binh, xe tăng - thiết giáp cho tới không quân tiêm kích, vận tải và tên lửa phòng không.
Để xây dựng được lực lượng đa dạng như vậy, Lào nhận được khá nhiều vào viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Nếu như các nước bạn giúp đỡ Lào về vũ khí trang bị thì Việt Nam giúp bạn chủ yếu trong lĩnh vực đạo tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu và kỹ thuật, đào tạo phi công quân sự, hỗ trợ không quân Lào trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy bay khi bạn chưa có điều kiện để đảm bảo kỹ thuật cho những loại vũ khí, khí tài hiện đại.
Tuy nhiên, dù Không quân Lào chưa có tiêm kích Su-27, Su-30MK2 thuộc hàng hiện đại nhất thế giới như Không quân Việt Nam, thế nhưng từ lâu họ đã sở hữu một loại máy bay thuộc hàng khủng nhất thế giới. Đó chính là trực thăng Mi-26 - khổng lồ lớn nhất mà thế giới từng chế tạo.
Chiếc trực thăng Mi-26 duy nhất của Không quân Lào.
Dòng trực thăng này được mệnh danh là "lực sĩ bay" bởi nó sở hữu khả năng chuyên chở vô địch, lại có tầm bay xa, vì thế, Mi-26 được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Ở Nga, người ta trang bị Mi-26 cho Không quân, cho Bộ Các tình trạng khẩn cấp,... và nhiều công ty vận tải tư nhân cũng đặt mua chúng để phục vụ cho các hợp đồng vận tải các hàng hóa siêu trường siêu trọng.
Nhiều người cũng mơ ước một ngày nào đó Không quân Việt Nam cũng sẽ được trang bị "lực sĩ bay" Mi-26. Thế nhưng dường như điều này khó khả thi bởi nước ta còn nhiều mục tiêu ưu tiên mua sắm vũ khí, trang bị theo định hướng tiến thẳng lên hiện đại của một số Quân, binh chủng và lực lượng mũi nhọn.
Vậy mà, với Không quân Lào, chẳng cần mơ ước, họ đã thực sự sở hữu loại trực thăng khổng lồ này, dù chỉ có duy nhất 1 chiếc. Theo các nguồn tin quốc tế, chiếc trực thăng Mi-26 duy nhất của Không quân Lào được đặt mua năm 1997 và phía Nga bàn giao cùng năm kèm theo một số trực thăng Mi-17-1V.
Chiếc trực thăng Mi-26 duy nhất của Lào mang số hiệu RDPL-34069 thường xuyên đóng quân ở căn cứ sân bay Wattay gần Thủ đô Vientiane.
Trực thăng Mi-26 của Không quân Lào tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Mi-26 khổng lồ đến mức nào?
Được chế tạo tại Nhà máy trực thăng Mil Moscow, Mi-26 là loại trực thăng đa dụng có thể hoạt động cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự, cất cánh lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 12 năm 1977 và được biên chế vào phục vụ trong quân đội Xô viết năm 1983.
Tuy nó không lớn bằng chiếc Mil V-12 nhưng trong khi chiếc V-12 chỉ dừng ở các chuyến bay thử thì chiếc Mi-26 đã được phát triển thành công và được sử dụng cho các mục đích dân sự, quân sự, thậm chí còn được Liên bang Nga xuất khẩu ra nước ngoài.
Trực thăng Mi-26 có chiều cao tương đương một căn nhà ba tầng và đường kính cánh quạt tới 32 m, tương đương sải cánh của một chiếc máy bay Airbus A320.
Mi-26 có kíp lái 5 người, khi làm nhiệm vụ đổ quân, chúng có thể chở được cùng lúc 90 binh sĩ với đầy đủ vũ khí trang bị hay 60 cáng cứu thương khi làm nhiệm vụ cứu thương hoặc tới 20 tấn hàng, lớn gấp 2 lần trực thăng vận tải CH-47 Chinook nổi tiếng của Mỹ.
Mi-26 đang vận chuyển một máy bay Tu-134.
Với tốc độ tối đa 295kmh; tầm bay chuyển sân đạt 1.920km hoặc 800km khi chở hàng, Mi-26 có thể vận tải những loại hàng siêu trường, siêu trọng đến những khu vực hiểm trở mà máy bay trực thăng thông thường khó tiếp cận.
Khi trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra vào năm 2008, một trực thăng Mi-26 đã vận chuyển máy xúc cỡ lớn tới một sườn núi để ngăn lũ lụt và lở đất.
Trước đó vào năm 1999, Mi-26 đã được sử dụng để đưa một con voi ma mút bị đóng băng có niên đại 23.000 năm ra khỏi vùng Siberia băng giá.
Hiện nay, để sở hữu một chiếc trực thăng Mi-26T2 phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng Mi-26, khách hàng có thể phải bỏ ra chừng 25 triệu USD, mức giá khá rẻ đối với dòng trực thăng lớn nhất thế giới.
Được biết, đã có khoảng gần 20 quốc gia đang vận hành trực thăng Mi-26 và thậm chí Liên Hợp Quốc cũng chọn Mi-26 để thực hiện các sứ mệnh của mình.