Sai phạm thi ở Hà Giang: Vị thành tích mà không thực lực sinh ra dối trá

Ngày đăng: 07:06 18/07/2018 Lượt xem: 427


Sai phạm thi ở Hà Giang: Vị thành tích mà không thực lực sinh ra dối trá


                                                       Nguồn:Báo Điện tử VOV


Cần xử lý nghiêm những người liên quan đến việc nâng điểm ở Hà Giang, để ít nhất để không làm đổ vỡ thêm nữa niềm tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào một ngành được coi là dẫn đường trong việc hình thành những thế hệ tương lai.


1. Tôi có một người quen có con thi vào lớp 10 một trường cũng có tí tiếng tăm ở Hà Nội. Mặc dù trên hệ thống công bố điểm của trường có phần tra điểm, chỉ cần biết họ tên là có thể tra được điểm và theo kết quả đó thì cháu bé thiếu đến 5 điểm so với điểm chuẩn vào trường. Nhưng gia đình không chấp nhận sự thật đó. Khi có ai hỏi điểm của con, bố mẹ đều nói con thi đỗ. Nguy hiểm hơn, cháu bé cũng được học cách nói dối như vậy.

Không phải chỉ đây là trường hợp cá biệt trong xã hội hiện nay, mà nó đã trở thành hiện tượng phổ biến. Mà nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này cũng là do chúng ta đang sống trong một môi trường đang quá trọng thành tích, vị thành tích không dựa trên thực lực thì sinh ra dối trá.
 

sai pham thi o ha giang vi thanh tich ma khong thuc luc sinh ra doi tra

(ảnh minh họa học sinh thi THPT)

Ở trong trường học, khá khó để tìm những đứa trẻ có thành tích học tập khá hoặc trung bình. Điểm 6-7 với các con bây giờ là một điểm số không thể chấp nhận với nhiều bố mẹ. Trong các cuộc họp phụ huynh, nhiều giáo viên cũng phải đau xót thừa nhận, trong số gần như cả lớp học sinh giỏi, chỉ có khoảng chục cháu là “giỏi thật”.

Ở ngoài trường học, người ta đua nhau chạy thành tích, chạy danh hiệu để được tuyển chọn vào những chỗ làm béo bở, hoặc để được thăng tiến nhanh hơn người khác…

2. Dư luận hiện đang khá bức xúc vì câu chuyện về thi tốt nghiệp PTTH ở Hà Giang.

Theo kết quả thanh tra, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Kết quả này thực sự không bất ngờ với nhiều người vốn đã ít nhiều mất niềm tin vào những chuyện lùm xùm trong môi trường giáo dục. Nhưng lại một lần nữa cho thấy, bệnh thành tích ở một số nơi, một số lĩnh vực đã ở mức trầm kha.

Trước hết, trong thi cử, chỉ cần hơn nhau 0,25 điểm là rất có thể hai thí sinh sẽ ở hai phía của việc đỗ, trượt và vui, buồn. Việc hàng trăm học sinh ở Hà Giang được nâng điểm với một con số cao ngất ngưởng, thậm chí có em còn được nâng đến gần 30 điểm đã cướp đi cơ hội vào Đại học của hàng trăm học sinh học hành tử tế, thi cử bằng chính sức lực của mình.

Nhưng mất mát lớn hơn là sự mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm công tác giáo dục, vào sự trong sạch của một môi trường cần sự mẫu mực. Đây là sự mất mát không bao giờ bù đắp và hàn gắn được.

Thứ nữa, việc làm này đang tiếp tay cho việc tạo ra một lớp người không trung thực. Những thí sinh được nâng điểm họ thừa biết sức lực của họ đến đâu và những con điểm đó là do sự chạy chọt, “làm phép” của bố mẹ, của người lớn mà có.

Ngay từ bé trẻ em đã được chứng kiến và được làm theo những việc làm như vậy của người lớn, ai dám khẳng định khi lớn lên các em đó sẽ là những con người trung thực?

Vì thế, không thể trì hoãn được việc cứ để căn bệnh vị thành tích, sẵn sàng dối trá đang ngày một nặng lên. Cần phải xử lý nghiêm những người liên quan đến việc nâng điểm ở Hà Giang, để ít nhất để không làm đổ vỡ thêm nữa niềm tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào một ngành được coi là dẫn đường trong việc hình thành một thế hệ tương lai.

Đừng để sự dối trá của người lớn “giết chết” con trẻ./.

tin tức liên quan