Kho tiền tấn của Phan Sào Nam
Liên quan đến vụ án đánh bạc online ngàn tỷ, sau khi chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỷ đồng, những ông trùm cờ bạc này được hưởng 4.713 tỷ đồng.
Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương - CNC hưởng lợi 1.655 tỷ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.574 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên số tiền của các bị can và những người có liên quan là 1.343 tỷ đồng. Số tiền này đựng trong hai hòm, để tại một điểm cất giấu của Phan Sào Nam ở Quảng Ninh. Lực lượng công an phải phối hợp với Kho bạc và cơ quan chức năng kiểm đếm hàng chục tiếng đồng hồ mới hết.
Đồng hồ 1,1 tỷ biếu sếp công an
Cũng liên quan tới vụ án, theo cơ quan điều tra, ông Phan Văn Vĩnh đã được Dương biếu đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở.
Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Nữ đại gia giàu nhất Việt Nam tiền đầy két
Bà Trương Thị Lệ Khanh là chủ tịch HĐQT Thủy sản Vĩnh Hoàn và là cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 39,6 triệu phần VHC (gần 43%), trị giá khoảng 2.500 tỷ đồng.
Hiện bà Lệ Khanh nằm trong top 30 người giàu nhất trên TTCK, nhưng cũng từng là người phụ nữ đầu tiên tự lèo lái một doanh lọt vào top 10 tỷ phú chứng khoán Việt Nam. Bà Lệ Khanh từng vượt qua ông vua tôm Dương Minh Ngọc từng dính tin đồn người tình Mỹ Tâm để đứng số một trong lĩnh vực thủy sản.
Với mức thuế suất sang Mỹ 0% và giá bán bình quân cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc khởi sắc, doanh thu của VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.
Nữ đại gia mua 100 máy bay
Mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air - đã ký hợp đồng trị giá gần 13 tỷ USD mua 100 chiếc máy bay Boeing 737 MAX, giao hàng trong khoảng thời gian 2022-2025.
Cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp, từ mức 130.000 đồng/cp lên 140.000 đồng/cp khi chốt phiên giao dịch ngày 19/7.
Tính tới 19/7, khối tài sản của bà Thảo theo Forbes là 2,7 tỷ USD, xếp thứ 766 trên thế giới. Hồi tháng 3/2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam và độc chiếm “ngôi hậu” Đông Nam Á khi Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới 2017.
FLC thay tổng giám đốc sau 8 tháng
Tập đoàn FLC vừa bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc thay người tiền nhiệm là ông Trần Quang Huy. Ông Huy đảm nhiệm chức vụ này được 8 tháng, từ tháng 11/2017.
Bà Hương Trần Kiều Dung bắt đầu đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc từ ngày 18/7. Bà từng đóng vai trò lãnh đạo các đơn vị quan trọng tại Tập đoàn FLC như luật, bất động sản, dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao,...
Trước đó, bà Dung từng giữ chức Tổng giám đốc FLC từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2017. Sau đó, bà thôi giữ chức vụ này và đóng vai trò phó chủ tịch từ đó đến nay.
Sếp cũ Microsoft về làm phó tổng công ty Việt
Ông Vũ Minh Trí, cựu tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, vừa chính thức gia nhập công ty VNG. Ông Trí giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách mảng dịch vụ đám mây.
Trước khi về VNG, ông Trí từng có quãng thời gian ngắn làm việc cho Nguyễn Hoàng, hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, sau khi rời Microsoft Việt Nam. Ông từng giữ chức Tổng giám đốc Yahoo Việt Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương và Thái Lan, Tổng giám đốc Sony Ericsson Việt Nam.
Nữ đại gia Lê Hồng Thủy Tiên thể hiện sức mạnh
Sasco (SAS) của nhà vợ chồng Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, lãi trước thuế trong 6 tháng đạt 220 tỷ đồng, hoàn thành 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 189,9 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ.
Tại Sasco, ngoài Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (hơn 95% sở hữu bởi Bộ GTVT), Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của nhà bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 25% tại Sasco.
Cuối 2017, cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà - bất ngờ trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần IPPGroup cho vợ và con.
Đại gia ra tay
Sau một thời gian im tiếng, ông Lê Phước Vũ đã chính thức vào cuộc chống lại tác động của cuộc chiến khốc liệt, vốn làm doanh nghiệp nhà ông Lê Phước Vũ bốc hơi ngàn tỷ đồng trong thời gian vừa qua. Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - một công ty riêng của Lê Phước Vũ - đã hoàn tất mua 1 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong thời gian 15/6 đến 13/7 thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn.
Đây là diễn biến “cứu giá” cổ phiếu HSG đáng chú ý nhất của ông Lê Phước sau khi cổ phiếu này giảm 2,5 lần từ mức giá gần 25 ngàn đồng xuống 10.000 đồng/cp trong 6 tháng qua khiến vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi khoảng 6.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HSG giảm mạnh trong 6 tháng qua do triển vọng kinh tế suy giảm do chịu ảnh hưởng từ các loại thuế trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới gia tăng.
Chưa gửi yêu cầu Đinh La Thăng bồi thường 600 tỷ
Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết đang tiếp nhận hồ sơ từ tòa án để thi hành bản án dân sự buộc ông Đinh La Thăng bồi thường 600 tỷ đồng.
Với bản án 18 năm tù, cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù.
Ngoài ra, tòa tuyên ông Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác phải bồi thường 785 tỷ đồng cho PVN. Ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ. PS st Theo Dân trí
Theo Bảo Anh (Tổng hợp)
PS st Theo Dân trí