Quan xã về vườn
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Bộ Nội vụ đang thực hiện một kế hoạch sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Theo đúng kế hoạch này, trong 3 năm nữa, 259 huyện và hơn 6.000 xã chưa đạt tiêu chuẩn trên cả nước sẽ phải sáp nhập để tinh giản bộ máy.
Nhưng tôi muốn kể lại câu chuyện của một xã “đủ tiêu chuẩn” ở Nghệ An. Năm năm trước, khi tôi đặt chân đến đó, dân số của xã miền núi này là hơn 5.000 người, và diện tích tự nhiên là hơn 30 km2. Xã Thanh Hương, ở Thanh Chương, Nghệ An sẽ không nằm trong diện bị xem xét năm nay. Tất nhiên, nếu người ta không phát hiện ra sai phạm của gia đình ông bí thư.
Câu chuyện gia đình trị của ông Lý, tôi đã viết trong một bài trên mục Góc nhìn gần đây, có tựa đề Chuộc ghế. Trong nhiều năm, ông đã cài cắm cả gia đình vào bộ máy chính quyền và thực hiện nhiều hành vi khuất tất. Nhưng sẽ thật “oan uổng”, nếu đổ hết lỗi lên đầu ông Nguyễn Bá Lý. Bởi vì để cho một cán bộ - dẫu là cán bộ lãnh đạo cao nhất của cơ sở - lộng hành trong một thời gian dài như vậy, thì tất cả nhân sự trong bộ máy Đảng ủy và chính quyền xã Thanh Hương đều phải chịu trách nhiệm.
Bây giờ, khi câu chuyện đã được xử lý nghiêm 6 năm rồi, thì nhìn lại những con số sẽ thấy vì sao mà các cán bộ chính quyền xã Thanh Hương khi ấy đã im lặng. Trong 13 năm ấy, họ đã cùng nhau gây thất thoát hơn 500 triệu đồng khi xây dựng đường điện 0,4KV, 10 KV và trạm biến áp 250 KVA cho xã.
Họ đã cùng nhau tiêu biến hơn 100 triệu tiền hỗ trợ của quỹ Oxfam cho việc điện khí hóa nông thôn, 150 triệu tiền thủy lợi phí do nhân dân đóng góp. Họ đã cùng nhau đẩy Hợp tác xã nông nghiệp đến nỗi giải thể, và hơn thế, để lại số nợ đọng lên đến 800 triệu đồng.
Thâm hụt ngân sách quá nhiều, thậm chí chính quyền xã Thanh Hương đã bàn nhau vẽ ra một bản quy hoạch, qua đó bán 42 lô đất nền cho dân xây nhà, trong khi đó là đất công và xã không có quyền mua bán.
Người dân xã Thanh Hương biết tất cả những sai phạm này, nhưng họ không có tiếng nói. Bởi vì tất cả những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo xã đều đã được ông Chủ tịch Nguyễn Bá Lý cài cắm người nhà. Thực ra thì người dân vẫn còn trông đợi được vào Hội đồng nhân dân xã, nhưng theo quy định - thì Hội đồng nhân dân chỉ có chức năng giám sát - mà giám sát, thì chẳng phải chính là việc mà người dân xã Thanh Hương vẫn làm rất tốt hay sao? Vấn đề là ai xử lý?
Năm ấy, tôi đã đến đó gặp người dân, chỉ để chứng kiến một không khí hằn học giữa người dân và chính quyền xã; để nhìn những người già gằn giọng đối thoại với những anh dân phòng hung hăng; để nhìn thấy một cỗ máy bất chấp sĩ diện để ngăn cản báo chí vào địa phương.
Câu chuyện dài dòng và khuất tất đến khó tin của xã Thanh Hương, thực ra lại không phải là cá biệt. Mới đây nhất, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn báo cáo trước Quốc hội tháng 10/2017: “Cử tri và Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương”.
Thế nhưng, những con số thống kê lại cho thấy, bộ máy chính quyền cấp xã không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 1986 đến năm 2016, cả nước đã tăng từ 9.657 đơn vị lên 11.162 đơn vị (tăng 1.505 đơn vị cấp xã).
Bộ Nội vụ đang xem xét sáp nhập, thu gọn bộ máy chính quyền địa phương dựa trên hai tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Nhưng tôi tự hỏi, rằng đó có thực sự là tiêu chí quan trọng nhất để sáp nhập? Có nhiều phường xã trên cả nước có diện tích nhỏ, nhưng lại là kết quả hình thành trong lịch sử dựng nước, và vai trò quan trọng về văn hóa. Nhưng cũng có những nơi như Thanh Hương, không thiếu tiêu chuẩn gì trừ tiêu chuẩn… lãnh đạo.
Sáp nhập, nghĩa là hơn 6.000 ông chủ tịch mất ghế, hàng chục nghìn vị chức sắc khác phải đi tìm chỗ ngồi mới. Đó là một cuộc đại biến động nhân sự. Nhưng có phải vì những con số hàng nghìn hàng vạn ấy mà người dân sẽ hài lòng, sẽ cảm thấy công cuộc tinh giản biên chế thật hiệu quả?
Sáp nhập, không đồng nghĩa với việc tăng cường hiệu quả quản trị. Xóa sổ một cách cơ học, bằng hai tiêu chí là diện tích nhỏ và dân số ít, không trả lời được hết những câu hỏi trong dân về năng lực điều hành và sự liêm chính của những vị chức sắc địa phương.
Hiệu quả quản trị của bộ máy chính quyền cơ sở, phức tạp hơn chuyện ít dân hay đông dân. Đang có cuộc tranh cãi lớn xem Hội đồng nhân dân cấp xã phường có làm được việc của mình, với thành phần nhiều cụ hưu trí. Hoặc là vấn đề muôn thuở, là cơ chế giải quyết khiếu nại vượt cấp của người dân đã hiệu quả chưa.
Người dân sẽ vui hơn, nếu như cuộc rà soát chính quyền cấp xã đại quy mô này thực sự tìm thấy những ông quan địa phương đang làm không tốt và cho họ về vườn. Căn cứ theo chất lượng quản trị.
Còn bao nhiêu xã nữa như Thanh Hương, nơi cuộc cát cứ đã thành công, và người dân cứ việc lặn lội đi tìm công lý, trong khi lãnh đạo ở trên thì sắp xếp cấp xã chỉ theo diện tích và dân số?