Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chưa năm nào thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan như năm nay
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chưa năm nào thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan như năm nay
Nguồn:Báo Điện tử VTC
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định với tình hình thời tiết phức tạp hiện nay, nếu không có giải pháp tích cực, quyết liệt ứng phó với thiên tai thì thiệt hại không chỉ như vừa rồi mà còn có nguy cơ dẫn đến thảm họa.
Chiều 25/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Sau khi nghe các báo cáo, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã bày tỏ lo ngại trước những biến diễn thời tiết hết sức khó lường từ đầu năm, đặc biệt trong những ngày qua.
Ông Cường cho rằng, chưa năm nào thời tiết lại diễn biến phức tạp và cực đoan như năm nay. Có một biểu hiện thời tiết rất đáng chú ý phải được lưu tâm là thường sau những đợt nắng nóng sẽ đến những đợt mưa lớn.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo về thảm họa thiên tai.
Ở thời điểm hiện tại, rừng và đất rừng toàn bộ miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ đều đã ngậm nước bão hòa sau khi trải qua hai đợt mưa kéo dài vừa qua. Chưa khi nào trong vòng 3 năm qua, việc tổn thương lớp thực bì lại nghiêm trọng như hiện nay.
"Cuối năm 2015, sang năm 2016 thì khô khánh kiệt, sau đó 2 năm rưỡi trời mưa nhiều khiến không còn chỗ nào là không tổn thương nữa. Ý tôi là áo giáp sinh học đã bị tổn thương cả nơi có rừng hay không có rừng, đây là điều hết sức nguy hiểm.
Giờ chỉ cần tải thêm một lượng mưa nữa là sẽ không chịu nổi và hệ lụy là không chỉ có sạt lở cục bộ mà kéo theo cả một mảng rất lớn ụp xuống", ông Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện tại nhiều thiết chế hạ tầng của Việt Nam đều đang quá tải. Hệ thống hơn 2.000 hồ sau khi kiểm tra ghi nhận thấy rất nhiều hồ bị hư hại.
"Trước còn vá víu được, nhưng 2,3 năm qua các hồ cứ liên tục tổn thương như vậy thì rất căng, đặc biệt là những hồ xuống cấp mà chưa được tu bổ.
Không chỉ các hồ chứa, hệ thống đê điều của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm ngoái một loạt đê đã bị ảnh hưởng, năm nay lại thêm một loạt khác. Ngay cả với những đê trực thuộc Trung ương từ cấp 3 đến cấp đặc biệt đều cũng đã bị tổn thương ghê gớm, ẩn họa khôn lường", ông Cường nhận định.
Sau hai đợt mưa lớn vừa qua, cộng với những hậu quả trước đó khiến nhiều địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai hiện vẫn chưa kịp phục hồi. Trong khi đó, theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu, của áp thấp nhiệt đới vừa qua, nên từ nay tới ngày 28/7 nhiều khả năng sẽ có mưa với mức lưu lượng dự báo từ 100-200mm. Đây chính là vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
"Chúng ta không có giải pháp tích cực, quyết liệt ứng phó thì thiệt hại không chỉ như vừa rồi, không cẩn thận có chỗ sẽ dẫn đến thảm họa", Bộ trưởng Cường nhận định.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới. Thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương trên cả nước, tổng thiệt hại kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.